Giao dịch khách hàng tại chi nhánh Ngân hàng BIDV. |
Thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 12/2022, lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2-0,6%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,3-5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 6,2-7,6%/năm ở kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng là 6,0-7,4%/năm… Có thể thấy, lãi suất huy động đã giảm so với thời điểm tháng 10, tháng 11/2022.
Đồng loạt giảm lãi suất huy động
Cập nhật báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho thấy, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1/2023 và có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng. Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cho biết, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đã có xu hướng giảm tại một số ngân hàng với mức độ giảm dao động quanh mức 0,5%. Hiện lãi suất huy động các ngân hàng phổ biến ở mức 8-9,5% với tiền gửi thông thường.
Cụ thể, trong biểu lãi suất huy động mới nhất, Techcombank đã điều chỉnh giảm mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tối đa với nhóm khách hàng cá nhân từ 9,5%/năm xuống 9%/năm. Theo đó, mức lãi suất tối đa này được áp dụng với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 6-36 tháng, giá trị gửi 3 tỷ đồng trở lên. Với khách hàng thường, mức lãi suất được hưởng sẽ là 8,7%/năm (trong khi một tuần trước đó lãi suất là 9,2%/năm).
Tương tự, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 14/2 tại Sacombank cũng không còn neo ở mức lãi suất 9%/năm như tháng trước. Hiện lãi suất tiền gửi tại quầy của Sacombank phổ biến 5,5-6%/năm với kỳ hạn 1-5 tháng; 8-8,3%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 8,4-8,65%/năm với kỳ hạn 12-36 tháng. MSB cũng giảm lãi suất huy động 0,2-0,4%/năm tại một số kỳ hạn.
Với kênh online, lãi suất tại kỳ hạn 15-36 tháng giảm 0,4%/năm xuống 9%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,4%/năm xuống 8,9%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng, mức lãi suất giảm xuống còn 8,8%/năm,… Đáng chú ý, sau cuộc họp với NHNN ngày 8/2 vừa qua, một số ngân hàng thương mại lớn đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đã thống nhất sẽ triệt để thực hiện chỉ đạo của NHNN, đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.
Với những tín hiệu như vậy, cùng áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, các chuyên gia từ BVSC nhận định áp lực tăng lãi suất sẽ không còn trong năm 2023. Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng. BVSC kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 với các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý II khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.
Điều chỉnh giảm dần lãi vay
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (trú tại Hà Nội) có khoản vay mua ô-tô tại một ngân hàng thương mại cho biết, hồi cuối tháng 12/2022, anh nhận được thông báo tăng lãi suất từ 11,9%/năm lên 14,7%/năm. Kinh tế khó khăn khiến thu nhập của anh giảm sút khá nhiều trong 2 năm trở lại đây, càng làm áp lực trả tiền vay càng đè nặng. Thông tin các ngân hàng thương mại công bố giảm mạnh lãi suất huy động đang thu hút sự quan tâm từ những khách hàng như anh Hùng bởi khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cũng giảm theo.
Thực tế, lãi vay cao đang là mối lo của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Thống kê của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 12/2022, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,0-10,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (5,5%/năm).
Lãi suất cho vay bằng USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 3,9 – 5,4%/năm đối với ngắn hạn; 5,8-5,9%/năm đối với trung và dài hạn… Trong khi đó, theo khảo sát, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đang trên thị trường hiện nay cho vay lãi suất phổ biến là 12-13%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Lãi suất cho vay “neo” ở mức cao khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, ngay sau khi lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt, các ngân hàng thương mại đã có điều chỉnh để phù hợp. Ngân hàng MB áp dụng giảm 1% lãi suất cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng. BIDV cũng triển khai gói vay ngắn hạn mới với quy mô 30 nghìn tỷ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi từ 8%/năm đối với các khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng.
Với khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, mua xe ô-tô, tiêu dùng hay sản xuất, kinh doanh của khách hàng cá nhân, BIDV triển khai Gói vay vốn trung dài hạn mới với nhiều ưu đãi: lãi suất cho vay từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu; từ 10,9%/năm trong 18 tháng kể từ thời điểm giải ngân lần đầu (đối với khách hàng cá nhân vay vốn trung dài hạn theo sản phẩm cho vay phục vụ nhu cầu nhà ở). Đặc biệt, khi khách hàng có nhu cầu vay vốn trung dài hạn tại BIDV (thời gian vay hơn 12 tháng) sẽ có cơ hội nhận thêm các ưu đãi: giảm thêm 0,2% cho khách hàng vay mua nhà qua ứng dụng BIDV Home hoặc khách hàng đổ lương qua BIDV.
Trước đó, hồi đầu năm, Vietcombank cũng là ngân hàng thương mại đầu tiên công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán,…
Thời gian áp dụng từ ngày 1/1 đến 30/4/2023. “Với các đối tượng khách hàng thuộc diện được hỗ trợ, ngân hàng sẽ chủ động giảm lãi suất mà khách hàng không cần phải đề nghị, giúp giảm chi phí, thời gian đi lại cho khách hàng đồng thời tạo sự minh bạch trong việc áp dụng chính sách lãi suất đồng đều đến tất cả các khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ,” Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
Mức lãi suất dài hạn hơn 10%/năm thì doanh nghiệp “không có cửa” để đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chính phủ, NHNN và các ngân hàng thương mại cần có giải pháp rõ ràng cũng như lộ trình cụ thể trong vòng 6 tháng tới để kéo lãi suất dài hạn xuống nhằm kích thích đầu tư.
NGUYỄN NGỌC HÒA Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) |