Lực lượng công an triệt phá đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn, xuyên quốc gia qua ứng dụng điện thoại di động. (Ảnh THANH TUẤN) |
Đầu tháng 10/2022, do cần tiền chi tiêu, chị Nguyễn N. T, trú quận 7 (Thành phố Hồ Chí Minh) tìm đến một nhóm chuyên cho vay tiền không cần thế chấp trên mạng xã hội Facebook. Sau khi trao đổi với một tài khoản có tên “Nguyen Phung”, chị T được người này giới thiệu là nhân viên của một công ty tài chính có thương hiệu, anh ta sẽ giúp chị T được vay vốn với lãi suất ưu đãi, ngay cả trường hợp đang nợ xấu, với thủ tục giải ngân chỉ trong chưa đến 30 phút và số tiền cho vay lớn.
Đang cần tiền gấp, chị T đã chụp lại giấy tờ tùy thân và hợp đồng lao động của mình để gửi cho “Nguyen Phung”. Sau đó ít phút, chị T được cho biết là hồ sơ của chị “rất đẹp”, có thể vay số tiền lên đến 100 triệu đồng với mức lãi suất 20%/tháng. “Nguyen Phung” sau đó yêu cầu chị T cài đặt một ứng dụng (app) vay tiền trên điện thoại di động và đăng ký hồ sơ khoản vay để được phê duyệt.
Tuy nhiên, sau khi đăng ký khoản vay 100 triệu đồng trên app thành công, chị T không nhận được tiền như đã cam kết. Lúc này, “Nguyen Phung” mới thông báo do số tiền vay của chị T cao, cho nên bên “công ty tài chính” yêu cầu chị chuyển trước tiền lãi một tháng. Chị T chấp nhận chuyển 20 triệu đến số tài khoản “Nguyen Phung” cung cấp nhưng vẫn không nhận được tiền. Chị liên tục nhắn tin hỏi thì tài khoản này cho biết là có lỗi hệ thống ở ngân hàng. Hai ngày sau, tài khoản này bị xóa, chị T đành chấp nhận mất trắng số tiền. “Khi vào trang Facebook của người này, tôi thấy anh ta đăng rất nhiều hình ảnh cá nhân của mình, cho nên mới tin tưởng chuyển tiền. Biết mình bị lừa, tôi tìm hiểu thì hóa ra các hình ảnh đó anh ta lấy từ trang Facebook cá nhân của người khác”, chị T bức xúc cho biết.
Vừa qua, một số người đã phản ánh lên mạng xã hội hoặc trình báo công an về nhiều thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo qua app vay tiền. Theo ông Nguyễn Xuân Quang, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, ngân hàng, bản thân ông cũng đã tư vấn cho nhiều người về những rủi ro, cạm bẫy khi vay tiền ở các cá nhân, công ty tài chính làm ăn mập mờ, có dấu hiệu lừa đảo.
Các đối tượng thường đánh vào tâm lý muốn vay được nhiều tiền, thủ tục nhanh gọn để lừa đảo. Đầu tiên, đối tượng tiếp xúc với người cần vay tiền qua mạng xã hội để dụ dỗ, hướng dẫn vay tiền thông qua app. Sau đó, chúng đưa ra nhiều lý do như chuyển tiền để bảo đảm bảo hồ sơ vay; tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin;… để nạn nhân chuyển tiền nhiều lần rồi chiếm đoạt. Một thủ đoạn khác cũng mới xuất hiện gần đây là các đối tượng sẽ lấy thông tin của khách hàng sau đó liên hệ để giới thiệu về những app vay tiền khác với nhiều “khuyến mãi” hấp dẫn như miễn lãi suất trong lần đầu vay, không cần thế chấp… Sau khi khách hàng không trả nợ được đúng hạn, đúng số tiền như cam kết, các đối tượng sẽ dọa dẫm, ép buộc phải cài app khác để tiếp tục vay tiền trả nợ.
Hiện nay, không khó để tìm những lời quảng cáo cho vay tiền qua app nhanh gọn, đơn giản trên các trang mạng xã hội. Khi tham gia vào nhóm có tên “App vay tiền uy tín…” với hơn 30 nghìn thành viên trên Facebook, chúng tôi gặp rất nhiều đường dẫn (link) để cài đặt các app vay tiền. Khi nhắn tin để hỏi vay tiền thì đều nhận được các tin nhắn phản hồi quảng cáo về thủ tục nhanh gọn và số tiền vay lớn.
Theo một cán bộ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), hình thức lừa đảo qua app điện thoại di động không mới và được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn sập bẫy. Thông thường, số tiền bị lừa cũng không phải quá lớn, cho nên nhiều người ngại trình báo cơ quan chức năng. Một số nạn nhân bị đe dọa nên tìm cách vay mượn để trả.
Để ngăn chặn loại tội phạm nêu trên, nạn nhân nên trình báo công an để được giải quyết. Quan trọng nhất, người dân cần tỉnh táo trước những lời dụ dỗ qua các ứng dụng hỗ trợ tài chính trực tuyến. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn.