Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Nghĩa Đức) |
Sắp tới có khả năng Quốc hội họp bất thường
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ cho biết, trong các vấn đề, nhóm vấn đề quan trọng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của QH. Bên cạnh đó, UBTVQH tiếp tục cho ý kiến đối với 2 dự thảo luật chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 6 là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)…
Chủ tịch QH nhấn mạnh, còn một số nội dung khác liên quan đến tài chính ngân sách còn tồn đọng, cấp bách trước mắt và một số dự án quan trọng quốc gia, do vậy có khả năng sẽ cần tổ chức kỳ họp bất thường trong thời gian tới.
Nhóm vấn đề khác là UBTVQH xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của UBTVQH hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH. Xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)…). Xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng…
Chủ tịch QH nhấn mạnh, nội dung Phiên họp nhiều, trong khi các công việc để kết thúc Kỳ họp thứ 6 vẫn cần tiếp tục triển khai, đến nay cơ bản ban hành đủ các nghị quyết, ký chứng thực các luật, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, sớm trình ký chứng thực các dự án luật còn lại; đồng thời, chuẩn bị các dự án luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp chuyên đề và Kỳ họp thứ 7.
Tạo điều kiện tối đa cho các cơ quan tố tụng
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Sau khi nghe Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đã thay mặt cơ quan thẩm tra trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh. Theo bà Nga, Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng nhằm thực hiện quy định tại Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 370 Luật Tố tụng hành chính và tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự về chi phí tố tụng, góp phần quan trọng bảo đảm các điều kiện để hoạt động tố tụng được tiến hành kịp thời và hiệu quả.
Về các loại chi phí tố tụng, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng hiện hành chỉ quy định đối với 4 loại chi phí tố tụng gồm chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch. Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh đã mở rộng quy định đối với 13 loại chi phí tố tụng, trong đó, nhiều chi phí đã được rà soát và bảo đảm có căn cứ pháp luật, do đó, việc quy định trong dự thảo Pháp lệnh là phù hợp. Tuy nhiên, 4 loại chi phí gồm: Chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; Chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, chi phí xác minh tài liệu, chứng cứ; Chi phí sao chụp tài liệu; Chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng thì một số ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định trong Pháp lệnh.
Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh, Chủ tịch QH ủng hộ những chi phí nào để bảo đảm hoạt động cho các cơ quan tố tụng thì phải bảo đảm tối đa theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, kinh nghiệm thế giới. Lưu ý về tính khả thi của dự án Pháp lệnh, Chủ tịch QH gợi ý, nên chăng Pháp lệnh này chỉ quy định về loại chi, còn mức chi như thế nào sẽ do pháp luật chuyên ngành và yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan phải quy định mức chi và dự toán chi cụ thể.
Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các cơ quan tố tụng phải có ý kiến đối với dự án Pháp lệnh này. Đồng thời, nhấn mạnh tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho ngành Tư pháp, cho các cơ quan tố tụng thực hiện được nhiệm vụ theo đúng chức năng thẩm quyền, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.