Mua vắc-xin phòng Covid-19 là trường hợp cấp bách, phải thực hiện ngay

Cập nhật: 20/05/2021 08:00

* Sử dụng kết hợp các loại xét nghiệm cần linh hoạt, không ồ ạt, tràn lan

Nhân viên y tế làm thủ tục lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (TP Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN HẢI

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 109/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 17-5 về việc mua vắc-xin phòng Covid-19 của Công ty Pfizer. Tham dự cuộc họp, có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng và đại biểu dự họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: Việc mua vắc-xin phòng Covid-19 là cần thiết, cấp bách theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Công văn số 50-CV/TW ngày 19-2-2021 và của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về lựa chọn loại vắc-xin phòng Covid-19; chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo nêu trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ. Trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, khan hiếm vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn cầu, để sớm có vắc-xin và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vắc-xin sớm nhất. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc-xin phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17-5, Bộ Y tế đã phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, xin ý kiến các thành viên Chính phủ để thống nhất và chuẩn bị ký thỏa thuận việc mua vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer (Mỹ). Sau khi ký thỏa thuận, Việt Nam sẽ có 31 triệu liều vắc-xin của Pfizer được cung cấp vào quý III và quý IV-2021, bảo đảm thực hiện theo lộ trình cung ứng vắc-xin mà hai bên đã trao đổi và thống nhất thời gian qua.

Sáng 18-5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với tỉnh Bắc Giang, kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại điểm nóng Khu công nghiệp Quang Châu; thăm, động viên lãnh đạo, cán bộ làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1 Bắc Giang. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đã quyết định thành lập Bộ phận thường trực chống dịch tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm tổng chỉ huy. Bộ trưởng Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Trường đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi T.Ư… tăng cường hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc Covid-19; hỗ trợ thêm 20 nghìn sinh phẩm xét nghiệm PCR, nâng tổng số lên 60 nghìn sinh phẩm xét nghiệm PCR; rà soát và xuất cấp, chuyển ngay khẩu trang, quần áo bảo hộ cho Bắc Giang. Tiểu ban Điều trị sẽ kết nối hỗ trợ chẩn đoán, điều trị những ca bệnh khó, nặng qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa khi cần thiết…

Tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang, đoàn đã kết nối trực tuyến điểm cầu Hà Nội với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, tỉnh Bắc Giang cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, áp dụng các biện pháp tin học hóa, xét nghiệm mẫu gộp để theo kịp tốc độ truy vết, lấy mẫu. Thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa một số địa bàn, khu công nghiệp chặt chẽ nhưng vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất của các nhà máy và bảo đảm an toàn dịch bệnh… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tổ công tác của Bộ Y tế tại Bắc Giang điều phối linh hoạt, có thể chuyển những ca F0 không có triệu chứng đến khu cách ly tập trung và giám sát chặt chẽ để giảm tải cho bệnh viện. Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung triển khai lắp đặt 1.000 ca-mê-ra tại tất cả các phòng cách ly, khu vực cách ly tập trung và kết nối với T.Ư để cùng giám sát chặt chẽ theo quy định…

Chiều cùng ngày, tại TP Bắc Ninh, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu có buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh và kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Nhà máy Gortex thuộc Khu công nghiệp Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh). Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị tỉnh Bắc Ninh rà soát lực lượng chuyên gia, người nhập cảnh trong thời gian qua để xét nghiệm; rà soát lại tất cả người đến từ Bắc Giang; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho các công nhân một tuần một lần. Bộ Y tế giao Trường đại học Y Hà Nội hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh lấy mẫu, xét nghiệm, nếu cần hỗ trợ thêm thì Bộ sẽ điều thêm đơn vị khác; hỗ trợ 10 nghìn mẫu sinh phẩm xét nghiệm; hai triệu khẩu trang y tế và khẩu trang N95; máy thở theo nhu cầu của tỉnh…

Chiều 18-5, tại Hà Nội, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tiếp nhận 45,7 tỷ đồng từ nhóm những người yêu hoa lan Việt Nam, góp thêm nguồn lực cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi sự lây lan của dịch Covid-19.

Tiếp nhận số tiền ủng hộ, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đồng chí Đỗ Văn Chiến trân trọng cảm ơn tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của những người yêu lan trên cả nước khi phát huy tinh thần, trách nhiệm của mình trước những khó khăn mà đất nước đang trải qua; đồng thời khẳng định, số tiền đóng góp trực tiếp này sẽ góp thêm nguồn lực để đất nước đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh, sớm mang lại cuộc sống bình an, ổn định cho người dân.

