Ảnh minh họa.
Quy định của pháp luật
Điều 12, Tuyên bố quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948 quy định: “Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng cá nhân bị xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, điện tínvẫn còn xảy rakhá phổ biến, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, hiện nay trong thời đại bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0, việc sử dụng các phương tiện thông tin như facebook, zalo… để sử dụng vào mục đích giao tiếp, mua bán, chuyển tải thông tin… đã trở nên khá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, đây là một điều tất yếu của thời đại công nghệ số giúp cho việc tiếp cận thông tin và sử dụng các tiện ích xã hội một cách nhanh chóng và tiện lợi. Song, mặt trái của nó là tồn tại và tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân. Cá biệt, có nhiều trường hợp lợi dụng điều kiện hoàn cảnh của nạn nhânđể can thiệp một cách độc đoán vàođời tư của cá nhân ấy. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, trong đó có nguyên nhân là do người bị xâm phạm thường là người bị phụ thuộc hoặc bên yếu thế hơn hoặc chưa hiểu hết các quyền của mình được pháp luật bảo vệ…
Trở lại với tiến trình lịch sử, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân bí mật gia đình ở nước ta đã được đề cập ngay tại những điều đầu tiên của Hiến pháp năm 1946: “Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật” (Điều thứ 11). Điều đó khẳng định rằng, ngay từ khi mới thành lập, Nhà nước ta đã quan tâm và bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dântrong đó có quyền được bảo vệ an toàn về điện tín. Đến Hiến pháp năm 1959, quyền về bí mật đời tư, bí mật cá nhân tiếp tục được ghi nhận tại Điều 28: “Pháp luật bảo đảm nhà ở của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà không bị xâm phạm, thư tín được giữ bí mật”. Trải qua quá trình phát triển, các bản Hiến pháp của nước ta vẫn giữ quy định về việc bảo đảm quyền về bí mật riêng tư, bí mật cá nhân với phạm vi bảo vệ ngày càng rộng hơn, cụ thể hơn. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được quy định khác chặt chẽ, cụ thể: “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc, mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” (Điều 21, Hiến pháp 2013). Như vậy, có thể thấy rằng, Hiến pháp – văn bản pháp lý có giá trị cao nhất đã ghi nhận và bảo vệ cho quyền nhân thân cơ bản của cá nhân trong đó có quyền bảo đảm an toàn bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Việc bảo vệ an toàn bí mật thư tín cũng được cụ thể hóa, nội luật hóa và ghi nhận rất sớm, tại Điều 1, Luật số 103-SL/L.005 ngày 20/5/1957 có quy định: “Quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Không ai được xâm phạm các quyền ấy”… Hiện nay, an toàn bí mật thư tín được bảo đảm bằng các biện pháp chế tài được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự. Bộ luật Dân sự 2015 đã bổ sung quy định về “quyền về đời sống riêng tư” (Điều 38) bên cạnh các nội dung về “bí mật cá nhân” và “bí mật gia đình” vốn đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 1995 và 2005 trước đó. Cụ thể, theo quy định của Điều 38, Bộ luật Dân sự (Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình) có quy định: “1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; 2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác; … 4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, cũng theo quy định tại khoản 2, Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý…
Trong luật hình sự, chế tài đối với người xâm phạm bí mật thư tín được ghi nhận tại Bộ luật Hình sự.Người có quyền mở thư tín là chủ thể nhận thông tin hoặc người được chủ thể nhận thông tin cho phép hoặc ủy quyền để thực hiện việc đó. Trong những trường hợp được pháp luật quy định và có lệnh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, một người không phải là chủ thể nhận thông tin, nhưng được pháp luật cho phép, cũng có quyền mở thư tín. Nếu người mở thư tín không phải là một trong những người này thì bí mật thư tín bị vi phạm.
Tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” được quy định tại Chương XV – Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân. Điều 159, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; đ) Làm nạn nhân tự sát. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Thư tín là văn bản chứa đựng những thông tin mà một người muốn báo cho một (hoặc nhiều) người khác biết.Trong xã hội hiện đại, hình thức của thư tín rất đa dạng, có thể ghi nhận bốn hình thức phổ biến sau: Thư viết trên giấy; Thông tin có thể được chứa đựng trong băng, đĩa từ dạng chữ viết, tiếng nói, hình ảnh hoặc cả ba; Thư được soạn thảo trên máy tính và gửi từ một địa chỉ điện tử đến một địa chỉ điện tử khác thông qua mạng internet; Nhắn tin qua điện thoại, đây là việc để lại lời nhắn trên hộp thư thoại hoặc hộp tin nhắn của một số điện thoại. Lời nhắn trên hộp thư thoại tồn tại dưới dạng lời nói (lời đối thoại) được ghi âm.
