Lãnh đạo tỉnh Bình Định kết luận gì về khiếu nại của dân?

Cập nhật: 01/06/2020 08:37

UBND tỉnh Bình Định vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu tại cuộc họp giải quyết khiếu nại của công dân trên địa bàn.

Ảnh minh họa: Internet

Trước đó, ngày 14/5/2020, tại Văn phòng UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì cuộc họp để xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại của công dân trên địa bàn tỉnh. Sau khi nghe các sở, ngành của tỉnh báo cáo nội dung, quá trình diễn biến của vụ việc, ý kiến tham gia của đại diện cơ quan dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu có ý kiến kết luận đối với 2 vụ việc, cụ thể:

Yêu cầu UBND huyện An Lão điều chỉnh lại Quyết định số 1661

Ông Mai Quang Khanh và ông Nguyễn Văn Khánh (đại diện 12 hộ dân) ở thôn Vạn Xuân và thôn Vạn Khánh, xã An Hòa, huyện An Lão, yêu cầu UBND huyện An Lão thu hồi đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho 04 hộ đang sử dụng trồng keo tại khu đất có tục danh “Gộc Ba” thuộc thôn Vạn Xuân, xã An Hòa giao lại cho các hộ sử dụng. Lý do, theo người dân, khu đất này có nguồn gốc sau năm 1975 do các hộ khai hoang trồng hoa màu. Đồng thời, là đất sản xuất nông nghiệp nhưng địa phương tự ý chuyển thành đất lâm nghiệp để giao cho 04 hộ (Lâm Thành Nam, Nguyễn Xuân Đấy, Hoàng Ngọc Chín, Trần Văn Siêng), không thông báo công khai cho nhân dân biết.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, việc khiếu nại của ông Mai Quang Khanh và ông Nguyễn Văn Khánh là đúng một phần, vì: UBND xã An Hòa không công bố công khai về chủ trương chuyển đất chương trình PAM (trồng xoài) thành đất rừng trồng sản xuất cho nhân dân biết. Việc xét duyệt hồ sơ xin giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 04 hộ (Lâm Thành Nam, Nguyễn Xuân Đấy, Hoàng Ngọc Chín, Trần Văn Siêng) chỉ có cá nhân ông Thái Văn Nở – Chủ tịch UBND xã An Hòa ký xác nhận, đóng dấu, không thông qua Hội đồng Tư vấn giao đất của xã.

Việc các hộ dân yêu cầu UBND huyện An Lão thu hồi đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho 04 hộ đang sử dụng trồng keo tại khu đất có tục danh “Gộc Ba” thuộc thôn Vạn Xuân, xã An Hòa giao lại cho các hộ sử dụng là không có cơ sở để xem xét, giải quyết. Lý do, ông Mai Quang Khanh và ông Nguyễn Văn Khánh (đại diện 12 hộ) không cung cấp được một trong các loại giấy tờ được công nhận là quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai hiện hành. Từ năm 1981 đến năm 1997 các hộ không sử dụng khu đất này. Theo bản đồ địa chính được Sở Địa chính phê duyệt ngày 21/11/1995 khu đất có tục danh “Gộc Ba” có số hiệu 02, tờ bản đồ số 19, diện tích 27.380m2 loại đất có ký hiệu Hg (đất hoang) do UBND xã quản lý.

Khoản 5, Điều 26 Luật Đất đai 2013 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Điểm h, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bị thu hồi:“Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục”.

