Đồng Tháp: Thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Cập nhật: 03/02/2021 08:28

Thanh tra tỉnh Đồng Tháp sẽ thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng, đơn vị trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) và phòng, chống tham nhũng… Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch năm 2021 của Thanh tra tỉnh Đồng Tháp đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Năm 2021, Thanh tra tỉnh Đồng Tháp sẽ thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong công tác thanh tra, giải quyết KN, TC và phòng, chống tham nhũng. Ảnh: CN

Tập trung thanh tra lĩnh vực dư luận quan tâm

Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Tháp Dương Hồng Lạc cho biết, trong năm nay, Thanh tra tỉnh sẽ thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố, tập trung các nội dung trách nhiệm của thủ trưởng, đơn vị trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC và phòng, chống tham nhũng; việc quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, tài sản đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; công tác tổ chức đấu thầu mua sắm tài sản theo phương thức tập trung và việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động xổ số kiến thiết.

Bên cạnh đó, thanh tra chuyên đề diện rộng theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ; thanh tra vụ việc do Chủ tịch UBND tỉnh giao; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, khách quan các kết luận thanh tra của giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp huyện và chánh thanh tra sở, chánh thanh tra huyện. Thực hiện tốt công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra đúng quy định.

Thanh tra sở sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý Nhà nước; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN, TC và phòng, chống tham nhũng của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Thanh tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn kỹ thuật, quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước, tập trung những nội dung quan trọng, lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm. Nội dung thanh tra trọng tâm đối với từng ngành thực hiện theo phụ lục của Thanh tra Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành…

Thanh tra cấp huyện sẽ thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng; trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trách nhiệm của các đơn vị trong công tác tuyển sinh đầu vào lớp 1 và lớp 6 trên địa bàn TP Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự.

Ngoài ra, thanh tra cấp huyện cũng thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết KN, TC và phòng, chống tham nhũng; thanh tra chuyên đề diện rộng theo hướng dẫn; thanh tra vụ việc do chủ tịch UBND huyện, thành phố giao và thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật…

Phấn đấu xử lý KN, TC thuộc thẩm đạt trên 85%

Trong giải quyết KN, TC, Thanh tra tỉnh sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN, TC, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội.

Tập trung xử lý các vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%. Xác định nguyên nhân, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ KN, TC, tranh chấp đông người trên địa bàn và đề xuất các giải pháp phòng ngừa có hiệu quả; tăng cường vận động, giải thích, đối thoại, công khai kết quả giải quyết KN, TC trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Chánh Thanh tra Dương Hồng Lạc, hoạt động thanh tra nhằm phát huy những mặt làm tốt, những mô hình, cách làm hay, hiệu quả; chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước của thủ trưởng các đơn vị, tập trung các vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn KN, TC.

Qua thanh tra kịp thời phát hiện sơ hở, bất cập trong công tác triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết KN, TC, nhất là vụ việc mới phát sinh tại cơ sở; những vụ đông người, phức tạp, kéo dài, có nguy cơ phát sinh thành điểm nóng, gây mất an ninh, trật tự, chính trị – xã hội.

Do đó, yêu cầu thanh tra đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, bám sát chỉ tiêu nghị quyết phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chấp hành kết luận, chỉ đạo của cấp trên, kiến nghị biện pháp xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết nhiệm vụ, quyền hạn, đùn đẩy trách nhiệm, nhũng nhiễu, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm.

Bên cạnh đó, hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiến nghị xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; thu hồi tiền, tài sản Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt; kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật, chấn chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra…

Thanh tra tỉnh Đồng Tháp đề nghị thủ trưởng các cấp, các ngành tăng cường chỉ đạo cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng.

Năm 2020, toàn ngành Thanh tra Đồng Tháp đã triển khai thực hiện 75 cuộc thanh tra hành chính tại 197 đơn vị. Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 8,2 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi gần 4,4 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 10 tổ chức, 58 cá nhân; chuyển công an điều tra 4 vụ, 4 đối tượng.

Các sở, ngành đã tiến hành 258 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với hơn 12.800 tổ chức, đơn vị, cá nhân. Qua đó, phát hiện hơn 2.000 tổ chức, cá nhân có vi phạm; ban hành 452 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng, thu đạt gần 93%.

theo Cảnh Nhật – Báo thanht ra

Tin liên quan