Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám cho bệnh nhân mắc cúm A nặng ở Hà Nội. Ảnh: BVCC
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền – Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cơ sở này đã khám hơn 100 người mắc cúm A trong 2 tuần qua.
Trong số này, bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp diễn biến nặng. Nhiều trường hợp xuất hiện tình trạng viêm phổi và đang phải theo dõi điều trị.
Riêng ngày 14/7, bệnh viện khám khoảng 20 người mắc cúm A trẻ tuổi, khỏe mạnh, là công nhân tại khu công nghiệp Kim Chung, huyện Đông Anh.
Ngoài ra, hơn 10 bệnh nhi cúm A cũng là người thân của nhóm công nhân, cùng có triệu chứng sốt, đau họng, hắt hơi, mỏi toàn thân. Trong đó có một người bị viêm phổi, chưa cần nhập viện song có nguy cơ trở nặng và đã lây cho người nhà hơn 60 tuổi.
Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân mắc cúm A mà bệnh viện tiếp nhận có trường hợp diễn biến nặng, phải thở máy.
Cụ thể, trường hợp này là bệnh nhân nữ (78 tuổi), sống tại Chương Mỹ, Hà Nội. Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu khi đã diễn biến bệnh ở ngày thứ 3, với triệu chứng khó thở, mệt mỏi, sốt 39 độ C, ho nhiều, đờm trắng, nôn nhiều.
Bệnh nhân được chỉ định suy hô hấp, viêm phổi nặng do cúm A. Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân khó thở tăng, thở gắng sức, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) giảm còn 83%. Các bác sĩ buộc phải đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam, 65 tuổi, mắc cúm A do lây từ người nhà. Sau khi mắc bệnh, sức khỏe của ông diễn tiến xấu và xuất hiện tình trạng viêm phổi. Hiện, bệnh nhân này đang được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị và theo dõi sát.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, bác sĩ Nguyễn Thị Hường- Trưởng đơn Khoa Bệnh nghề nghiệp cho biết, bệnh nhân cúm A tăng lên trong thời gian gần đây. Lúc cao điểm, đơn vị tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân một ngày. Nhiều người đến viện khám với biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có người nặng hơn bị viêm phổi, suy hô hấp.
Theo TS Văn Đình Tráng – Phụ trách khoa Vi sinh – Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa trong thời gian qua, có tới 60% dương tính với cúm A.
Bệnh do virus cúm thường gặp vào mùa lạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh thường trực quanh năm.
Đáng lưu ý, virus cúm không ngừng biến đổi, sau 1 năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông – xuân khoảng 3 tháng (tháng 7 – 9 hằng năm) để cơ thể kịp sản sinh kháng thể chống lại vi rút gây bệnh.
Bên cạnh đó, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như Covid-19. Để phòng bệnh, người dân cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng, nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.
Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng. Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Trước thực trạng dịch cúm A “bùng nổ” sớm, các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi có các triệu chứng của cúm A như: đau đầu, sốt, chảy mũi, mệt mỏi, ớn lạnh cần đến cơ sở y tế thăm khám, từ đó có phương pháp điều trị sớm và phù hợp.
theo Thảo Nguyên – Báo công lý
https://congly.vn/ha-noi-gia-tang-dot-bien-ca-mac-cum-a-210595.html