Một số hạn chế cần khắc phục
Sau 5 năm triển khai, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu nhi, học sinh, sinh viên (HSSV) đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ Việt Nam và xã hội.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án còn một số hạn chế cần khắc phục. Theo đó, mức độ quan tâm, đầu tư, triển khai của một số bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về giáo dục đạo đức, lối sống; hoạt động giáo dục, vận động, thi đua… ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn mang tính áp đặt, hình thức, chưa bảo đảm yêu cầu. Việc tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho HSSV trên môi trường mạng chưa được triển khai, gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính…
Trong khi đó, những xu hướng, trào lưu mới có dấu hiệu lệch chuẩn trong giới trẻ hiện nay còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm nảy sinh và gia tăng những vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên.
Theo ông Sơn, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (TNTN&NĐ) cần được tiếp tục đổi mới cả về nhận thức và hành động, phương pháp và nội dung, quy mô và chiều sâu, số lượng và chất lượng. Để thực hiện thành công nội dung trên, cần có sự phối hợp, chia sẻ hiệu quả của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Công việc này ai cũng dễ dàng nhận thấy và cho rằng đây là việc quan trọng cần làm, nhưng vấn đề là phải hành động.
Đề cập đến giải pháp đầu tiên cần tập trung hành động, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, phải tăng cường giáo dục ý thức pháp luật và chấp hành pháp luật; coi đây là khâu mang tính nền tảng, là xuất phát và là chỗ dựa cho các triển khai giáo dục khác. Bởi trong các quy phạm pháp luật đã hàm chứa các yếu tố của đạo đức, giá trị, văn hóa nhưng ở mức nền tảng; trên cơ sở đó bồi đắp các giá trị khác. Giáo dục đạo đức, lối sống là quá trình liên tục xuyên suốt tất cả các cấp học và là một phần của giáo dục suốt đời.
Ngoài ra, trong thời đại ngày nay cần phải nhận diện và kiến tạo thêm các giá trị. Chúng ta không chỉ thích ứng, đào tạo nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn phải vun đắp, kiến tạo các giá trị mới và những giá trị cũ đang được làm mới. Đạo đức số, đạo đức mạng xã hội, lối sống số… của sự kết nối và chia sẻ là điều mà chúng ta cần phải nhận diện, tác động cho trúng và đúng.
Phát triển con người sống có chí hướng, khát vọng
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, đạo đức phải gắn liền với thực tiễn. Các giá trị cần phải được cụ thể bằng hành vi, thấm nhuần trong hoạt động chứ không chỉ là trong các quy định. Bộ trưởng Sơn cũng yêu cầu lấy việc giáo dục đạo đức, nhân cách con người với các định hướng giá trị tích cực để tạo dựng các cá nhân sống có ý chí, có khát vọng lành mạnh, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật, làm căn cứ tiền đề cho một thế hệ giàu khát vọng. Phương pháp phải đi từ cụ thể đến bao quát, từ nhỏ đến lớn, từ cá nhân đến cộng đồng.
Trên tinh thần đó, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ đặc biệt quan tâm và hướng đến phát triển những con người sống có chí hướng, có khát vọng, trách nhiệm tại tất cả các cấp học. Đây là tiền đề thực hiện quyết tâm quan trọng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là khơi gợi khát vọng dân tộc, trách nhiệm với đất nước. Sự nghiệp này không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ GD&ĐT mà sự kiết nối, hợp tác, phối hợp của các bộ, ban, ngành liên quan.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn và các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho TNTN&NĐ giai đoạn 2021 – 2030”. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa và khơi dậy khát vọng cống hiến, niềm tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão; tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và các tiêu chí đánh giá kết quả rèn luyện của HSSV ở các cấp học và trình độ đào tạo… Tổ chức quản lý chặt chẽ việc giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Đề xuất với Chính phủ đề nghị báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình giám sát chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu nhi.
Về phía Bộ GD&ĐT, ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Bộ sẽ tích cực và tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp tăng cường giáo dục toàn diện Đức – Trí – Thể – Mĩ cho HSSV trong các nhà trường. Đối với các địa phương, bà Ngô Thị Minh đề nghị người đứng đầu địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tệ nạn xã hội tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.