Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp
Tránh tình trạng thực thi pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ
Báo cáo công tác dân nguyện tháng 9.2022 của Quốc hội, kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba và kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022 được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đã bao quát, toàn diện, có số liệu dẫn chứng rõ ràng, đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể, phù hợp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, báo cáo công tác dân nguyện tháng 9.2022 đã kế thừa thành quả của các tháng trước, tổng hợp rất nghiêm túc, đầy đủ. Tuy nhiên, qua theo dõi dư luận và báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, có những vấn đề đã phát sinh từ các tháng trước cần tiếp tục được cập nhật như: vấn đề quản lý cư trú, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng từ ngày 1.1.2023. Thực tế, ở một số nơi, sổ hộ khẩu của người dân đã được cơ quan có thẩm quyền thu hồi khi có điều chỉnh về thông tin nơi cư trú. Tuy nhiên, người dân phàn nàn nhiều vấn đề vì việc thực hiện chưa hoàn toàn đúng. Thu hồi sổ hộ khẩu nhưng không cấp giấy xác nhận cho người dân khiến họ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến nơi cư trú, sổ hộ khẩu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chức năng cần hết sức quan tâm, có hướng dẫn cụ thể, cấp giấy xác nhận về nơi cư trú cho người dân khi không còn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Đồng thời, thực hiện đúng quy định của Luật Cư trú là khẩn trương rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan có quy định lấy nơi cư trú làm điều kiện thực hiện thủ tục hành chính để xem xét sửa đổi, bãi bỏ; hướng dẫn việc sử dụng căn cước công dân gắn chip, trong đó có những thông tin liên quan đến nơi cư trú. “Phải làm sao tạo thuận lợi nhất cho người dân, đồng thời là bước đệm, chuẩn bị cho trường hợp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng thì cũng không phát sinh những vướng mắc, bất cập gây phiền hà cho người dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Một vấn đề khác là tình trạng lập biên bản xử phạt hành chính vì không tiêm vaccine phòng, chống Covid-9. Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng cho biết, báo chí phản ánh một số địa phương, chính quyền cấp phường đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với phụ huynh không đưa con đi tiêm vaccine. Đây là vấn đề phải có đánh giá, vì việc xử phạt không đúng với quy định của Chính phủ. Dịch Covid-19 chưa được đưa vào danh mục bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế, tức là chưa bắt buộc phải sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế, đặc biệt là đối với trẻ em từ 5 – 12 tuổi chưa có quy định bắt buộc phải tiêm vaccine. “Chúng ta chủ yếu vận động và tuyên truyền đối với người dân. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát để có chỉ đạo phù hợp, tránh để xảy ra tình trạng thực thi pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, gây bức xúc trong nhân dân”, ông nói.
Đơn thư gửi đến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm
Số lượng đơn thư của công dân gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong năm 2022 đã giảm hơn so với các năm trước. Các kiến nghị do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu gửi đến các bộ, ngành đều đạt tỷ lệ trả lời đến 80% là tương đối tích cực. Tuy nhiên, các kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến các bộ, ngành thì kết quả trả lời mới đạt 51,57%. Chỉ ra thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần đánh giá nguyên nhân tại sao và nên có phụ lục kèm theo Báo cáo để chỉ rõ những cơ quan nào có trách nhiệm trả lời kiến nghị nhưng quá thời hạn vẫn chưa trả lời làm cơ sở để Quốc hội giám sát và làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan.
Quan tâm đến việc tạo việc làm cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nói: “muốn ổn định dân cư vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới thì phải bảo đảm sinh kế, đây cũng là giải pháp để giữ vững an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia”. Tuy nhiên, hiện nay số thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi di chuyển về các khu công nghiệp, khu đô thị khá lớn, để lại khoảng trống ở các khu vực này. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ cần xem xét giải pháp nào cho lao động tại chỗ, đây là vấn đề lâu dài và cấp thiết trong điều kiện triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng hơn nữa kêu gọi, thu hút đầu tư ở những vùng này, sắp xếp đào tạo lao động, đào tạo nghề, ổn định dân cư”.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành trong việc phối hợp với Ban Dân nguyện để hoàn thành ba báo cáo trình tại Phiên họp thứ 16. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã quan tâm giải quyết kịp thời, cơ bản đúng thời hạn kiến nghị của cử tri và thường xuyên xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tuy nhiên, có một số nơi, một số việc vẫn tồn đọng. Cụ thể, tính đến ngày 5.10, vẫn còn 469 kiến nghị chưa trả lời, chiếm 17,8%. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục khẩn trương giải quyết, trả lời đầy đủ các kiến nghị và quan tâm giải quyết trong quá trình chỉ đạo điều hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, các cơ quan của Quốc hội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để nắm bắt, giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài thuộc nội dung, lĩnh vực phụ trách. Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động theo dõi, giám sát việc giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài ở địa phương. Trên cơ sở đó đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.