Tham nhũng gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với việc cung cấp vắc xin, bởi sự thiếu minh bạch trong phát triển, mua sắm, bố trí và phân phối vắc xin COVID-19.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) khẳng định, một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phục hồi sau COVID-19 trên toàn cầu là tính minh bạch và khả năng tiếp cận công bằng đối với các phương pháp điều trị và vắc xin COVID-19.
Vượt qua khoảng cách giàu nghèo
Cho đến nay, các nước có thu nhập cao đã mua vắc xin COVID-19 đạt 56%, trong khi các nước thu nhập thấp sở hữu lượng vắc xin rất nhỏ.
Với nguồn cung có hạn và nhu cầu vắc xin cao, các quốc gia giàu có đang chi mạnh để đảm bảo tiếp cận vắc xin COVID-19 cho công dân của họ. Trong khi đó, chỉ 14% vắc xin COVID-19 trên thế giới được mua bởi COVAX – một sáng kiến toàn cầu nhằm cung cấp quyền tiếp cận công bằng, hợp lý đối với các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin COVID-19.
COVAX do Liên minh Vắc xin GAVI, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Những đổi mới trong việc chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh (CEPI) đồng lãnh đạo, được thiết kế để bảo đảm tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vắc xin khi được phát triển và cho phép sử dụng.
COVAX sẽ đảm bảo cho các quốc gia tham gia cơ chế được tiếp cận vắc xin với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.
Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia vào cơ chế COVAX và là một trong các quốc gia nằm trong danh sách được tài trợ vắc xin giai đoạn đầu tiên.
Các quốc gia cạnh tranh để cung cấp vắc xin
Theo TI, việc các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với nhau không phải là lối thoát cho đại dịch. Đó phải là một nỗ lực chung trên toàn cầu, bởi vì vi rút không phân biệt biên giới.
Vắc xin nên được phân phối theo nguyên tắc công bằng, với thứ tự ưu tiên, các nhân viên y tế tuyến đầu được tiêm trước, sau đó là đến những người dễ bị tổn thương nhất theo độ tuổi hoặc sức khỏe.
Tuy nhiên, nguy cơ hiện hữu là những người giàu có và quyền lực có thể sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để đảm bảo quyền tiếp cận vắc xin, trong khi các gia đình có thu nhập thấp sẽ dần mất lòng tin vào các hệ thống và chính quyền được cho là bảo vệ họ.
Việc phân phối vắc xin COVID-19 “chín muồi” cho tham nhũng?
Tham nhũng gây ra những rủi ro lớn đối với việc cung cấp vắc xin.
Với nhu cầu từ các nước rất cao, giá trị của vắc xin COVID-19 cực kỳ lớn, điều này khiến chúng đặc biệt dễ bị tham nhũng.
Rủi ro tham nhũng đến từ sự thiếu minh bạch về giá trả cho vắc xin COVID-19 của các chính phủ và tính bảo mật của hợp đồng với các công ty dược phẩm, cho đến những vấn đề rộng hơn về tiếp cận, ảnh hưởng đến việc ai được tiêm chủng và thời điểm được tiêm.
Từ khi đại dịch COVID-19 được công bố, tham nhũng đã được báo cáo ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia không có kế hoạch phân phối vắc xin công bằng và minh bạch.
Và, khi các nước xây dựng hợp đồng với các công ty dược phẩm để mua vắc xin, tình trạng tham nhũng trong mua sắm công vẫn ở mức cao. Đó là điều hết sức đáng lo ngại
Nghiên cứu cho thấy, các chính phủ chi khoảng 30% ngân sách cho mua sắm công, trong khi tại lĩnh vực y tế, khoảng 7% bị thất thoát vì tham nhũng và kém hiệu quả.
Một thực tế là nhiều hợp đồng và thỏa thuận về giá giữa chính phủ và các công ty dược thường được giữ bí mật, mặc dù chúng chi trả từ tiền đóng thuế của người dân.
Theo TI, mọi người có quyền biết thông tin về vắc xin mà họ nhận được, bao gồm cả ai là người chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, các thỏa thuận bồi thường thường được bảo mật, rất khó để biết ai, cái gì, ở đâu và khi nào phải chịu trách nhiệm về sự cố.
