Lấy lối đi của nhà này, cấp đất cho nhà khác
Vụ việc khởi nguồn vào năm 2003, bà Lưu Thị Trọng có đơn đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích nhà đất đang sử dụng mua năm 1989 của UBND xã Hải Phú, diện tích 155m2 (có nguồn gốc là cửa hàng buôn bán của Hợp tác xã (HTX) Mua bán Hải Phú) và đề nghị UBND xã Hải Phú giao thêm 155m2 cho đủ 310m2 mà gia đình bà đã trúng đấu giá năm 1989 với giá 50,5 triệu đồng.
Lý do, bà Trọng đòi UBND xã trả đủ phần diện tích 310m2 là căn cứ trên Tờ trình năm 1989 của UBND xã Hải Phú gửi UBND huyện Hải Hậu đề nghị cho bán ngôi nhà có nguồn gốc của HTX Mua bán Hải Phú để lấy tiền làm đình, chợ.
Tại thời điểm này, UBND xã Hải Phú đã có văn bản trả lời bà Trọng: Lý do gia đình bà Trọng chưa được cấp sổ đỏ vì năm 1997, đoàn đo đạc của tỉnh về đo đạc trên địa bàn xã Hải Phú, trong đó có diện tích đất của gia đình bà Trọng, có diện tích 155m2. Nhưng do thời điểm đó gia đình bà Trọng không ký vào tờ khai số tờ, số thửa, nên hồ sơ cấp sổ đỏ không đủ điều kiện giải quyết.
Đối với đề nghị trả đủ phần đất còn thiếu, UBND xã Hải Phú cho rằng, ông Trần Đình Chiểu, nguyên là Phó Chủ tịch xã Hải Phú năm 1989 – 1993 đã khẳng định “quan điểm của Đảng ủy, UBND xã lúc bấy giờ là bán nhà chứ không bán đất. Thực tế, ngôi nhà gia đình bà Trọng đang sử dụng vẫn nguyên hiện trạng” nên đề nghị trả đủ đất của gia đình bà Trọng không có cơ sở.
Không đồng ý, gia đình bà Trọng đã khởi kiện TAND huyện Hải Hậu, yêu cầu UBND xã Hải Phú trả đủ 310m2 như Tờ trình của UBND xã Hải Phú đề nghị UBND huyện Hải hậu bán nhà đất tại khu vực chợ Thượng Trại.
Năm 2007, TAND huyện Hải Hậu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đã xử bác đơn của bà Trọng kiện đòi UBND xã Hải Phú giao đủ 310m2 đất.
Không đồng ý, gia đình bà Trọng kháng cáo. Năm 2008, TAND tỉnh Nam Định hủy bản án dân sự sơ thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm và bản án sơ thẩm; giao hồ sơ cho TAND huyện Hải Hậu xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành án đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Tại Bản án sơ thẩm số 23/2012/DSPT, TAND huyện Hải Hậu một lần nữa bác yêu cầu khởi kiện của bà Lưu Trị Trọng.
Gia đình bà Trọng tiếp tục kháng cáo đến TAND tỉnh Nam Định.
Một lần nữa, TAND tỉnh Nam Định lại xử phúc thẩm và giao hồ sơ cho TAND huyện Hải Hậu để xét xử sơ thẩm lại buộc TAND huyện Hải Hậu phải chuyển vụ án lên TAND tỉnh Nam Định giải quyết do các thẩm phán của TAND huyện Hải Hậu đều đã tham gia xây dựng hồ sơ và xét xử vụ án trước đó.
Ngày 29/9/2015, TAND tỉnh Nam Định đã mở phiên tòa sơ thẩm và xử chấp nhận một phần đơn khởi kiện của bà Trọng. Bà Trọng được quyền sử dụng diện tích đất 219,9m2 tại khu chợ Thượng Trại.
Bản án số 03/2017/DS- PT của TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Phán quyết của TAND tỉnh Nam Định và TNAD Cấp cao tại Hà Nội vô tình làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của gia đình ông Nguyễn Đức Cường (hộ lân cận), bởi phần đất lâu nay gia đình đang sử dụng làm lối đi vào nhà, nay bị TAND tỉnh Nam Định quyết giao cho gia đình bà Trọng sử dụng. Vô hình trung, gia đình ông Cường sẽ không còn lối đi lại.
Cần làm rõ khuất tất con số 310m2
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Phạm Văn Quỳnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Phú cho biết, trước khi làm Phó Bí thư Đảng ủy, ông có 6 năm làm kế toán xã; 10 năm làm Chủ tịch xã, bản thân ông cũng 6 lần hầu tòa nên nội dung vụ việc này ông nắm rất rõ.
Theo ông Quỳnh, diện tích đất khu đất đang tranh chấp tại khu vực chợ Thượng Trại có nguồn gốc là đất chợ của HTX mua bán huyện Hải Hậu. Năm 1985, HTX mua bán huyện Hải Hậu bàn giao cho HTX mua bán xã Hải Phú quản lý và sử dụng. Năm 1986, HTX Hải Phú đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp lên 2 tầng (tầng 1 là 54m2, tầng 2 là 28m2).
