“Cháy hàng” thuốc Tamiflu
Theo lời chị T. chỉ trong nửa tháng, thuốc Tamiflu chị phải mua đắt tới 40%. Các cửa hàng thuốc gần nhà không có sẵn mà chỉ khi đặt hàng, nhân viên mới ra chợ thuốc Hapulico lấy về. Chủ hàng thuốc nhắn chị: “Em lấy được cho chị giá còn rẻ đấy (660 nghìn đồng), em biết một số nơi giờ giá đã lên 800.000 đồng/vỉ”.
Chị T. cho hay, thuốc đắt mấy chị cũng mua vì con nhà chị lần trước sốt 4 ngày liên tục không ăn uống được chỉ nôn, sau khi uống Tamiflu thì dứt sốt. Vì thế, lần này chị mua 2 vỉ Tamiflu, một để điều trị cúm cho chồng, một để dự phòng.
Đi vài hiệu thuốc ở khu phố, chị Hoàng Thị Lan Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) không mua nổi vỉ thuốc Tamiflu điều trị cúm. Trong khi đó, cậu con trai đang học cấp 3 đang sốt từng cơn kéo dài 3 ngày không dứt.
Sốt ruột, chị nhờ cậy các hàng thuốc gần nhà thì nhận được trả lời: “Thuốc đã tăng giá lên 700 nghìn đồng/vỉ. Chị có mua thì em lấy cho chị. Giờ chị có đi mua lẻ ở Chợ thuốc Hapulico cũng không mua được đâu chị ạ”, nhân viên cửa hàng thuốc cho hay.
Khoảng 1 tháng nay, cúm A trái mùa bùng phát với số ca mắc tăng nhanh mỗi ngày. Số liệu thống kê tại tại Trung tâm Xét nghiệm Medlatec từ ngày 1-18/7, có 4.887 trường hợp làm xét nghiệm cúm, trong đó số ca dương tính là 2.377 ca, gồm phát hiện 2.313 ca mắc cúm A (chiếm 97%) và 62 ca phát hiện mắc cúm B (chiếm 3%).
Nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất là trên 18 tuổi chiếm 49,85%, sau đó là độ tuổi từ 1 đến 6 tuổi chiếm 32,27%, từ 6-18 tuổi chiếm 17,37% và chiếm tỷ lệ thấp nhất là dưới 1 tuổi (0.5%).
Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong 2 tuần đầu tháng 7/2022 đã khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm, trong đó có cả ca mắc cúm A và cúm B.
Số ca mắc cúm A tăng nhanh bất thường khiến cho nhu cầu lùng mua thuốc điều trị Tamiflu cũng tăng theo.
Chị N.T.T.H (chủ cửa hàng thuốc ở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), nếu như cách đây vài tuần, giá Tamiflu mà chị lấy cho khách chỉ dưới 500.000 đồng/hộp (10 viên), thì nay, mức giá đang dao động từ 650.000 đồng đến 800.000 đồng/hộp. Theo chị H., giá thuốc được đẩy lên cao chủ yếu do tình trạng các mối buôn ôm hàng, tác động tới thị trường.
Ca mắc cúm A nằm viện gia tăng. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Bác sĩ Nguyễn Trí Thức, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4-B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, đôi khi các triệu chứng cúm A tự khỏi, hoặc nhẹ có thể điều trị tại nhà.
Nhưng nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, người bệnh không được chủ quan mà nên đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra.
Đặc biệt, người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi, và người mắc các bệnh mạn tính như: hen suyễn, bệnh phổi, đái tháo đường,…bệnh dễ biến chuyển thành ác tính.
“Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là gây phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao. Cần lưu ý thêm với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A cũng có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai”, bác sĩ Thức lưu ý.
Vậy trường hợp nào cần uống thuốc Tamiflu, theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, điều trị bằng các loại thuốc kháng virus được khuyến cáo cho những bệnh nhân có nguy cơ cao (bao gồm tất cả bệnh nhân nằm viện), những người có các triệu chứng giống cúm.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh), thuốc này có các tác dụng phụ, nên không thể sử dụng tùy tiện.
Tamiflu thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng.
Cũng theo chuyên gia này, Tamiflu chỉ có hàm lượng duy nhất dùng cho người lớn và rất khó dùng cho trẻ em. Do đó, chỉ có nhân viên y tế mới biết cách chia liều sao cho đúng theo lứa tuổi.
Việc phụ huynh tự mua Tamiflu điều trị cho con, rất dễ dẫn đến quá liều hoặc thiếu liều, có thể gây ra tình trạng kháng thuốc.
Các chuyên gia khuyến cáo, các phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu sử dụng cho trẻ. Thuốc này dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp.
Vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm A là phải chú ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế tiếp xúc để tránh bội nhiễm. Bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.