Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã đăng đàn trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán. Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Làm gì để phát hiện, phòng ngừa các vụ việc như Phúc Sơn, Thuận An?
Từ các vụ án Phúc Sơn, Thuận An… và nhiều vụ án tham nhũng khác, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, có sự câu kết giữa doanh nghiệp ngoài Nhà nước với cán bộ công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của Nhà nước.
“Tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước không thuộc đối tượng kiểm toán nhà nước, nhưng những vụ việc này đều liên quan đến dự án đầu tư công. Tổng Kiểm toán Nhà nước có kiến nghị gì để kiểm toán nhà nước có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa các vụ việc tương tự?”, đại biểu Cường chất vấn.
Trả lời đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An đều là doanh nghiệp không có vốn Nhà nước nên không thuộc đối tượng và đơn vị được kiểm toán, nhưng có đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Phúc Sơn bị khởi tố liên quan đến việc chấp hành pháp luật về kế toán gây hiệu quả nghiêm trọng và điều này không liên quan gì đến hoạt động của kiểm toán. Tập đoàn Phúc Sơn vi phạm về đấu thầu.
Hoạt động của kiểm toán với các dự án đánh giá trên cơ sở hồ sơ tài liệu đơn vị được kiểm toán rà soát lại quy trình thực hiện pháp luật và đưa ra các kiến nghị.
Để kiểm toán có thể tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra thì thuật ngữ kiểm toán điều tra đã được đề cập từ năm 1946 trong các diễn đàn của hiệp hội kiểm toán quốc tế. Gần 80 năm mới dừng ở mức độ tranh luận xem kiểm toán có nên thực hiện điều tra hay không.
“Hiện nay có rất ít các cơ quan kiểm toán tối cao thực hiện chức năng này. Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cố gắng làm tròn chức năng theo quy định của pháp luật và theo đúng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đúng vai thuộc bài, thuộc bài đúng vai thì không bao giờ sai”, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.
Trách nhiệm kiểm toán tại SCB thuộc về các doanh nghiệp kiểm toán độc lập
Trả lời đại biểu Mai Văn Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa liên quan đến đại án SCB và trách nhiệm của ngành kiểm toán , Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, SCB bị truy tố, xét xử với 3 tội danh: Thao túng thị trường chứng khoán, Chiếm đoạt tài sản, Nhận đưa hối lộ.
Ngân hàng này không thuộc đối tượng, không thuộc phạm vi của kiểm toán Nhà nước mà thuộc phạm vi kiểm toán độc lập. SCB là công ty đại chúng. Trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp kiểm toán độc lập cho ngân hàng này.
Hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ
Đại biểu Triệu Thị Huyền- Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đưa ra câu hỏi tại phiên chất vấn, mô hình tổ chức Kiểm toán Nhà nước đang được phân theo khu vực, trong đó một khu vực sẽ thực hiện kiểm toán thường xuyên với một địa bàn. Mô hình này có đảm bảo được tính độc lập, khách quan? Liệu có nảy sinh những tiêu cực trong mối quan hệ giữa kiểm toán khu vực và địa phương hay không? Giải pháp cho vấn đề này là gì?
Trả lời đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, mô hình tổ chức của kiểm toán, ngành kiểm toán được phân 1.974 biên chế, hiện có mặt 1.864 và tổ chức theo 32 đơn vị, 8 cơ quan tham mưu, 8 cơ quan kiểm toán chuyên ngành, 13 khu vực và 3 đơn vị sự nghiệp. Vấn đề khu vực được phân công theo dõi, kiểm toán một khu vực nhất định thì có dẫn đến tình trạng thân quen, thông đồng, tham nhũng tiêu cực hay không. Việc phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong ngành là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất.
“Về việc thực hiện quy định số 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán điều tra, chúng tôi làm rất mạnh công tác luân chuyển, luân phiên, điều động cán bộ. Theo quy định của 131, trong vòng 2-3 năm phải luân chuyển, điều động cán bộ, như vậy chúng tôi có chỉ đạo luân phiên trong công tác kiểm toán, và chỉ đạo kiểm toán đối với từng địa phương, khu vực.
Điều này đã hạn chế quan hệ thân hữu, giúp phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, còn chú ý cả công tác luân chuyển, từ trụ sở chính về khu vực, luân chuyển trong nội bộ khu vực, luân chuyển địa bàn, lĩnh vực”, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Tổng Kiểm toán hy vọng “những giải pháp như vậy đã hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ”.
Kiên quyết không để “con sâu làm rầu nồi canh”
Chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Hoàng Đức Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nêu ý kiến, mặc dù có sự cố gắng của ngành, nhưng đâu đó vẫn có những hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán, mà phổ biến là khi phát hiện sai phạm của đối tượng kiểm toán thì vòi vĩnh, chia chác khoản tiền sai phạm đó để bỏ qua sai phạm theo phương châm đôi bên cùng có lợi. Quan điểm của Tổng kiểm toán về ý kiến này như thế nào?
Có cần xây dựng một cơ chế thanh tra giám sát độc lập thường xuyên hoạt động của kiểm toán ngoài thanh tra của ngành để bảo đảm quyền lực của Kiểm toán Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, nhằm xây dựng Kiểm toán Nhà nước trong sạch liêm chính?
Trả lời đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định và thừa nhận: “tham nhũng có nhưng rất ít. Đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh” và “chúng tôi kiên quyết loại bỏ những con sâu này để giữ được đạo đức, chuẩn mực”.
Trong Luật, Điều 8 đã quy định rất rõ những hành vi không được làm, nghiêm cấm của Kiểm toán Nhà nước.
Trong hoạt động, Kiểm toán Nhà nước còn có chuẩn mực số 30 về đạo đức công vụ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để làm sao kiểm soát chặt chẽ được hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ và tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.
“Tôi cho rằng với cơ chế hiện tại trong hoạt động kiểm toán, quy trình quy chế về kiểm soát phòng chống tham nhũng của ngành đã tương đối đầy đủ từ vai trò trách nhiệm của từng kiểm toán viên.
Khi đi kiểm toán, kiểm toán viên phải ghi nhật ký từng ngày, ghi nhật ký điện tử và chuyển về cơ sở dữ liệu của trung ương cho Vụ kiểm soát chất lượng theo dõi và thanh tra kiểm toán theo dõi.
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán, thanh tra công vụ và một cơ quan nữa là Vụ kiểm soát chất lượng, làm sao để kiểm soát chặt chẽ, công tâm khách quan hoạt động này”, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
theo Duy Tuấn – Báo Công lý
https://congly.vn/luan-chuyen-can-bo-de-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-434738.html