Minh bạch, công bằng trong thực thi chính sách

Cập nhật: 23/05/2024 08:31

Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2023 và tình hình những tháng đầu năm 2024 của Ủy ban Kinh tế đề nghị “Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Đây là đề xuất rất đáng lưu ý bởi nhà ở xã hội đang là mối quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân.

Trước thềm Kỳ họp thứ Bảy của Quốc hội, chiều tối 17.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đánh giá với các Luật được Quốc hội thông qua vừa qua, cụ thể là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã cơ bản tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc về thủ tục, đất đai… cho nhà ở xã hội, Thủ tướng cũng chỉ rõ, vấn đề là “sớm đưa các quy định vào cuộc sống”.

Trong giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội cũng đã được triển khai thực hiện thời gian qua nhưng kết quả chưa như mong đợi. Số liệu cập nhật mới nhất tại cuộc làm việc chiều tối 17.5 kể trên cho thấy, đến nay mới chỉ có 30/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên Cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 72 dự án; các ngân hàng thương mại đã giải ngân số tiền là 1.144 tỷ đồng (gồm: 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án và 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án).

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đánh giá về những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản nói chung và nhà ở xã hội nói riêng. Cụ thể, báo cáo nhận định, “thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội”. Trong khi đó, những tháng đầu năm nay, giá căn hộ chung cư ở vùng ven thành phố Hà Nội tăng đột biến, thậm chí, giá căn hộ nhà ở xã hội đã qua sử dụng nhiều năm vẫn tăng giá ngoài khả năng chi trả của người lao động có nhu cầu mua nhà ở; xuất hiện tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế, “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tốc độ tăng giá nhà chung cư, giá đất ở tại các thành phố lớn gấp nhiều lần tốc độ tăng thu nhập khiến nhu cầu mua nhà ở của người lao động, nhất là lao động trẻ, công chức, viên chức không được bảo đảm…

Xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế – xã hội, Ủy ban Kinh tế cũng cảnh báo những hệ lụy của tình trạng đầu cơ đất đai, trong đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, nghĩa là lực lượng yếu thế trong xã hội, những người nghèo đang phải chi trả cho người giàu cho nhu cầu cơ bản về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng. “Đây là những vấn đề có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thậm chí về lâu dài có thể dẫn đến bất ổn xã hội”, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Đã có nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ cũng đang nỗ lực cao nhất để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội bổ sung chương trình Kỳ họp thứ Bảy việc xem xét, quyết định Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ ngày 1.7.2024, tạo điều kiện sớm áp dụng các quy định về chính sách ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội, quyền thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất đai của dự án nhà ở xã hội. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã khẳng định rất rõ quan điểm ủng hộ và sẵn sàng xem xét đề xuất của Chính phủ nếu chuẩn bị kịp và bảo đảm chất lượng.

Phát triển nhà ở xã hội là một chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời là một chính sách đa mục tiêu khi vừa góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội hài hòa, bền vững… Cùng với những tháo gỡ về cơ chế, chính sách, nguồn lực thì công tác tổ chức thực hiện minh bạch, công bằng, đúng, trúng đối tượng thụ hưởng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm để bảo đảm hiệu quả và thực sự đạt được những mục tiêu của chính sách.

theo Nguyễn Bình – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan

Nghiên cứu đa dạng hoá chính sách ưu đãi thuế - Cập nhật: 22/11/2024 14:13
Công an TP Hồ Chí Minh: Mục tiêu không để tội phạm xảy ra tại bất kỳ cây ATM, ngân hàng nào - Cập nhật: 22/11/2024 08:23
Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tập trung cho công tác lập pháp - Cập nhật: 20/11/2024 09:01
Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng - Cập nhật: 20/11/2024 08:54
Hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu - Cập nhật: 19/11/2024 10:12
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cập nhật: 19/11/2024 08:38
Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2024” Thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức - Cập nhật: 18/11/2024 08:55
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 3: Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật​ - Cập nhật: 18/11/2024 08:36
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề - Cập nhật: 15/11/2024 10:07
Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động “ly khai”, “tự trị” - Cập nhật: 15/11/2024 10:00