Khai mạc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Cập nhật: 01/12/2023 15:53

Ngày 1.12, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13 tổ chức phiên làm việc thứ nhất. 1.100 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn cả nước về dự Đại hội.

Trước phiên khai mạc, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khoá XII và các đại biểu đã vào Lăng viếng Bác và dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1 – 3.12.2023, có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, kiểm điểm vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa 12. Đồng thời, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn 5 năm tới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn; bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa mới thực sự tiêu biểu về phẩm chất, chính trị, đạo đức, năng lực công tác, có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội

Báo cáo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thanh Hải kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII nhiệm kỳ 2018 – 2023. Trong đó đánh giá nhưng ưu điểm, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch; trong lề lối làm việc, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; trong phẩm chất, chính trị, đạo đức, lối sống của các uỷ viên Ban chấp hành.

Đánh giá chung, ông Nguyễn Thanh Hải khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch đã luôn bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Đề ra các chủ trương đúng, phù hợp, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả, hoàn thành và vượt phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thanh Hải báo cáo tại Đại hội

Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã thể hiện quyết tâm đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, vững vàng, bản lĩnh giải quyết những vấn đề khó, lớn của nhiệm vụ thường xuyên và mới phát sinh với quyết tâm chính trị cao. Hình ảnh, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn được nâng cao, được đoàn viên, người lao động và xã hội ghi nhận.

Mặc dù vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm. Những hạn chế, khuyết điểm trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do năng lực nghiên cứu, dự báo trên một số lĩnh vực còn hạn chế; chưa có nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm phát huy trí tuệ, thế mạnh, khích lệ sự đóng góp của từng ủy viên Ban Chấp hành, đặc biệt là khối không chuyên trách; một số ủy viên Ban Chấp hành chưa tích cực, tự giác rèn luyện, trau dồi phẩm chất cũng như học tập, tích lũy kinh nghiệm trong công tác, chưa làm tốt vai trò nêu gương, là hạt nhân quy tụ, đoàn kết tập thể. Bên cạnh đó dịch bệnh Covid – 19 xuất hiện, diễn biến phức tạp trên diện rộng, ảnh hưởng đến số đông đoàn viên, người lao động trong thời gian dài, là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Các đại biểu biểu quyết danh sách đoàn Chủ tịch, đoàn thư ký của Đại hội

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm về việc xác định nội dung hoạt động như phải bám sát Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành đồng thời phải theo kịp tình hình thực tiễn. Nâng cao khả năng dự báo, chủ động phát hiện những vấn đề phát sinh để đề ra chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp. Đối với những nội dung khó, mới cần quyết liệt, tổ chức thí điểm, kịp thời đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cần kiên trì thực hiện các mục tiêu lâu dài, các nhiệm vụ cơ bản; tập trung giải quyết dứt điểm những hạn chế, yếu kém, nhất là sớm phát hiện và giải quyết các điểm nghẽn để tạo đột phá, giữ vững và nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, linh hoạt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Lựa chọn những vấn đề thiết thân, thiết thực của đoàn viên, người lao động làm trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Các đại biểu dự Đại hội

Đồng thời, xây dựng tập thể Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch đoàn kết, thống nhất, thực sự tâm huyết, trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động công đoàn; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thường xuyên nêu cao vai trò trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của các Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Đoàn Chủ tịch và người đứng đầu các cấp công đoàn.

Tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách để tổ chức Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, củng cố vững chắc vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị. Phát huy tốt sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến người lao động, huy động các nguồn lực phục vụ hoạt động công đoàn và trong xử lý những vấn đề quan trọng, tình huống mới, phức tạp, nhạy cảm.

Quang cảnh Đại hội

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội; đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, tập trung thực hiện tốt chức năng cốt lõi là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp có bản lĩnh, năng lực, uy tín, trách nhiệm là khâu then chốt.

Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch khóa XII mong muốn Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XIII tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tập trung đề ra những biện pháp, giải pháp nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ các mặt hoạt động công đoàn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đề ra. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

theo QUỲNH HOA; ảnh: VĂN HẢI – Báo Văn hóa

http://baovanhoa.com.vn/chinh-tri/thoi-su/artmid/564/articleid/72106/khai-mac-dai-hoi-xiii-cong-doan-viet-nam

Tin liên quan

Nghiên cứu đa dạng hoá chính sách ưu đãi thuế - Cập nhật: 22/11/2024 14:13
Công an TP Hồ Chí Minh: Mục tiêu không để tội phạm xảy ra tại bất kỳ cây ATM, ngân hàng nào - Cập nhật: 22/11/2024 08:23
Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tập trung cho công tác lập pháp - Cập nhật: 20/11/2024 09:01
Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng - Cập nhật: 20/11/2024 08:54
Hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu - Cập nhật: 19/11/2024 10:12
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cập nhật: 19/11/2024 08:38
Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2024” Thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức - Cập nhật: 18/11/2024 08:55
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 3: Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật​ - Cập nhật: 18/11/2024 08:36
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề - Cập nhật: 15/11/2024 10:07
Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động “ly khai”, “tự trị” - Cập nhật: 15/11/2024 10:00