Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023. |
Thực ra thì “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một trong những cụm từ được sử dụng nhiều nhất trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết Đại hội xác định, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá, tạo động lực để đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Đối với đất nước lúc này, để đẩy nhanh việc hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết cần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới.
Nhiệm vụ tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, vừa diễn ra sáng qua (6/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố; các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả, nhất là xử lý một số ngân hàng yếu kém; thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại; thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Năm 2022 đang ở “thời gian nước rút”, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa; năm 2023 đã đến cận kề, nhiều khó khăn chưa thể lường trước. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phản ứng chính sách phải nhanh, kịp thời, hiệu quả. Trong rất nhiều việc để làm có việc tiếp tục cải cách thể chế luật pháp, sửa đổi, bổ sung chính sách, cải cách thủ tục hành chính cản trở hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
Thực tế cho thấy, nhờ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách sáng tạo, kinh tế vĩ mô của chúng ta vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới…
Tuy nhiên, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn chưa có tiền lệ trong lịch sử. Điều đó cho thấy hoàn thiện thể chế có ý nghĩa “đột phá”.