Năm 1989, do cơ chế chuyển đổi, HTX mua bán Hải Phú không có nhu cầu sử dụng, nên Đảng bộ và nhân dân xã Hải Phú thống nhất và có tờ trình đề nghị UBND huyện Hải Hậu cho phép bán cửa hàng mua bán cho gia đình bà Lưu Thị Trọng ở xóm Phạm Thoại, xã Hải Phú với số tiền 50,5 triệu đồng.
Cũng theo ông Quỳnh, từ năm 1989 đến nay, hộ bà Trọng vẫn sử dụng nguyên hiện trạng nhà đất của HTX mua bán cũ. Tại thời điểm năm 1989, toàn bộ số tài sản của HTX mua bán cũ chỉ có căn nhà 3 gian, 2 tầng đã bán cho gia đình bà Trọng, UBND xã Hải Phú được giao quản lý. Phía sau gian nhà 3 gian, 2 tầng là lối đi của gia đình ông Nguyễn Đức Cường. Phần nhà đất từ ngõ nhà ông Cường về phía Bắc là của HTX mua bán huyện Hải Hậu, mãi đến năm 1995, UBND xã Hải Phú mới bàn giao quản lý thì năm 1989, UBND xã Hải Phú lấy đâu ra 310m2 để bán cho gia đình bà Trọng.
Khi PV đề nghị được cung cấp hồ sơ địa chính đối với khu đất đang có tranh chấp, ông Quỳnh cho biết, hồ sơ lưu tại xã có Nghị quyết của HĐND về việc xin giao đất cho các hộ dân làm nhà ở và xây dựng công trình và các tờ trình xin giao đất làm nhà ở cho dân, không có hồ sơ lưu đối với khu đất đang có tranh chấp. “Tờ trình gửi UBND huyện Hải Hậu xin phép cho đấu giá 3 gian nhà có nguồn gốc là cửa hàng mua bán của HTX Hải Phú cũng không còn lưu tại xã. Sau này, gia đình bà Trọng cung cấp, xã mới có bản photo. Điều đáng nói, cả tờ trình là bản đánh máy, riêng chỉ con số 310m2 là được viết tay, nên tính xác thực của văn bản này như thế nào thì không ai biết”, ông Quỳnh chia sẻ.
Cũng theo ông Quỳnh, tại thời điểm này, căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định), khóa IV về việc quy định mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình khu vực ven đường, ven chợ… được giao tối đa là 120m2. Thời điểm này, UBND xã Hải Phú chỉ đề nghị UBND huyện cho phép bán đấu giá 3 gian nhà 2 tầng nên không có chuyện thời điểm đó UBND xã Hải Phú bán nhà, đất cho gia đình bà Trọng tới 310m2.
Ông Quỳnh cho biết, không đồng ý với phán quyết của TAND tỉnh Nam Định và TAND Cấp cao tại Hà Nội, UBND xã Hải Phú đã nhiều lần có đơn khiếu nại và đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án để xét xử lại.
“Không thể lấy đất chợ cấp cho gia đình bà Trọng, cũng không thể lấy lối đi của gia đình ông Cường, trả cho gia đình bà Trọng. Lấy lối đi của nhà này giao cho người khác sử dụng là vô lý. Phán quyết của tòa án như vậy là không khách quan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân”, ông Quỳnh khẳng định.
Tiếp tục tìm hiểu được biết, tại biên bản lấy lời khai của TAND huyện Hải Hậu, ông Trần Đình Chiểu, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú thời kỳ 1989 – 1993 – thành phần tham gia đấu giá bán cửa hàng của HTX Mua bán khẳng định, khi đó UBND xã Hải Phú chỉ bán đấu giá ngôi nhà 3 gian, 2 tầng, không bán đất. Hiện trạng ngôi nhà vẫn sử dụng như trước đây, chưa cải tạo, sửa chữa gì.
Cũng theo ông Chiểu, tờ trình năm 1989 gửi UBND huyện Hải Hậu đề nghị cho phép bán ngôi nhà 3 gian, 2 tầng là văn bản được đánh máy chữ. Khi gửi đi, trên văn bản không có con số 310m2 viết tay. Khi ông nhận bàn giao từ ông Huấn (Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ – PV), tờ trình này cũng không có con số 310m2. Mãi đến năm 2006, khi bà Trọng khởi kiện, ông mới biết văn bản này có số 310m2 viết tay. Bản thân ông cũng không biết ai là người viết số này vào tờ trình.
Bức xúc vì tự nhiên bị cắt lối đi lại đang sử dụng từ lâu, hộ gia đình ông Nguyễn Đức Cường và UBND xã Hải Phú liên tục gửi đơn kêu cứu và đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án phúc thẩm số 03/2017/DS-PT ngày 6/1/2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội.
Việc căn cứ tờ trình với con số 310m2 được viết tay là không đủ cơ sở, pháp lý để TAND các cấp công nhận diện tích đất của gia đình bà Trọng mua từ năm 1989. Việc công nhận này không những dẫn đến tình trạng gây thiệt hại cho chính quyền sở tại và người dân còn vô tình gây nên làn sóng bức xúc trong dư luận.
theo Lê Phương – thanhtra.com.vn