Điện tín thông thường chỉ việc lợi dụng điện hữu tuyến, điện vô tuyến, quang hay hệ thống từ điện từ khác tiến hành truyền tải, thu, phát những thông tin như tin tức, thông tin tình báo, mệnh lệnh, văn bản, hình ảnh… Nó có thể thông qua ký hiệu (văn bản, hình ảnh) hoặc tín hiệu (ngôn ngữ, cử chỉ) để biểu hiện. Ví dụ như trong thông tin điện thoại, tín hiệu truyền dẫn trong dây điện thoại là tín hiệu điện, thông tin thu phát trong ống nghe là thông tin ngữ âm. Ở đây, tín hiệu điện và ngữ âm đều biểu thị một thông tin nào đó.
Điện thoại là thiết bị viễn thông dùng để trao đổi thông tin, thông dụng nhất là truyền giọng nói – tức là “thoại” (nói), từ xa giữa hai hay nhiều người. Điện thoại biến tiếng nói thành tín hiệu điện và truyền trong mạng điện thoại phức tạp thông qua kết nối để đến người sử dụng khác.
Các dấu hiệu pháp lý của “tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác””
Làm rõ cấu thành tội phạm của tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” có ý nghĩa quyết định trong việc phân biệt tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” với những tội phạm khác và là căn cứ pháp lý để Tòa án kết án một người có phạm tộihay không.
Mặt Chủ thể
Chủ thể của của tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi quy định theo các Điều 12, Điều 13, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” thì chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này vì cả khoản 1 và khoản 2, Điều 159, Bộ luật Hình sự đều là tội phạm ít nghiêm trọng. Thông thường chủ thể của tội phạm này là bất kì ai, nhưng trong một số trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định (điểm b, khoản 2).
Mặt Khách thể
Khách thể của tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” là quyền được bảo đảm an toàn và bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín hoặc các hình thức trao đổi riêng tư khác của công dân. Đối tượng tác động của tội phạm này là thư, điện báo, telex, fax, các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính. Thư, điện thoại, telex, fax hoặc văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính của Nhà nước hoặc tổ chức thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này mà tùy trường hợp cụ thể người phạm tội vị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng. Ví dụ: hành vi chiếm đoạt một công văn mật của cơ quan Nhà nước là hành vi phạm tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước” quy định tại Điều 337, Bộ luật Hình sự.
Mặt Chủ quan
Tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” được thực hiện do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy rahoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Người phạm tội này có nhiều động cơ khác nhau nhưng động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc, việc xác định động cơ phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Mục đích của người phạm tội là mong muốn xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người chỉ mong xem trộm thư rồi dán lại, có người chiếm đoạt…
Mặt Khách quan
– Theo quy định tại khoản 1, Điều 159, Bộ luật Hình sự có 05 dạng hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm mà khi một người thực hiện 01 trong 05 hành vi nêu trên, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, cụ thể là:
+ Hành vi chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào. Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính là làm cho thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính không đến với người nhận bằng nhiều thủ đoạn như: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lén lút, gian dối, bội tín, công nhiên… Cũng giống như hành vi chiếm đoạt tài sản trong các tội xâm phạm sở hữu, nhưng tính chất chiếm đoạt ở đây khác chiếm đoạt tài sản ở chỗ, người phạm tội có thể lấy thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính cho mình hoặc người khác, nhưng cũng có thể chỉ lấy rồi vứt đi, mà không chiếm hữu sử dụng.
Nếu chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính để dùng vào mục đích khác và hành vi dùng vào mục đính khác của người phạm tội lại cấu thành một tội phạm độc lập thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.Ví dụ: chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các băn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính dùng vào mục đích gián điệp thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gián điệp. Nếu chiếm đoạt thư của người khác rồi dùng nó để lừa dối người khác chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, vừa vị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Các văn bản mà người phạm tội chiếm đoạt không phải là văn bản được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính và không có nội dung, tính chất thư tín, điện tín thì không phải là hành vi phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.
+ Hành vi cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông. Hành vi này rất đa dạng về cách thức thực hiện như tiêu huỷ thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính của người khác; bóc và đọc trộm thư của người khác; hành vi làm cho thư tín, điện báo, fax hoặc các văn bản khác không được gửi đến đúng địa chỉ của người nhận hoặc làm người nhận không nhận được…
+ Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật: Là hành vi lén lút ghi lại nội dung cuộc nói chuyện giữa nhiều người với nhau mà không được sự đồng ý, cho phép của người bị ghi âm. Việc nghe hoặc ghi âm điện thoại liên quan đến quyền riêng tư của cá nhân về thông tin. Tuy nhiên cần lưu ý đây là trường hợp pháp luật quy định một cách rõ ràng trường hợp nào thì được nghe, trường hợp nào thì không được nghe chứ không tùy tiện áp đặt vào thực tế trong mọi trường hợp việc nghe hoặc ghi âm cuộc đàm thoại vì mọi mục đích đều là hành vi trái pháp luật. Ví dụ: Hành vi ghi âm cuộc đàm thoại của hai người đang âm mưu buôn bán ma túy để làm chứng cứ, đây không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
+ Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật: Điều này thể hiện bằng hành vi tự ý lục lọi, khám xét và giữ thư tín, điện tín trong các trường hợp không được pháp luật cho phép, không đúng trình tự quy định của pháp luật. Ví dụ: Việc khám xét nội dung tin nhắn điện thoại cá nhân không đúng thẩm quyền, không có lý do chính đáng.
+ Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác: Bao gồm các hành vi khác mà nhà làm luật chưa mô tả trong cấu thành tội phạm kể trên. Ví dụ: Hành vi đọc trộm tin nhắn của người khác.
– Người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm: là trước đó người phạm tội đã có lần xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, đã bị xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xóa kỷ luật mà nay lại có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (khoản 4, Điều 30, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định: Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày thi hành. Trong thời gian này, nếu công chức không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực).
– Người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm: là trước đó người phạm tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó. Ví dụ: Hành vi vợ đọc trộm tin nhắn của chồng hoặc ngược lại, sau đó tiết lộ, phát tán những tin nhắn này làm xúc phạm, danh dự, nhân phẩm của người đó thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
– Hậu quả và mối quan hệ nhân quả.
Hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác gây ra những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho con người và cũng có thể gây mất ổn định về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nói chung. Những thiệt hại này có thể tính ra được bằng tiền, nhưng cũng có thể không tính ra được bằng tiền.Hậu quả của hành vi này, trước hết làm cho thư tín, điện thoại, điện tín không còn giữ được bí mật, an toàn hoặc không đến được với người nhận và do không giữ được bí mật hay không đến được người nhận nên có thể gây ra hậu quả khác về vật chất hoặc tinh thần cho người đó.Bộ luật Hình sựkhông căn cứ vào thiệt hại do hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín gây ra để truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm về tội danh này mà chỉ cần xác định thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc bị xâm phạm là tội phạm đã hoàn thành, những hậu quả khác chỉ có ý nghĩa trong việc xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt.Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết cho thấy tình trạng xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác xảy ra khá phổ biến ở nước ta hiện nay, nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm không đáng kể, nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do ý thức pháp luật chưa cao và chỉ khi nào do hành vi xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín gây ra hậu quả nghiêm trọng khác thì người có hành vi xâm phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Cũng như đối với các tội quy định nhiều hành vi khác nhau, khi định tội cần chú ý: Nếu người phạm tội chỉ thực hiện một các hành vi nêu trên thì định tội theo hành vi đó. Ví dụ: Người phạm tội có hành vi xâm phạm bí mật thư tín, thì định tội “xâm phạm bí mật thư tín của người khác”. Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi thì khi định tội nêu tất cả các hành vi phạm tội nhưng không dùng liên từ hoặc. Ví dụ: người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm bí mật thư tín, xâm phạm bí mật điện thoại và xâm phạm an toàn thư tín, thì định tội là: “Xâm phạm bí mật thư tín, bí mật điện thoại và an toàn thư tín của người khác”.
Về hình phạt
Theo quy định tại khoản 1, Điều 159, Bộ luật Hình sự thì người thực hiện một trong các hành vi được mô tả tại khoản 1 điều luật này, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Tức là tội ít nghiêm trọng. Phạm tội thuộc 01 trong 05 trường hợp tăng nặng tại khoản 2 điều luật này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm, cũng thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng.Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các quy định về thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm
Thư tín, điện tín là tài liệu cá nhân gắn liền với quyền con người nên được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Trong trường hợp người có thư tín, điện thoại, điện tín (bao gồm cả người nhận và người gửi) liên quan đến vụ án hình sự, nếu thấy cần thiết, và có căn cứ, cơ quan điều tra có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát, thu giữ điện thoại, điện tín, thư tín để phục vụ cho hoạt động điều tra, nhưng việc áp dụng các biện pháp này phải theo đúng thẩm quyền, trình tự quy định của pháp luật.
