Xây dựng cơ chế để không thể – không dám – không cần tham nhũng
Nhìn lại chặng đường 8 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2.2013) đến nay, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nêu rõ, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt. Đây chính là cơ sở và nguồn động lực to lớn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước một lần nữa khẳng định: Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm “chậm” sự phát triển đất nước, mà ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh PCTN đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Hơn thế nữa, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, “chúng ta càng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng, đấu tranh PCTN, xử lý cán bộ đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe nọ cánh kia”, nhất là vào dịp chúng ta đang chuẩn bị để tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đẩy mạnh PCTN và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, “chùn bước” những người nhỡ “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và dũng khí”.
Lý giải vì sao lại có được những kết quả trong đấu tranh PCTN như thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhấn mạnh mấy nguyên nhân cơ bản. Trước hết là sự kế thừa, tiếp nối quá trình đấu tranh kiên trì, liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh PCTN. Thứ hai là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo, Quốc hội, Chính phủ; nhất là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thứ ba là sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tham mưu và cấp ủy, tổ chức đảng, các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, địa phương. Thứ tư là sự cộng hưởng của những kết quả tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thứ năm là sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, sự đồng tình, ủng hộ, khích lệ của nhân dân, sự chủ động vào cuộc rất tích cực của báo chí, tạo sức mạnh tổng hợp trong PCTN.
“Ở đây, tôi xin nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của Nhân dân, phải “động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công”, như căn dặn của Bác Hồ kính yêu”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nói.
Từ thực tiễn công tác PCTN thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước khẳng định đã cho chúng ta nhiều bài học quý, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trong công tác PCTN, trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN.
Thứ hai, PCTN là chống giặc nội xâm, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”, một cơ chế để “không cần tham nhũng”.
Thứ ba, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi vi phạm; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng, cần làm quyết liệt, tích cực.
Thứ tư, phải gắn công tác PCTN với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn PCTN, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh PCTN.
Bài học quý thứ năm, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, đó là “kiểm soát được việc thực hiện quyền lực Nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo; phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan chức năng PCTN. Và cuối cùng là các giải pháp PCTN phải phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam và truyền thống văn hóa của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời, mọi ngành, cơ quan, đơn vị phải xây dựng được văn hóa công vụ. Văn hóa công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ.
Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi
Chúng ta đan đứng trước thời khắc rất quan trọng. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang phấn khởi hướng tới và vững tin vào sự thành công của Đại hội XIII của Đảng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác đấu tranh PCTN đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Khẳng định điều này, song Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cũng chỉ rõ, PCTN là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài, do đó, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, do dự mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải coi công tác PCTN là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cho nên, trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước lưu ý, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng. Bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN; về sự nguy hại của tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về PCTN. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng; tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về PCTN.
Đồng thời, phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế – xã hội và PCTN; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.
Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bởi hai mặt này có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. “Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm, phải có hình thức xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước lưu ý.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của mình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm niệm vụ trong giai đoạn mới. Các cơ quan tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN.
Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: Chúng ta vững tin rằng, với sự quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác PCTN trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ra ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của Nhân dân.
Tại Hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân đã được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác PCTN giai đoạn 2013 – 2020.