Tiếp cận thông tin có thể giúp ngăn ngừa tham nhũng
Tiếp cận thông tin là một quyền của con người, đặc biệt quan trọng khi nó liên quan đến sức khỏe của chúng ta. Nếu không có thông tin về bản chất và chi phí của các hợp đồng vắc xin COVID-19, trách nhiệm giải trình là không thể.
Tiếp cận thông tin có thể giúp ngăn ngừa tham nhũng, bao gồm lạm dụng nguồn lực công, xung đột lợi ích, tham nhũng vặt… Nó cũng giúp quản lý những dự tính, tạo niềm tin vào chính phủ và phát hiện thông tin sai lệch.
Theo TI, mặc dù tính bảo mật là cần thiết để bảo vệ thông tin độc quyền của các công thức vắc xin và các xem xét bằng sáng chế khác, nhưng các điều khoản bảo mật không nên được sử dụng liên quan đến chi phí, được trả bằng các nguồn lực công, cũng như liên quan đến số lượng vắc xin đã mua, các điều kiện hợp đồng, cũng như mốc thời gian phân phối.
Các rủi ro tham nhũng và thiếu minh bạch khác
Sự thiếu minh bạch trong nghiên cứu và phát triển vắc xin có thể dẫn đến việc người dân mất lòng tin vào quá trình phân phối, trong khi các chiến dịch thông tin sai lệch bất chấp tính khoa học và nguồn dữ liệu cũng có thể khiến công chúng mất lòng tin.
Cùng với đó, các quốc gia cũng thiếu dữ liệu đầy đủ để phân bổ vắc xin COVID-19 đảm bảo việc triển khai có hiệu quả, có mục tiêu.
Khoảng trống đáng kể trong dữ liệu về những người đủ điều kiện nhận vắc xin, nơi họ sống, tình trạng sức khỏe của họ để xem xét mức độ ưu tiên vị trí… dễ dẫn tới sự thiên vị chính trị và xã hội trong quá trình phân bổ vắc xin mà hậu quả có thể gây thiệt hại đến tính mạng.
Việc phân phối vắc xin COVID-19 cần đảm bảo vắc xin không bị đánh cắp hoặc chuyển hướng và hành động mạnh mẽ để chống lại vắc xin giả hoặc vắc xin bị lỗi xâm nhập vào thị trường, kể cả từ các nguồn như tội phạm có tổ chức.
Nhìn về phía trước
Chúng ta còn một chặng đường dài để đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 trên diện rộng, với hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh, sẽ không nhận được đầy đủ cho đến cuối năm 2023.
Trong khi đó, mối lo ngại hiện hữu là, mọi người càng mất nhiều thời gian để tiếp cận với vắc xin trên toàn cầu, thì càng có nhiều cơ hội cho vi rút đột biến hoặc biến đổi. Điều này sẽ gây ra những hậu quả to lớn về sức khỏe và kinh tế trên toàn thế giới.
Chúng ta có thể cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD bằng cách làm việc cùng nhau để phân phối các phương pháp điều trị và vắc xin COVID-19 một cách công bằng, bình đẳng và minh bạch.
Vậy, những công dân bình thường có thể làm gì?
TI nhấn mạnh, tham nhũng sẽ chỉ dừng lại khi mọi người làm việc cùng nhau để thay đổi hệ thống. Báo cáo tham nhũng và buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm về hành động là những cách hiệu quả nhất để tác động đến sự thay đổi và khẳng định quyền của công dân.
Công dân có quyền biết các quyết định của chính phủ được thực hiện như thế nào và các nguồn lực được sử dụng, đặc biệt là khi liên quan đến sức khỏe của chúng ta.
Bên cạnh đó, TI cũng đưa ra 5 câu hỏi mà các chính phủ cần trả lời về chương trình vắc xin COVID-19 của mình. Đó là:
1. Những loại vắc xin nào chính phủ đã có được?
2. Số lượng của mỗi loại vắc xin có được là bao nhiêu?
3. Khi nào vắc xin sẽ được phân phối tới mọi người dân trong nước? Khi nào bạn sẽ chủng ngừa và loại vắc xin nào bạn sẽ sử dụng?
4. Chính phủ phải trả bao nhiêu tiền cho một liều của mỗi loại vắc xin?
5. Chính phủ có trang web riêng với đầy đủ thông tin về vắc xin COVID-19 hay không, bao gồm các mốc thời gian, bản báo cáo tình hình, nguồn tài chính và các hợp đồng?
theo Hoài Phương – Báo thanh tra