Căn cứ thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Trước đây, Điều 144, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định chỉ được thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện khi thấy cần thiết. Quy định này đã giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm chỉ xảy ra tại bưu điện, dẫn đến không phù hợp với thực tiễn hiện nay, các phương tiện điện tử, viễn thông được áp dụng nhiều và phổ biến qua rất nhiều tổ chức viễn thông như Vinaphone, Mobiphone, Viettel hay qua các nhà mạng Internet… Vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã hoàn thiện các vướng mắc trên, mở rộng phạm vi áp dụng đối với biện pháp này được thực hiện tại các cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, góp phần quan trọng trong việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm.
Điều 192, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử quy định:Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân; Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.
Thẩm quyền, quy trình, thủ tục thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm
Thẩm quyền ra lệnh thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm được quy định tại khoản 1, Điều 197, Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, thẩm quyền ra lệnh thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm thuộc về Cơ quan điều tra, cụ thể Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và lệnh này phải được Viện Kiểm sát phê chuẩn trước khi thi hành. Trường hợp không thể trì hoãn việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc thu giữ để xét phê chuẩn.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh thu giữ phải trả lại ngay cho cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, đồng thời thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết. Quy định này đã hạn chế những rủi ro Cơ quan điều tra thu giữ khẩn cấp sai hoặc lạm quyền trong việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, đồng thời tăng tính thận trọng, trách nhiệm của Cơ quan điều tra khi thu giữ khẩn cấp thư tín, điện tín.
Thủ tục tiến hành thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm quy định tại khoản 3, Điều 197, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người quản lý cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan phải tạo điều kiện để người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ. Việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông. Do đó, luật quy định người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Luật không quy định thời hạn thông báo trước bao lâu. Tuy nhiên, việc thông báo vừa nhằm đảm bảo tôn trọng hoạt động của cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, vừa nhằm đảm bảo yêu cầu của hoạt động điều tra vụ án hình sự.
Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản. Người này phải tạo điều kiện để người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ.
Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết. Nếu việc thông báo cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo ngay. Việc cản trở điều tra này có thể là người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm trường hợp là người đã thực hiện tội phạm thì việc này coi như “rút dây động rừng” khiến cơ quan điều tra khó khăn hơn trong việc thu thập chứng cứ; hay trường hợp người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm biết được và không muốn Cơ quan điều tra thu giữ nên họ đến các tổ chức bưu chính, viễn thông lấy trước và làm biến đổi đi các dấu vết tội phạm có thể có trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm.
Trách nhiệm bảo quản thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ
Trách nhiệm bảo quản thư tín, điện tín bị thu giữ quy định tại Điều 199, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong phải được bảo quản nguyên vẹn. Người nào phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Người ra lệnh, người thi hành lệnh thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Kiến nghị đề xuất
Tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” và các quy định có liên quan qua thời gian đã phát huy vai trò tích cực, là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, truy tố xét xử các hành vi liên quan đến việc xâm phạm bí mật đời tư, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người và những giá trị cơ bản của công dân, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và thượng tôn luật pháp. Tuy nhiên, qua tình hình phát triển của xã hội cũng như thực tiễn xét xử đối chiếu với các quy định của pháp luật, người viết có một số các kiến nghị đề xuất để hoàn thiện, cụ thể như sau:
Một là, về tên gọi của điều luật tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác”. Theo người viết tên của điều luật là còn dài, bởi vì các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác thì đã được các văn bản luật chuyên ngành như Luật Bưu chính, Luật Viễn thông, Luật Công nghệ Thông tin… hướng dẫn. Mặt khác, việc quy định như trên khó cho việc xác định tội danh trong trường hợp hành vi xâm phạm đối tượng không phải là thư tín, điện thoại, điện tín… do đó, chỉ cần dùng thuật ngữ chung tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” là đủ.
