Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), vấn đề bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” được nhiều đại biểu quan tâm. Ðại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) và một số đại biểu khác cho rằng, nếu bổ sung biện pháp này sẽ dẫn đến vi phạm quyền con người cũng như các nguyên tắc xử phạt, thiếu sự phân hóa rõ ràng trách nhiệm hành chính. Ðồng thời, việc cung cấp dịch vụ điện, nước được thực hiện theo hợp đồng dân sự được ký giữa hộ gia đình, cá nhân, tổ chức với đơn vị cung cấp dịch vụ. Do vậy, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này không thể hiện tính nhân văn, tính khả thi không cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm quy định trong Bộ luật Dân sự.
Trong khi đó, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình), đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) và một số ý kiến cho rằng, bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm. Nếu không bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện nước, thì các cơ sở, tổ chức vi phạm sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cần thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc: áp dụng biện pháp này không làm ảnh hưởng cá nhân, tổ chức khác.
Về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Ðịnh) cho rằng, đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần quy định ngay trong dự thảo Luật XLVPHC mà không đợi để quy định trong Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Làm rõ vấn đề này, đại biểu cho biết, Luật XLVPHC quy định biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với tư cách là chế tài hành chính. Còn Luật Phòng, chống ma túy quy định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với tư cách là biện pháp quản lý. Bên cạnh đó, nếu đưa một người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với biện pháp là xử lý hành chính thì về quy định đối tượng, thủ tục, trình tự, thẩm quyền phải có trong Luật XLVPHC, nhằm bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ, thống nhất với các biện pháp xử lý hành chính khác.
Ðại biểu Võ Ðình Tín (Ðắk Nông) và các đại biểu khác cho rằng, bổ sung đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 14 tuổi trở lên như quy định trong dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, với người sử dụng trái phép chất ma túy đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục có hành vi này thì cần áp dụng biện pháp nghiêm khắc hơn. Ðó là đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với người đủ 18 tuổi trở lên.
Cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký thỏa thuận quốc tế
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế (TTQT). Các ý kiến đều nhất trí cho rằng, luật sẽ tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Ðảng về hội nhập quốc tế.
Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là việc mở rộng chủ thể ký TTQT được quy định trong dự thảo. Các đại biểu Ðiểu Huỳnh Sang (Bình Phước), Nguyễn Tạo (Lâm Ðồng) và một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã và đề nghị không mở rộng chủ thể ký TTQT đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới. Theo các đại biểu, qua thực tiễn cho thấy, các xã biên giới trong cả nước hiện còn gặp nhiều khó khăn; năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, trong khi quan hệ quốc tế rất sâu rộng và nhạy cảm, đa dạng về đối ngoại quốc phòng, an ninh, đòi hỏi cơ quan tổ chức tham mưu cho chủ thể ký TTQT phải có năng lực nhất định. Vì vậy, chỉ nên mở rộng chủ thể ký TTQT đến UBND cấp huyện là phù hợp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích, thời gian qua, việc ký các văn bản hợp tác quốc tế mà thực chất là TTQT của UBND cấp xã ở khu vực biên giới đã góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế – xã hội. Từ thực tiễn đó, dự thảo Luật quy định việc mở rộng chủ thể ký TTQT đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới là cần thiết, nhưng để phù hợp năng lực thực thi, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, chỉ nên giới hạn nội dung UBND cấp xã được ký về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa và quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định về việc ký TTQT đối với UBND cấp xã.
Liên quan nội dung này, nhiều ý kiến đề nghị mở rộng hơn nữa chủ thể được ký TTQT. Ðại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho biết, thực tế hiện nay ở các bộ, cơ quan ngang bộ còn có các viện, trung tâm, trường đại học trực thuộc, đã ký rất nhiều văn bản TTQT. Cho nên, để phù hợp thực tiễn, đáp ứng nhu cầu hợp tác quốc tế, cần bổ sung các pháp nhân, tổ chức trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được tham gia ký TTQT.
Ðối với các tỉnh miền núi do điều kiện địa hình đi lại khó khăn, có những vi phạm diễn ra tại rừng sâu và các điều kiện về thông tin như sóng điện thoại không bảo đảm, việc đo đếm các tang vật vi phạm chủ yếu là thô sơ. Nếu như số lượng tang vật lớn, cần thời gian để đo đếm, thống kê lập vào biên bản vi phạm hành chính. Do đó, đề nghị Quốc hội cân nhắc thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp này có thể không quá 72 giờ, thay vì là không quá 48 giờ như trong dự thảo Luật XLVPHC quy định.
Ðại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang)
Nếu không có giải pháp hữu hiệu buộc phải dừng ngay hoạt động gây ô nhiễm thì hành vi vi phạm vẫn tiếp tục, ngay cả khi họ chấp nhận mức phạt tối đa tăng nặng. Do đó, chỉ có ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước thì mới buộc dừng ngay các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Ðại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An)