Hỗ trợ hai “điểm nóng” Bắc Giang, Bắc Ninh

Ngày 18-5, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử ngay kíp chuyên môn hồi sức tích cực chuyên sâu về ECMO, thở máy hỗ trợ tại chỗ cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh tập trung tối đa mọi nguồn lực để điều trị, chăm sóc toàn diện người bệnh Covid-19, hạn chế tới mức thấp nhất khả năng tử vong…

Sáng 18-5, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên tổ chức lễ xuất quân hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế cho tỉnh Bắc Giang chống dịch Covid-19. Đợt này, tỉnh Thái Nguyên cử 51 cán bộ là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên; gửi 25.500 khẩu trang y tế, 600 bộ test nhanh kháng nguyên và hai ô-tô cứu thương sang hỗ trợ tỉnh Bắc Giang.

Ngày 18-5, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã nhất trí chủ trương dành 13 tỷ đồng hỗ trợ 11 tỉnh, thành phố phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, hỗ trợ: Bắc Giang ba tỷ đồng; Bắc Ninh hai tỷ đồng; Đà Nẵng một tỷ đồng; Hà Nội hai tỷ đồng; Vĩnh Phúc một tỷ đồng; Hưng Yên 500 triệu đồng; Hà Nam 500 triệu đồng; Điện Biên một tỷ đồng; Lạng Sơn 500 triệu đồng; Thái Bình một tỷ đồng và Hòa Bình 500 triệu đồng.

Ngày 18-5, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, mỗi tỉnh 6.000 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, trị giá tương đương mỗi tỉnh ba tỷ đồng. Cùng ngày, Sở Y tế TP Đà Nẵng phát thông báo khẩn yêu cầu những người đã nhập cảnh Việt Nam, sau khi hết cách ly tập trung, về lưu trú, làm việc trên địa bàn thành phố từ ngày 4 đến 5-5 nhanh chóng liên hệ trung tâm y tế quận, huyện để thực hiện xét nghiệm.

Chiều 18-5, Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận 11,5 tỷ đồng từ Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Đồng Tháp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Từ nguồn hỗ trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kịp thời chuyển đến các lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 nơi tuyến đầu, các khu cách ly và kiều bào tại Vương quốc Cam-pu-chia…

Chiều 18-5, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã trao tặng năm tỷ đồng bằng tiền mặt cho Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang để góp phần giúp tỉnh kịp thời mua sắm công cụ bảo hộ, trang thiết bị y tế, ứng phó dịch Covid-19. Ngoài ra, VPBank cũng tài trợ cho Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam năm tỷ đồng để triển khai các phòng xét nghiệm công-ten-nơ lưu động tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Bắc Giang. Dự kiến mỗi công-ten-nơ có khả năng xét nghiệm 10 nghìn mẫu/ngày.

Thêm 153 trường hợp mắc Covid-19

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 18-5, cả nước ghi nhận 153 trường hợp mắc Covid-19 (người bệnh từ 4.360 đến 4.512), trong đó có một ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 152 ca ghi nhận trong nước, tại Hà Nội (19 ca), Hà Nam (bốn ca), Điện Biên (bảy ca), Sơn La (một ca), Bắc Giang (96 ca), Bắc Ninh (16 ca), Hải Dương (ba ca), Đà Nẵng (hai ca), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (một ca), Hải Phòng (một ca), Hưng Yên (một ca), Thái Bình (một ca). Trong đó, số ca mới ở khu cách ly 71 ca; số ca mới trong khu vực được phong tỏa 81 ca. Tất cả số ca mắc Covid-19 trong ngày đều liên quan dịch tễ với các ổ dịch đã được công bố từ trước.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 18-5, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi T.Ư, kết quả xét nghiệm PCR của nhân viên công tác tại Bộ GTVT nghi mắc Covid-19 đã có kết quả âm tính và cho cán bộ, người lao động được rời khỏi trụ sở cơ quan Bộ. Sáng cùng ngày, do một nhân viên Văn phòng Bộ có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, Bộ yêu cầu cán bộ, người lao động ở lại cơ quan.

Chiều 18-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo khẩn tìm người liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, những người đi trên tuyến xe buýt số 37 (29B-62577 hoặc 29B-62174) vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 5-5, từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đến Bến xe Nước Ngầm. Đây là chuyến xe có ca nhiễm Covid-19 người Bắc Giang. Những người thuộc diện nêu trên cần liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 0969.082.115 – 0949.396.115 để được hỗ trợ, hướng dẫn.

theo PV – Báo nhân dân điện tử

Tin liên quan