Hai là, mức hình phạt của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là còn nhẹ và chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo quy định tại Điều 159, Bộ luật Hình sự thì người thực hiện một trong các hành vi được mô tả tại khoản 1 điều luật này, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm tức là tội ít nghiêm trọng. Phạm tội thuộc 01 trong 05 trường hợp tăng nặng tại khoản 2, điều luật này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm, cũng thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng.Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Quy định về hình phạt của tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện của người khác” như vậy là còn nhẹ, chưa tương xứng với tính chất của hành vi, hậu quả tội phạm và chưa đủ sức răn đe,giáo dục, phòng ngừa chung đối với tình trạng tội phạm xâm phạm tới bí mật về thư tín, điện tín, điện thoại xảy ra một cách khá phổ biến như hiện nay.
Ba là, cần có hướng dẫn cụ thể quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 159, Bộ luật Hình sự về “Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác”cụ thể là những hành vi nào và cần bổ sung một số hành vi xâm phạm vào các dạng hành vi quy định tại khoản 1, Điều 159, Bộ luật Hình sự. Điều này rất quan trọng trong việc xác định hành vi khách quan của người phạm tội. Thực tế cho thấy, có rất nhiều hành vi có thể xâm phạm bí mật, gây mất an toàn thư tín, điện thoại, điện tín ngoài hành vi chiếm đoạt như hành vi tự tiện bóc thư, điện tín bằng văn bản của người khác để biết nội dung của thư tín, điện tín; đọc trộm, nghe trộm các loại thư tín, điện thoại, điện tín được lưu giữ, truyền gửi bằng các phương tiện viễn thông, thông tin khác; thay đổi, đánh tráo nội dung hoặc địa chỉ đến của thư tín, điện thoại, điện tín; xóa, hủy, cản trở việc chuyển gửi, ngăn chặn đường truyền thư tín, điện thoại, điện tín của người khác;…
Bốn là, ngoài yêu cầu về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự, chủ thể của tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” còn phải đáp ứng điều kiện là “Đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”. Quy định trên còn có nhiều cách hiểu khác nhau.
Cách hiểu thứ nhất: Người phạm tội phải thực hiện đúng hành vi xâm phạm bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín mà trước đây mình đã thực hiện và đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi ấy thì mới cấu thành tội phạm này. Ví dụ: Trường hợp một nhân viên bưu điện trước đây đã xem trộm thư tín, bị cơ quan kỷ luật về hành vi này nhưng chưa đầy 06 tháng sau lại bị phát hiện xem trộm thư tín.
Cách hiểu thứ hai: Coi là phạm tội đối với người thực hiện bất kỳ một hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín trong khi đã từng bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về một trong các hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín. Ví dụ: Một người đã từng có hành vi chiếm đoạt thư tín của người khác, bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt đó nhưng chưa đầy một năm sau người này lại có hành vi lắp thiết bị nghe trộm điện thoại của người khác. Người viết nhất trí như quan điểm thứ hai, bởi vì nếu như hiểu theo cách hiểu thứ nhất thì sẽ dẫn tới việc bỏ lọt tội phạm, không thể truy cứu trách nhiệm đối với người vi phạm. Vì vậy, người viết kiến nghị sửa đổi nội dung “Đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thành “Đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm”.
Như vậy, Điều 159, Bộ luật Hình sự sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau:
Điều 159. Tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; b) Đọc trộm, xem trộm, xóa, hủy, thay đổi, đánh tráo nội dung thư tín, điện thoại, điện tín của người khác; c) Ngăn chặn, cản trở việc truyền, gửi, nhận thư tín, điện thoại, điện tín của người khác; d) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; đ) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; e) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; f) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. … 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: … 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Kết luận
An toàn, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm và đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết. Mặc dù, pháp luật nước ta đã có các quy định cụ thể nhưng với tình hình phát triển nhanh chóng của cách mạng 4.0 như hiện nay, thì vấn đề bảo vệ an toàn, bí mật bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh vẫn đặt ra nhiều thách thức, bởi vì không khó để có thể tìm kiếm trên các trang mạng xã hội thông tin về cá nhân, gia đình của một cá nhân. Hành vi xâm phạm các thông tin bí mật cá nhân và phát tán gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đó.
Do vậy, để bảo vệ an toàn, bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín cho mỗi người dân thì bên cạnh việc mỗi công dân phải tự cảnh giác và tự bảo vệ mình trước các hành vi xâm phạm thì các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhât pháp luật trong việc điều tra, truy tố, xét xử các hành vi vi phạm an toàn thư tín, điện thoại, điện tín góp phần bảo vệ quyền con người, xây dựng xã hội phát triển, văn minh và hiện đại.
theo HỒ NGUYỄN QUÂN
Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 4 – Tạp chí Luật sư VN