Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội dành 2 ngày (27 – 28.10) thảo luận về 3 nội dung: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý). Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Phiên thảo luận được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để Nhân dân và cử tri theo dõi.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các nội dung nêu trên đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, có 205 lượt ý kiến phát biểu về kinh tế – xã hội, 83 lượt ý kiến về ngân sách và 33 lượt ý kiến về tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14. Các nghị quyết, thảo luận đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp gửi các đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Thời gian thảo luận tại hội trường về các nội dung là 2 ngày, trong đó một ngày rưỡi đầu sẽ thảo luận về kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, nửa ngày còn lại sẽ tiếp tục thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước cùng với việc tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị. Trong đó, tập trung vào các vấn đề thách thức cần phải vượt qua, các bất cập, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế – xã hội và ngân sách. Các đại biểu cho ý kiến về các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phục hồi, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực khác; vướng mắc trong mua sắm công, thuốc, vật tư y tế…
Các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung làm rõ như ổn định của hệ thống tín dụng, thực trạng của thị trường trái phiếu chứng khoán, bất động sản, thu hút vốn đầu tư nước ngoài; làm rõ căn cứ xác định chỉ tiêu CPI; số bác sĩ giường bệnh trên vạn dân; nguyên nhân và trách nhiệm trong việc giải ngân vốn đầu tư không đạt yêu cầu; giải pháp để củng cố vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; các nội dung liên quan đến các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, trật tự an toàn xã hội và an ninh – quốc phòng.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và Chính phủ như: đề nghị xây dựng dự toán thu tích cực hơn, thuyết minh cụ thể, rõ ràng hơn về tỷ lệ điều tiết, không đưa vào dự toán chi các khoản chưa đủ căn cứ điều kiện, không kiến nghị các nội dung chưa rõ, chưa cụ thể, không giao Chính phủ phân bổ các khoản chưa đủ điều kiện phân bổ của ngân sách trung ương… Các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, những nội dung trùng với ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước thì chỉ cần thể hiện chính kiến, tránh trùng lắp, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Sớm đánh giá tác động của việc chậm thanh toán bảo hiểm y tế so với năm tài chính
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, ĐBQH Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) bày tỏ thống nhất với báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2021. Đây cũng là năm cả nước triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, hệ thống y tế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vừa thực hiện nhiệm vụ chống dịch, giãn cách xã hội vừa bảo đảm công tác khám chữa bệnh, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, theo đại biểu, bên cạnh những kết quả nổi bật, trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đặt ra một số vấn đề cần quan tâm.
Số liệu báo cáo cho thấy, trong khoản chi 97.259 tỷ đồng năm 2021 của Quỹ bảo hiểm y tế có số chi các khoản bảo hiểm y tế tồn đọng trước năm 2021 là 5.323 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm các khoản chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thống nhất thanh toán giữa các cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở y tế. Trong đó, chi phí phát sinh được dự toán các năm 2018, 2019, 2020 được xem xét chi trong năm 2021 là 3.269,8 tỷ đồng; số chi vượt định mức kinh tế kỹ thuật năm 2016, 2017, 2018 được xem xét chi là 842,8 tỷ đồng. Số chi tồn đọng phát sinh trước năm 2021 được bảo hiểm xã hội các tỉnh đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa vào quyết toán năm 2021 là 1.210,9 tỷ đồng. Đối với năm 2021, tổng số chi khám, chữa bệnh là 93.668 tỷ đồng; số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quyết toán là 87.271 tỷ đồng.
