Trong số đại biểu về dự đại hội, đại biểu cao tuổi nhất là cụ Trần Tố Nga, 80 tuổi thuộc đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh; đại biểu trẻ tuổi nhất là Lê Mỹ Quỳnh, 24 tuổi, thủ khoa đầu ra Học viện Kỹ thuật Mật mã năm 2021, thuộc đoàn đại biểu Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, với chủ đề: Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022; đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027; thông qua Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XIII. Đồng thời, tổ chức năm trung tâm thảo luận để đại biểu trao đổi, bàn luận về những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả công tác Hội trong thời gian tới.
Hôm qua, phiên trù bị Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra với các nội dung: bầu Đoàn Chủ tịch Đại hội, Đoàn Thư ký Đại hội, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; trình bày Báo cáo tổng hợp, tiếp thu giải trình ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung); trao bằng khen tặng 13 đơn vị có công trình, phần việc vượt khó sáng tạo chào mừng Đại hội…
theo Báo nhân dân điện tử