Ảnh minh họa.
Tính đến thời điểm ngày 31/12/2020, cả nước có gần 32,3 nghìn đơn vị hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội (gọi tắt là đơn vị hành chính), giảm 49,1% (giảm 31,2 nghìn đơn vị) so với năm 2016. Bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 – 2020, số đơn vị hành chính giảm 15,6%. Xét theo vùng kinh tế, mật độ phân bố các cơ sở hành chính có sự phân hóa rõ nét: Vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có số lượng cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng cộng sản và tổ chức chính trị – xã hội lớn nhất với 7.575 cơ sở, chiếm 23,46%; thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 6.693 cơ sở, chiếm 20,73%; thứ ba là vùng Đồng bằng sông Hồng với 6.475 cơ sở, chiếm 20,05%; thứ tư là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 5.689 cơ sở, chiếm 17,62%; vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ là hai vùng có số lượng cơ sở thấp nhất tương ứng là 2.753 và 3.107 cơ sở, chiếm tỷ lệ tương ứng là 8,52% và 9,62%.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng số lao động trong các đơn vị hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội trên 1,382 triệu lao động, tăng 15% so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016 – 2020, số lượng lao động trong các cơ sở hành chính tăng 3,6%/năm.
Nguyên nhân tăng số lượng lao động trong các cơ sở hành chính chủ yếu tăng do mở rộng phạm vi điều tra về lao động (tất cả số lượng lao động trả lương trong đơn vị); tăng do bổ sung một số đơn vị tại cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 nằm trong khối sự nghiệp, điều tra năm 2021 chuyển sang khối cơ sở hành chính thực hiện (Bảo hiểm xã hội từ trung ương đến địa phương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…) và một số trường hợp tăng cơ học khác (viên chức của một số đơn vị sự nghiệp như văn hóa thông tin, thể dục thể thao, y tế… thuộc cấp huyện do sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp).
Loại trừ các yếu tố trên, theo đại diện Bộ Nội vụ, số lao động trong các cơ sở hành chính giảm theo tinh thần của Nghị quyết số 18/NQ-TW và Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị. Số lượng lao động trong các cơ sở hành chính tại vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước với 397,5 nghìn lao động, chiếm 28,77% trong tổng số lao động cơ sở hành chính của cả nước. Thứ hai là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung có 286,2 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 20,71%. Thứ ba là vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Thứ tư là vùng đồng bằng sông Cửu Long, thứ năm là vùng Đông Nam Bộ và xếp cuối cùng là vùng Tây Nguyên đạt 98,9 nghìn lao động – chiếm tỷ lệ 7,15% trong tổng số lao động cơ sở hành chính của cả nước.
Ngoài ra, trình độ người đứng đầu các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội đạt trình độ từ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể, tỷ lệ người đứng đầu có trình độ từ đại học trở lên có 31.597 người, chiếm tỷ lệ 97,85% trong tổng số người đứng đầu. Trong đó trình độ thạc sĩ là 8.508 người, chiếm tỷ lệ 26,35% trong tổng số người đứng đầu; tiến sĩ là 526 người, chiếm tỷ lệ 1,63% trong tổng số người đứng đầu. Số còn lại, có trình độ trung cấp và cao đẳng là 606 người, chiếm tỷ lệ 1,88% trong tổng số người đứng đầu, sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng và chưa đào tạo là 89 người, chiếm tỷ lệ 0,28% trong tổng số người đứng đầu.
theo PV – Tạp chí luật sư VN