Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Bảo đảm minh bạch, dễ áp dụng

Cập nhật: 27/10/2023 11:16

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển Việc kê khai đăng ký, cấp phép tài nguyên nước là một nội dung quan trọng tại dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), do đó, cho ý kiến về dự luật tại phiên họp sáng 26.10, các đại…

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Việc kê khai đăng ký, cấp phép tài nguyên nước là một nội dung quan trọng tại dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), do đó, cho ý kiến về dự luật tại phiên họp sáng 26.10, các đại biểu Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, nghiên cứu các quy định về nội dung này, bảo đảm minh bạch và dễ áp dụng.

Bổ sung đối tượng kê khai, đăng ký cấp phép 

Với tầm quan trọng của công tác kê khai, đăng ký, cấp phép về tài nguyên nước, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã tập trung quy định thành Mục 3 thuộc chương III về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã luật hóa một số quy định trong Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hiện hành đã được thực hiện ổn định thời gian qua như: quy định về tên của các loại giấy phép tại khoản 5 Điều 52; thẩm quyền cấp phép tại Điều 53; thời hạn của giấy phép tại Điều 54 dự thảo Luật.

Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH tán thành với nhiều quy định về việc kê khai đăng ký, cấp phép tài nguyên nước tại dự thảo Luật bởi, công tác cấp phép tài nguyên nước đã được triển khai thực hiện khá hiệu quả thời gian qua. Đây cũng là một trong các biện pháp để quản lý, kiểm soát được hoạt động khai thác nước của tổ chức, cá nhân, từ đó đánh giá được nhu cầu khai thác, sử dụng nước để có các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước phù hợp. Việc cấp phép tài nguyên nước và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng tán thành bổ sung đối tượng phải kê khai đăng ký về tài nguyên nước như quy định tại dự thảo Luật, nhất là trong bối cảnh nguồn nước có nguy cơ ngày càng thiếu hụt, không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội hiện nay. Trong đó, việc khoản 2 Điều 52 dự thảo Luật quy định, khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt của mình phải thực hiện kê khai được cho là phù hợp.

Theo ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu), quy định theo hướng này sẽ giúp cơ quan quản lý tài nguyên nước nắm được hoạt động khai thác nước dưới đất của hộ gia đình thuộc trường hợp khai thác, sử dụng nước không phải xin phép, không phải đăng ký nhưng chưa có sự quản lý. Thông qua số liệu kê khai, cơ quan quản lý sẽ có những khuyến cáo kịp thời các vấn đề nguồn nước họ đang khai thác, những vấn đề về chất lượng nước, nguy cơ nguồn nước không đủ đáp ứng nhu cầu khai thác cũng như có các biện pháp bảo vệ phù hợp.

Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 86 của dự thảo Luật cũng quy định, trường hợp công trình thủy lợi đã xây dựng và khai thác trước ngày 1.1.2013 mà chưa được đăng ký cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải làm thủ tục đăng ký cấp phép khai thác tài nguyên nước theo quy định của luật này trong thời hạn 3 năm kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành.

Phải rõ căn cứ, điều kiện với từng loại giấy phép

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH tại các kỳ họp trước, dự thảo Luật lần này đã quy định về nguyên tắc, căn cứ, điều kiện cấp phép. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ĐBQH, dự luật mới chỉ quy định chung về căn cứ, điều kiện cấp phép cho cả 4 loại giấy phép khai thác nước mặt, khai thác nước dưới đất, khai thác nước biển và giấy phép thăm dò nước dưới đất. ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) đề nghị, cần quy định rõ căn cứ, điều kiện đối với từng loại giấy phép, phân định rõ các trường hợp cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép hoặc gia hạn điều chỉnh giấy phép, thu hồi – đình chỉ giấy phép. “Quy định rõ các căn cứ, điều kiện này cũng là để bảo đảm có sự minh bạch và dễ áp dụng trong quá trình thực hiện”, ĐB Trần Thị Kim Nhung nhấn mạnh.

Về thời hạn cấp giấy phép tại Điều 54 dự thảo Luật đang theo hướng đưa ra mức thời hạn tối đa và mức thời hạn tối thiểu cho từng loại giấy phép. ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) nhận thấy, việc quy định như vậy có thể dẫn đến tình trạng cảm tính, tùy nghi và thiếu rõ ràng trong thực thi. Trong khi đó, quy định về thời hạn này được nâng lên từ nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã có quá trình tổ chức thực hiện khá dài trong thực tiễn. Do đó, ĐB Đoàn Thị Lê An đề nghị, cần quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật về thời hạn cấp phép về tài nguyên nước.

Tán thành với quan điểm này, ĐB Trần Thị Kim Nhung cũng lưu ý, dự thảo Luật quy định khung thời hạn của giấy phép từ 3 đến 15 năm, nhưng chưa quy định rõ về nguyên tắc, điều kiện để xác định thời hạn của một giấy phép trong từng trường hợp cụ thể 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm… Với cách quy định như dự thảo Luật, đại biểu lo ngại việc xác định thời hạn giấy phép cụ thể phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan cấp phép.

Qua kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng cho thấy, nhiều vướng mắc bất cập liên quan đến văn bản dưới luật, trong đó có các quy định về thủ tục cấp phép, các thủ tục hành chính, các quy chuẩn tiêu chuẩn… Nêu thực tế này, ĐB Trần Thị Kim Nhung đề xuất hai phương án quy định thời hạn của giấy phép cấp quyền khai thác tài nguyên nước: Phương án 1: quy định cụ thể thời hạn đối với từng loại giấy phép ngay trong luật. Phương án 2: nếu giữ quy định hiện nay thì giao Chính phủ quy định cụ thể hơn về khung thời hạn này để minh bạch và dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện.

“Với thực tiễn cấp phép 20 năm, cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoàn toàn có thể khoanh nhỏ các nhóm thời hạn này để dễ tiếp cận, dễ hiểu cho đối tượng xin cấp phép”, ĐB Trần Thị Kim Nhung nhấn mạnh.

Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, để triển khai Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chính phủ đã dự kiến sẽ xây dựng 2 nghị định và 1 thông tư để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật. Do vậy, trong các vấn đề liên quan đến nguyên tắc, căn cứ, điều kiện, có những vấn đề liên quan đến sản lượng, liên quan đến thời vụ, thời hạn… sẽ có một số vấn đề được các cơ quan chức năng rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để đưa vào dự thảo Luật, nhưng cũng có những vấn đề đề nghị Quốc hội đồng ý đưa vào các nghị định, thông tư.

theo Lê Bình – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan

Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cập nhật: 10/11/2024 11:24