Cuối năm 2001, tôi được Thành uỷ, UBND TP Hà Nội phân công về công tác ở Thanh tra TP Hà Nội và được bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra TP. Lúc này, công tác thanh tra đối với tôi còn rất bỡ ngỡ, chưa có hiểu biết nhiều, do vậy, tôi đã tranh thủ tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến công tác thanh tra.
Điều gây ấn tượng nhất với tôi là những lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ thanh tra trong những lần Bác đến thăm và nói chuyện tại hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc những năm 1957, 1960, 1961.
Trong đó có lần Bác nói: “Đối với cán bộ, được làm công tác thanh tra là một vinh dự? Vì sao? Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng, Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm nhiệm vụ ấy”. (Một số văn kiện của Đảng và Chính phủ về công tác thanh tra – Ủy ban Thanh tra của Chính phủ xuất bản, Hà Nội 1977, tr.11-15).
Những lời dạy của Bác đối với cán bộ thanh tra đã giúp tôi nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của công tác thanh tra, đồng thời cũng nhắc nhở tôi về trách nhiệm của người cán bộ thanh tra.
Sau gần 15 năm làm công tác thanh tra và đã có hơn 5 năm nghỉ hưu, nhưng đến nay tôi vẫn thấy thấm thía những lời dạy của Bác, thấy vinh dự và tự hào vì được làm công tác thanh tra, được làm người cán bộ thanh tra. Đúng vậy, lịch sử 75 năm phấn đấu và trưởng thành của ngành Thanh tra Việt Nam đã khẳng định thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng.
Với vai trò “thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, trong mọi thời kỳ cách mạng, cả trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam XHCN, ngành Thanh tra đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc tổ chức, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) của nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí; xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, phục vụ nhân dân; góp phần không nhỏ vào những thành tựu chung của đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, thanh tra là một chức năng thiết yếu, một công cụ quan trọng phục vụ thiết thực cho sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong tất cả lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, đảm bảo cho các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được thi hành nghiêm chỉnh.
Thanh tra giúp cho các cấp lãnh đạo, quản lý thấy rõ những sơ hở, hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp; thanh tra cũng phát hiện những hành vi vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để xử lý, thu hồi tài sản cho Nhà nước và nhân dân và quan trọng hơn, thanh tra còn chỉ ra nguyên nhân của những vi phạm; kiến nghị các biện pháp khắc phục, giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân sửa chữa, rút kinh nghiệm, nâng cao ý thức trong chấp hành pháp luật.
Công tác thanh tra và giải quyết KN,TC luôn có quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau. Vì vậy, giải quyết KN,TC luôn là một nhiệm vụ rất quan trọng của ngành Thanh tra trong suốt 75 năm qua. Làm tốt nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật KN,TC của công dân, hóa giải những “oan ức” cho người dân, khôi phục kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người dân, xử lý nghiêm những người sai phạm đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là bảo vệ quyền của công dân, của con người đã được hiến pháp và pháp luật quy định; góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương và cả nước.
Cùng với công tác thanh tra và giải quyết KN,TC; PCTN cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của ngành Thanh tra, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, giao phó, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Với chức năng giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về công tác PCTN trong cả nước, ngành Thanh tra đã tích cực tham mưu xây dựng thể chế, pháp luật, các biện pháp quản lý để làm tốt công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính, đi đôi với phát hiện, đấu tranh quyết liệt với các hành vi tham nhũng, kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi tham nhũng.
Bên cạnh việc làm tốt công tác quản lý Nhà nước, ngành Thanh tra cũng đã phát hiện hàng trăm vụ việc, hàng nghìn đối tượng tham nhũng, thu hồi cho Nhà nước và nhân dân hàng chục ngàn tỷ đồng và nhiều tài sản khác, góp phần từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí do Đảng lãnh đạo.
Tự hào và vinh dự được làm công tác thanh tra, mỗi cán bộ thanh tra chúng ta cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác thanh tra, luôn ghi nhớ và làm theo những lời dặn của Bác: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được. Vì thế cán bộ thanh tra phải rèn luyện đạo đức cách mạng” (Một số văn kiện về công tác thanh tra, sđd, tr.7 – 10).
Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã đặt ra mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra: “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính”. Đây là mục tiêu quan trọng nhất trong các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra. Bởi vì, chỉ có xây dựng được một đội ngũ cán bộ thanh tra có đủ phẩm chất và năng lực mới có thể làm tốt nhiệm vụ thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin cậy, kỳ vọng ở ngành Thanh tra của chúng ta.
Để xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra “chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính“, đáp ứng những yêu cầu mới trong công tác thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN, các cấp uỷ, thủ trưởng các cơ quan thanh tra cần phải quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, bố trí công việc hợp lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, động viên giúp đỡ cán bộ làm tròn nhiệm vụ; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong ngành Thanh tra.
Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức, viên chức thanh tra cần phải tự mình rèn luyện, tu dưỡng, vượt qua những khó khăn, cám dỗ, vươn lên để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao như lời Bác Hồ đã căn dặn: “Cán bộ thanh tra phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt, thì đó là tiền đồ vẻ vang, là xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng và Chính phủ” (Một số văn kiện của Đảng và Chính phủ về công tác thanh tra, sđd, tr.11 – 15).
Năm Tân Sửu 2021, một năm mở đầu thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, một năm mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, 2045.
Là một cán bộ thanh tra đã nghỉ hưu, tôi luôn dõi theo và hy vọng ngành Thanh tra Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN, góp phần đưa đất nước phát triển trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nhân dịp này, kính chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Thanh tra và gia đình một năm mới mạnh khoẻ, hạnh phúc, nhiều thắng lợi mới!
TS Lê Tiến Hào
Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ
Theo Báo thanh tra