Từ thực tiễn cho thấy nêu trên, đại biểu Tạ Minh Tâm nêu rõ, áp lực đối với các khoản chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thống nhất thanh toán, chậm được thanh toán ở đây là các khoản bảo hiểm y tế đã chi từ năm 2016 đến 2020 đến nay mới được đưa vào quyết toán trong năm 2021 và các khoản chi không được thanh toán đối với các đơn vị cơ sở y tế công lập là rất đáng quan tâm trong cân đối tài chính cũng như trong duy trì hoạt động bình thường của các đơn vị rơi vào trường hợp này, nhất là trong bối cảnh các đơn vị y tế công lập đi vào thực hiện tự chủ tài chính. Nguyên nhân của hạn chế nêu trên đã tồn tại nhiều năm, được các cơ quan chỉ ra rất cụ thể là do vướng mắc trong tạm ứng thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ các quy định liên quan của Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định 146 của Chính phủ; những bất cập trong xác định hệ số CAR về thuốc, hóa chất và về vật tư y tế, hành lang pháp lý về xã hội hóa liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế hợp tác đầu tư tại cơ sở khám chữa bệnh chưa hoàn thiện; các hướng dẫn chuyên môn trong khám, chữa bệnh có nội dung chưa thật phù hợp, có yếu tố chủ quan từ phía cơ sở y tế và từ phía cơ quan bảo hiểm xã hội.
Những vướng mắc này dẫn đến thực trạng mất quyết toán, thanh toán cho cơ sở y tế hàng năm; có tình trạng thấp hơn tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mà cơ sở y tế đã cung cấp dịch vụ cho người bệnh, đại biểu Tạ Minh Tâm thẳng thắn.
Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở y tế, nâng cao năng lực điều trị, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Quốc hội, Chính phủ 3 vấn đề cụ thể.
Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, các văn bản pháp lý liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền. Hoàn thiện quy trình tạm ứng, thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế, giám định bảo hiểm y tế, quy trình, phác đồ điều trị… trước các bất cập, tồn tại, vướng mắc đã được diễn ra; thu hẹp khoảng cách giữa chi phí mà các cơ sở y tế đã sử dụng phục vụ khám bệnh, chữa bệnh với số chi thanh, quyết toán của cơ quan bảo hiểm xã hội; rút ngắn thời gian, kinh phí thanh toán, quyết toán và kinh phí, thời gian mà kinh phí đã được chia ra.
Thứ hai, phát huy vai trò của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 89/2020/NĐ-CP; hoàn thiện quy trình hoạt động bảo đảm Hội đồng thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 5 Điều 11; xử lý kịp thời các vấn đề tài chính bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị phụ trách như trong trường hợp cho chủ trương đối với các kiến nghị vượt trần, vượt quỹ; rút ngắn thời gian thực tế tiến hành thẩm định, thẩm tra quyết toán, thanh toán phù hợp với năm tài chính.
Thứ ba, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham mưu Chính phủ sớm có khảo sát, đánh giá tác động của việc chậm được thanh toán so với năm tài chính; việc chưa được thống nhất thanh toán đối với các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Để minh họa, đại biểu Tạ Minh Tâm nhắc lại số liệu như đã nêu trên, lấy mốc năm 2021 bảo hiểm thanh toán cho các cơ sở khám chữa bệnh số tiền là 5.323 tỷ đồng của các năm từ năm 2016 đến 2020. Kiến nghị cần có thống kê làm rõ số liệu những khoản chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thống nhất thanh toán giữa cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm trong các năm qua cũng đồng nghĩa là những khoản tiền đã được chia ra khỏi các cơ sở y tế nhưng chưa xác định được nguồn bù đắp, nguồn cân đối. Đồng thời, đánh giá tác động của tình trạng này đối với 1.750 đơn vị y tế công lập có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó, chú ý các cơ sở y tế công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, các cơ sở y tế không có điều kiện mở rộng nguồn thu, cơ sở y tế đặc thù, như Bệnh viện tâm thần, y học cổ truyền, Trung tâm y tế tuyến huyện. Cấp bách có giải pháp tháo gỡ, bố trí nguồn chi đối với các cơ sở y tế mất cân đối thu, chi giúp các đơn vị chủ động được phương án tài chính, duy trì hoạt động bình thường, tạo khung pháp lý đặc thù xử lý các vướng mắc tài chính trong thời gian hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành đã được chỉ ra là bất cập. Tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế tập trung công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, góp phần thực hiện đạt kết quả chỉ tiêu 70% dân số được quản lý, theo dõi, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, trên 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế.
Sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa
Ghi nhận năm 2022, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, song ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước) cũng chỉ rõ, chất lượng năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Thu ngân sách chưa cao, thiếu bền vững, nợ đọng thuế có xu hướng tăng. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, an ninh trật tự an toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp.
Về phát triển văn hóa, đại biểu Phan Viết Lượng nêu rõ, 10 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Phát triển văn hóa chưa tương xứng, ngang hàng với phát triển kinh tế. Tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của ngành văn hóa còn một số bất cập, hạn chế.
Trong giai đoạn trước, đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi chương trình này kết thúc năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm, nhưng luôn ở mức thấp. Trong khi đó, năm 2022, Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án thành phần về văn hóa thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đã được Chính phủ phê duyệt với số kinh phí hạn chế, nhưng đến nay chưa được giao dự toán, cấp vốn thực hiện, hoặc chưa được giải ngân. Nêu thực tế trên, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng, những khó khăn về nguồn lực đầu tư, đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa – lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Để phát triển văn hóa, nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình đã ban hành, trong đó cần ưu tiên các chính sách, giải pháp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật; xây dựng môi trường, con người văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sớm triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa theo Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18.8.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp, đại biểu Phan Viết Lượng nêu rõ, trong nhiều năm qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp tuy đạt được kết quả tích cực, nhưng còn không ít vướng mắc, bất cập. Nguyên nhân chính là công tác chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt; việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, không đồng bộ hoặc ban hành văn bản chưa đúng, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện. Ví dụ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ, mặc dù có nhiều ưu điểm hơn Nghị định số 16 ngày 14.2.2015, nhưng vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ để có thể tự thực hiện được hoặc không thể thực hiện ngay mà phải chờ hướng dẫn của các bộ, cơ quan; một số quy định chưa đồng bộ với những quy định pháp luật khác, như pháp luật về giá, phí, sử dụng tài sản công… Theo đại biểu, những hạn chế, bất cập này đã ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị sự nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, như dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông…
Đẩy mạnh tự chủ của đơn vị sự nghiệp là yêu cầu cấp thiết, cần tập trung giải quyết những nút thắt tồn tại. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo tổ chức đánh giá, làm rõ những tồn tại hạn chế và nguyên nhân; có giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi; tăng cường chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện nghiêm trách nhiệm ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện theo quy định.
Về thực hiện chỉ tiêu tăng năng suất lao động, dự kiến năm nay chỉ đạt khoảng 4,7-5,2%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Kết quả đạt được là rất đáng lo ngại, bởi đây là chỉ tiêu có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nhanh, bền vững đất nước, và với mức tăng này không chỉ thấp hơn giai đoạn vừa qua, mà còn khó thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực, đại biểu Phan Viết Lượng thẳng thắn.
Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định đến tăng năng suất lao động. Nhưng hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, chất lượng tuy có sự cải thiện, nhưng vẫn còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ước đạt 27%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt trên 50%. Bên cạnh đó, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; việc làm chủ công nghệ của chúng ta đang thấp thua so với các nước.
Từ thực tế tình hình nêu trên, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị cần nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể, nỗ lực hơn trong việc cải thiện năng suất lao động. Đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ thực trạng tình hình, làm rõ nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu; quyết liệt chỉ đạo, có giải pháp hiệu quả, tạo đột phá về tăng năng suất lao động trong thời gian tới để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế – xã hội đất nước. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo; sớm khắc phục tình trạng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn như hiện nay.
Năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, xử lý rất hiệu quả một số vướng mắc, bất cập, như triển khai thu phí tự động không dừng, khai thác mỏ vật liệu thi công đường bộ cao tốc phía Đông… được cử tri, Nhân dân đánh giá cao. Cử tri, Nhân dân mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy, quyết liệt chỉ đạo đối với các tồn tại, yếu kém kéo dài, gây bức xúc dư luận: xử lý các công trình, dự án treo, thua lỗ; những tồn tại liên quan việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam; di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội…, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị.