Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV Hành động quyết liệt, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững

Cập nhật: 22/01/2024 08:51

Kỳ họp bất thường lần thứ Năm diễn ra trong thời gian ngắn nhưng những nội dung được Quốc hội xem xét, thông qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, trên tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, Quốc hội Khóa XV tiếp tục thể hiện thông điệp nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của Nhân dân, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định):
Cẩn trọng, kỹ lưỡng trong từng điều luật

Tôi đánh giá cao những nội dung được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua tới 2 Luật tại một kỳ họp bất thường và đều là những Luật rất quan trọng, rất phức tạp là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Chính vì lẽ đó, quá trình xây dựng, thẩm tra, lấy ý kiến và xem xét thông qua của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất trách nhiệm, cẩn trọng, kỹ lưỡng, với sự tỉ mỉ trong từng điều luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, theo thủ tục trình tự, rút gọn tại một kỳ họp nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua đây có thể thấy rằng, trước yêu cầu của thực tiễn, mong đợi của cử tri và Nhân dân, Quốc hội đã rất quyết liệt, khẩn trương trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, rào cản từ cuộc sống. Đây là động lực quan trọng để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững không chỉ cho nhiệm kỳ này mà còn cho cả sau này.

Tôi kỳ vọng, với tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển” của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ bắt tay ngay vào việc ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm đưa Luật sớm đi vào cuộc sống.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương):
Động lực, cơ chế đặc biệt để Chính phủ điều hành phát triển kinh tế – xã hội

Kỳ họp bất thường lần thứ Năm diễn ra trong thời gian ngắn nhưng những nội dung được xem xét, thông qua lại vô cùng quan trọng, có tính cấp bách. Bởi vậy, công tác hậu cần phục vụ Kỳ họp đã được Văn phòng Quốc hội cùng các cơ quan liên quan phối hợp chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện, góp phần vào thành công của Kỳ họp.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Có thể thấy, những nội dung được xem xét, quyết định trong Kỳ họp bất thường lần thứ Năm đều là những vấn đề lớn, quan trọng, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn hiện tại trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Hai Luật và hai Nghị quyết được thông qua tạo khung pháp lý và nhiều cơ chế có ý nghĩa đặc biệt cần thiết để Chính phủ điều hành việc phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn nhiều khó khăn như hiện nay.

Đặc biệt, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm có ý nghĩa then chốt và cấp bách trong tháo gỡ các điểm nghẽn, giải toả khó khăn liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Theo tôi, đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu kế hoạch của cả nhiệm kỳ.

Với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, qua giám sát cho thấy, việc triển khai thời gian qua gặp rất nhiều vướng mắc, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm… Trong đó, một số nội dung cần phải được kịp thời tháo gỡ như: phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương (chi thường xuyên) hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng.

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên đã được Quốc hội thảo luận rất kỹ lưỡng tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV. Tuy nhiên, nếu không có những cơ chế đặc thù để tháo gỡ thì khó có thể giải ngân, thực hiện tốt những nhiệm vụ còn lại của 3 Chương trình này, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ là đòn bẩy để tiếp tục tăng tốc triển khai, hoàn thành thắng lợi các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

ĐBQH Trương Xuân Cừ (Hà Nội):
Cú hích cho thị trường bất động sản, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

ĐBQH Trương Xuân Cừ (TP. Hà Nội)

Kỳ họp bất thường lần thứ Năm diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng các quyết đáp của Quốc hội không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài. Trên tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, Quốc hội Khóa XV tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của Nhân dân, góp phần đáp ứng mục tiêu vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Tại Kỳ họp, Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 87,63%, hoàn thành nhiệm vụ lập pháp quan trọng bậc nhất của nhiệm kỳ Khóa XV. Các nội dung mới tại Luật Đất đai (sửa đổi) chắc chắn sẽ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những bất cập, cũng như sẽ tạo cú hích cho thị trường bất động sản, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, khi chúng ta xác định được một giá đất phù hợp sẽ mở ra cơ hội thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nước ta, cũng như tạo ra sự an toàn cho cán bộ khi tham gia định giá đất.

Có thể thấy, Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa những tư tưởng lớn và vấn đề lớn được Trung ương đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Tuy nhiên, đây là đạo luật khó, phức tạp, đồ sộ nên để triển khai thực thi các chính sách mới cần có các văn bản hướng dẫn, nhất là những vấn đề như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt ra trong phiên bế mạc, không phải áp dụng Luật này đã xử lý được ngay, phải có một quy định hướng dẫn chi tiết, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan trong thời gian tiếp theo cho đến khi Luật có hiệu lực.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, theo thủ tục trình tự, rút gọn tại 1 kỳ họp. Việc thông qua Nghị quyết này là bước tiếp nối kết quả giám sát tối cao về chuyên đề này của Quốc hội tại kỳ họp trước, khẳng định tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề giám sát, qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, Quốc hội đã cho phép áp dụng 8 cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là thí điểm phân cấp cho cấp huyện (mỗi tỉnh thành lựa chọn 2 huyện) thực hiện. Đây là cơ chế rất thoáng, rõ thẩm quyền và chắc chắn sẽ thúc đẩy giải ngân nhanh hơn, hiệu quả hơn thời gian tới.

theo Minh Trang – Trung Thành – Thanh Hải ghi – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan