Kết quả lấy phiếu tín nhiệm – dấu ấn một Quốc hội đổi mới toàn diện, hành động quyết liệt, hiệu quả

Cập nhật: 26/10/2023 08:21

“Chính xác và xứng đáng!”, ông Đỗ Văn Nam, cử tri xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội hào hứng nói khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng giữa chiều nay, 25.10. Đặc biệt là kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh của Quốc hội đều rất cao, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có số phiếu tín nhiệm cao lên tới 437 phiếu. “Nhưng tôi không bất ngờ về kết quả này. Và chắc chắn cũng có rất nhiều cử tri không bất ngờ. Bởi chúng tôi cũng có chung đánh giá như vậy khi theo dõi hoạt động của Quốc hội trong suốt thời gian qua”, ông nói.

Trong số 44 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này thì khối Quốc hội có 17 người và kết quả đều nhận sự tín nhiệm rất cao của đại biểu Quốc hội thể hiện qua số lượng phiếu “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” rất cao. Kết quả này là sự ghi nhận, đánh giá của đại biểu Quốc hội không chỉ đối với cá nhân Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định mà còn khẳng định những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện và hiệu quả của Quốc hội trong giai đoạn đặc biệt vừa qua.

Bắt đầu nhiệm kỳ Khóa XV khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu, nhưng đúng như tinh thần được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh, “bối cảnh đặc biệt cần những hành động đặc biệt, những quyết sách đặc biệt”, Quốc hội đã luôn phát huy cao nhất tinh thần chủ động, từ sớm từ xa, linh hoạt thích ứng, đổi mới căn cơ và hành động quyết liệt trong tất cả các lĩnh vực để hoàn thành trọng trách với Đảng, với cử tri và Nhân dân.

Chỉ trong hơn hai năm đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã tiến hành tới 9 kỳ họp, trong đó có 5 kỳ họp thường kỳ và 4 kỳ họp bất thường; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tới 26 phiên họp thường kỳ, nhiều phiên họp chuyên đề và phiên họp bất thường; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Đó thực sự là những con số “biết nói”! Và còn rất nhiều những con số biết nói như thế với danh sách “những lần đầu tiên” trong hoạt động của Quốc hội liên tục được nối dài trong hơn hai năm qua.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn -0
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Lâm Hiển

Trong công tác lập pháp, với tinh thần “lập pháp chủ động”, “lập pháp kiến tạo”, Quốc hội đã tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo, phản ứng nhanh nhạy trước yêu cầu thực tiễn, từng bước xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, kiến tạo phát triển nhanh, bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Có thể kể đến các dấu ấn trong lĩnh vực lập pháp của Quốc hội như: trình Bộ Chính trị lần đầu tiên thông qua Đề án và ban hành Kết luận 19-KL/TW về định hướng chương trình xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; ban hành Nghị quyết 81-KH/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện. Chỉ trong chưa đầy hai năm đầu nhiệm kỳ đã có 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp được hoàn thành (chiếm 83,21%).

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn -1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Lâm Hiển

Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 với những cơ chế đặc cách, đặc biệt, đặc thù chưa từng có tiền lệ cho phòng, chống dịch Covid-19 để kịp thời ứng phó và tổ chức phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 nghị quyết để triển khai thực hiện Nghị quyết 30.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành nhiều nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương (như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng và các tỉnh Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk) và của các lĩnh vực (như tổ chức phiên tòa trực tuyến, về đấu giá biển số xe ô tô, về mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam).

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn -2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Lâm Hiển

Chất lượng các luật, nghị quyết được nâng lên rõ rệt trên cơ sở tuân thủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, được chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương và sự tham gia rộng rãi, hiệu quả của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong hoạt động giám sát tối cao, xác định đây là “khâu trọng tâm, then chốt” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã thông qua Đề án và ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 để tiếp tục đổi mới căn cơ hoạt động giám sát của Quốc hội.

Các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, khắc phục tính hình thức; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng cao rõ rệt. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 14 Bộ trưởng, trưởng ngành tại 4 kỳ họp Quốc hội, tổ chức chất vấn đối với 8 Bộ trưởng, trưởng ngành tại 4 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, Quốc hội đã ban hành 15 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Quốc hội cũng đặc biệt chú trọng đẩy mạnh việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật và đã lần đầu tiên ban hành Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc giám sát ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; chủ động thành lập và triển khai khẩn trương các hoạt động của Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XV ban hành, kịp thời đôn đốc, xem xét các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thi hành luật, nghị quyết, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.

Công tác dân nguyện được tăng cường với nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã định kỳ xem xét báo cáo về công tác này tại phiên họp hàng tháng, giao cơ quan của Quốc hội theo dõi, giám sát, xác minh, đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền đối với những vụ việc phức tạp. Lần đầu tiên tổ chức thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tại 5 kỳ họp thường kỳ và 2 kỳ họp bất thường, Quốc hội đã xem xét, thông qua các Nghị quyết kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về: phát triển kinh tế – xã hội; tài chính quốc gia, vay, trả nợ công; đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế; các Nghị quyết về: quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chủ trương đầu tư 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương đầu tư xây dựng 6 dự án quan trọng quốc gia, cấp bách…

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều chính sách quan trọng, thành lập Tổ công tác đặc biệt theo dõi, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và việc thực hiện các nghị quyết có liên quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Ngoại giao nghị viện được thực hiện chủ động, tích cực, sôi động và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế – thương mại, quốc phòng an ninh, văn hóa – giáo dục, khoa học – công nghệ và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, “ngoại giao vaccine”… góp phần tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Đảng, đất nước ta nói chung và Quốc hội nói riêng trên trường quốc tế.

Ngoại giao nghị viện đa phương được nâng tầm, từ tham gia tích cực lên chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược của Việt Nam, đồng thời khẳng định nhất quán quan điểm Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tăng cường mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững ở phạm vi khu vực cũng như toàn cầu.

Đặc biệt, Quốc hội đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội với việc thông qua Tuyên bố về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” – bản Tuyên bố đầu tiên của Hội nghị qua 9 kỳ tổ chức, thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ trẻ IPU trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn -3
Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Lâm Hiển

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND và tổ chức thường niên Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Qua đó, đã góp phần tạo nên “làn gió tươi mới” trong hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương với nhiều kết quả nổi bật, mô hình mới, cách làm hay…

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn -2
Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Lâm Hiển

Hơn hai năm đầu của nhiệm kỳ, kết quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có thể đo đếm được qua những con số “biết nói”, những dấu ấn đậm nét như thế và qua chính kết quả lấy phiếu tín nhiệm dành cho Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay. Và hơn thế chính là niềm tin, sự kỳ vọng mà cử tri và Nhân dân dành cho Quốc hội qua mỗi ngày càng lớn hơn, dày hơn, vững chắc hơn!

theo Nguyễn Bình – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan