Khắc phục “nợ” thực hiện kiến nghị giám sát

Cập nhật: 15/07/2021 09:52

Hoạt động giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XIV không chỉ được tăng cường mà còn không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Từ những kết quả đã đạt được, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sớm sửa đổi Luật Hoạt động giám sát để nâng cao hơn nữa hiệu lực giám sát, khắc phục tình trạng một số bộ, ngành vẫn “nợ” các kiến nghị giám sát, nhất là giám sát chuyên đề của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Long An) phát biểu tại hội trường

Nguồn: ITN 

Theo đuổi vấn đề thường xuyên, liên tục 

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, nhiệm kỳ Khóa XIV, hoạt động giám sát đã được tăng cường, không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Một số đại biểu đặc biệt ấn tượng với việc Quốc hội đã 2 lần tiến hành xem xét việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi “đến cùng” vấn đề được giám sát. Các phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với không khí dân chủ, có tính xây dựng cao. Cử tri và Nhân dân cả nước háo hức mong đợi, đánh giá rất cao sự điều hành linh hoạt, quyết đoán của người chủ trì và sự tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội. Cử tri cũng bày tỏ hài lòng với những câu trả lời thẳng thắn, nghiêm túc, sự cầu thị của các thành viên Chính phủ. Kết thúc giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết kết quả giám sát làm căn cứ quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành cơ quan triển khai thực hiện và là cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu lực hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, chúng ta phải luôn đặt câu hỏi, “các nghị quyết giám sát đã được thực hiện như thế nào trong thực tiễn và việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp có đúng như yêu cầu và mong đợi của cử tri và đại biểu Quốc hội không?”. Muốn vậy, ở phía chủ thể thực hiện giám sát là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần chủ động theo đuổi vấn đề thường xuyên, liên tục. Hiện nay, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội sẽ tổ chức đánh giá lại việc thực hiện nghị quyết kết hợp với chất vấn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho rằng, việc này chưa được thực hiện nhiều, vẫn còn phụ thuộc vào việc Chính phủ báo cáo định kỳ vào kỳ họp cuối năm và các cơ quan của Quốc hội có báo cáo thẩm tra.

Về chủ thể chịu sự giám sát là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đại biểu tỉnh Long An đề nghị “phải có sự cam kết mạnh mẽ hơn trong việc bảo đảm triển khai các nghị quyết và kết quả giám sát chuyên đề và chịu trách nhiệm về sự cam kết đó”. Thực tế vẫn có trường hợp nghị quyết kết luận giám sát chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nhưng cũng thiếu biện pháp hữu hiệu để buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh minh chứng, về việc thực hiện thu phí không dừng năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437 theo đó yêu cầu đến hết năm 2019 phải triển khai đồng bộ việc thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT. Tại hội trường Diên Hồng vào tháng 6.2018, nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về việc triển khai chậm như đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo vấn đề này. Tiếc rằng, đến nay việc triển khai còn chậm, chưa hoàn thành việc triển khai đồng bộ như nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu.

Một ví dụ khác là Nghị quyết 43 năm 2017 của Quốc hội giao nhiệm vụ đến hết năm 2018 phải kiện toàn cơ bản bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung đầu mối trách nhiệm rõ ràng. Nhưng đến khi xảy ra một vụ việc, ví dụ như vụ pate Minh Chay năm 2020 thì dư luận xã hội vẫn bức xúc không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết… Đây chỉ là một ví dụ, nhưng cho thấy thực trạng một số yêu cầu chính đáng của cử tri và đại biểu Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ năm 2017 đặt ra sau kết quả giám sát vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết triệt để.

Tiêu chí định lượng rõ ràng

Với những phân tích trên, ông Nguyễn Tuấn Anh mong muốn, nhiệm kỳ tới đây, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề, tăng cường vai trò của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với hậu giám sát. Việc này cần làm thường xuyên, tránh tình trạng “bệnh tình tái phát” sau khi Quốc hội giám sát một thời gian.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đặt vấn đề, để hậu giám sát thiết thực, cụ thể hơn, cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, có các chỉ số đo khả tín, tạo niềm tin vững chắc hơn của cử tri đối với công tác giám sát của Quốc hội. Bên cạnh đó, một số đại biểu bày tỏ kỳ vọng, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Chính phủ trong việc ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề; có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, tăng cường chế tài xử lý trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội. Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành trong triển khai thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội. Đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá tín nhiệm của Chính phủ, của thành viên Chính phủ tại mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.

Một số đại biểu cũng đề nghị, nên giao cho một cơ quan làm đầu mối đôn đốc, chủ trì tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết sau giám sát để định kỳ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cần thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm cá nhân, công tác phối hợp hành động để thực hiện có hiệu quả hơn các nghị quyết của Quốc hội; chú trọng công tác ban hành văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành luật và phục vụ chỉ đạo, điều hành. Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, cần ban hành kế hoạch triển khai, phân công thực hiện đối với từng nghị quyết, giao cơ quan chủ trì báo cáo, đầu mối phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Những vấn đề cần phối hợp nhiều cơ quan, cần có lãnh đạo cấp trên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện.

Hậu giám sát là để bảo đảm các nghị quyết của Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; đánh giá được sự chuyển biến như thế nào so với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội. Vì thế củng cố khâu hậu giám sát của Quốc hội chắc chắn sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động hết sức quan trọng này của Quốc hội.

Anh Thảo

Tin liên quan

Đề nghị bổ sung 04 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 - Cập nhật: 27/11/2024 08:41
Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04