Các hộ dân trước đây khai là đã khai hoang nhưng không được cơ quan Nhà nước công nhận và bỏ một thời gian khá dài từ năm 1981 – 1997 (16 năm) không canh tác. Do vậy phần diện tích đất nêu trên do Nhà nước quản lý theo quy định pháp luật về đất đai. Đến năm 1998, 04 hộ gồm: Lâm Thành Nam, Nguyễn Xuân Đấy, Hoàng Ngọc Chín, Trần Văn Siêng đăng ký tham gia Dự án Chương trình PAM (tài trợ của Chương trình Lương thực Thế giới) được Nhà nước xét giao khu đất này cho 04 hộ sử dụng vào mục đích trồng cây xoài theo dự án. Do trồng cây xoài không hiệu quả, đến năm 2007 các hộ nêu trên có đơn xin giao đất lâm nghiệp (trồng rừng sản xuất) được UBND huyện An Lão giao diện tích đất trên sử dụng vào mục đích trồng rừng sản xuất là đúng quy định.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu UBND huyện An Lão điều chỉnh lại Quyết định số 1661/QĐ-UBND ngày 15/7/2019 giải quyết khiếu nại đối với ông Mai Quang Khanh và ông Nguyễn Văn Khánh theo đúng quy định. Đồng thời kiểm tra, rà soát đối với các giấy tờ về khai hoang của các hộ dân (12 hộ) và việc giao đất theo Nghị định 64 của Chính phủ đối với 04 hộ (Lâm Thành Nam, Nguyễn Xuân Đấy, Hoàng Ngọc Chín, Trần Văn Siêng) và 12 hộ có đơn khiếu nại, báo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 20/6/2020 để chỉ đạo giải quyết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao báo cáo cụ thể thời điểm triển khai Chương trình PAM đã có bao nhiêu trường hợp đăng ký tham gia (về các điều kiện, chính sách người được tham gia) để làm cơ sở giải quyết khiếu nại.

Bán cho mỗi hộ 01 lô đất theo giá thị trường

03 hộ dân (ông Phạm Văn Tín, bà Nguyễn Thị Danh và bà Nguyên Thị Hảo) là cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Nam Trung bộ kiến nghị xem xét giải quyết, tạo điều kiện cho có nhà tập thể do Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Nam Trung bộ bố trí ở bị ảnh hưởng do Nhà nước thu hồi đất của Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Nam Trung bộ để thực hiện xây dựng Doanh trại Đại đội trinh sát tại phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn được mua đất tái định cư để có điều kiện xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, việc Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Nam Trung bộ và 03 hộ dân là cán bộ nhân viên của công ty đang sinh sống và làm việc trên khu đất bị thu hồi có đơn kiến nghị xin được mua đất tái định cư để làm nhà ở là không có cơ sở để xem xét. Lý do: 03 hộ không thuộc đối tượng bị thu hồi đất, đối tượng bị thu hồi đất là Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Nam Trung bộ, Nhà nước tính toán bồi thường, hỗ trợ toàn bộ đất và tài sản trên đất cho công ty, trong đó có dãy nhà mà công ty tự ý quyết định phân cho cán bộ, công nhân viên công ty ở. Tuy nhiên khi đền bù thì công ty đại diện nhận kinh phí bồi thường. Việc công ty tự bố trí cho cán bộ nhân viên ở trên khu đất này khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là không đúng quy định.

Tuy nhiên, theo xác nhận của công ty và Ban Chấp hành Công đoàn Giống lâm nghiệp vùng Nam Trung bộ, 03 hộ (ông Phạm Văn Tín, bà Nguyễn Thị Danh và bà Nguyễn Thị Hảo) có thời gian công tác lâu năm, sau khi bị thu hồi, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn; theo xác nhận của UBND phường Quang Trung tại Văn bản số 161/UBND ngày 03/10/2019, hiện nay các hộ không có nhà ở trên địa bàn phường Quang Trung, hiện đang ở nhờ, thuê nhà để ở và trên cơ sở ý kiến tham gia của đại diện các cơ quan tham dự họp, UBND tỉnh thống nhất bán cho mỗi hộ 01 lô đất theo giá thị trường để xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống, với điều kiện các hộ phải nộp tiền mua đất 01 lần.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định giao Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh đề xuất.

theo THÀNH ĐÔNG – thanhtra.com.vn

Tin liên quan