Những quyết sách chiến lược mang tầm nhìn thế kỷ
Một trong những nội dung cốt lõi được Trung ương thống nhất cao tại Hội nghị lần này là chủ trương tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, gần dân, vì dân. Đây là quyết sách có ý nghĩa chiến lược, đột phá, chưa từng có tiền lệ, thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ, gắn với tầm nhìn dài hạn “ít nhất 100 năm” cho sự phát triển quốc gia.
Mô hình tổ chức hành chính mới được thiết kế với hai cấp: cấp tỉnh (28 tỉnh, 6 thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã, đồng thời kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện. Trên nền tảng này, chính quyền địa phương sẽ được trao quyền nhiều hơn, năng động hơn trong điều hành và quản trị xã hội, tạo đà cho tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, việc tổ chức lại hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được đặt trong yêu cầu xóa bỏ chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, hành chính hóa, nhằm thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng đến từng người dân, từng hộ gia đình - đúng với tinh thần “dân là gốc”, “phục vụ Nhân dân” mà Đảng ta luôn nhất quán thực hiện.

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 10/4 đến ngày 12/4/2025 tại Thủ đô Hà Nội.
Kiến tạo không gian phát triển mới, khơi thông điểm nghẽn thể chế
Hội nghị lần này cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của cải cách thể chế như một trong những đột phá chiến lược. Trung ương yêu cầu phải tháo gỡ triệt để những điểm nghẽn về luật pháp, cơ chế, chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư công, ngân sách, kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa thành công công cuộc sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy.
Việc sửa đổi Hiến pháp và các đạo luật liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cần được hoàn tất trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Đây là mốc thời gian mang tính quyết định, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và các tổ chức trong hệ thống chính trị để bảo đảm sự chuyển tiếp thông suốt, không làm gián đoạn hoạt động của bộ máy nhà nước.
theo Lê Hùng - Tạp chí luật sư VN