Phong tỏa tài sản ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, để bảo đảm khơi thông nguồn lực, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm thu hồi sớm, tối đa giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt… Kết luận số 87-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án “Xây dựng cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc” đã yêu cầu trong năm 2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm này.
Dự thảo Nghị quyết gồm 5 điều. Trong đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết đã xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Dự thảo Nghị quyết đề ra 4 nhóm nguyên tắc để bảo đảm việc thực hiện các biện pháp xử lý được kịp thời nhưng chặt chẽ, minh bạch, có sự kiểm soát, đúng mục đích, không ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết vụ án, vụ việc; không ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản, tránh làm phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đòi bồi thường; phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, tại Tờ trình về dự thảo Nghị quyết nêu rõ, bám sát nội dung Đề án xử lý vật chứng, tài sản đã được Bộ Chính trị thông qua, dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản. Cụ thể là trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Đối với từng biện pháp, đều quy định rõ nội dung, điều kiện áp dụng, thẩm quyền, đối tượng; riêng biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản còn quy định rõ thời hạn áp dụng.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết, tại dự thảo Nghị quyết quy định biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản nhằm nhằm ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu, tạo một bước sớm để kiểm tra, xác minh, khi có đủ căn cứ, điều kiện thì áp dụng ngay các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa theo quy định.
Dự thảo Nghị quyết quy định Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan để ban hành văn bản quy định chi tiết về nội dung, điều kiện áp dụng cụ thể, thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các biện pháp (khoản 9 Điều 3). “Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tối cao đã chủ động xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp trong việc thực hiện quy định của Nghị quyết, gửi cùng hồ sơ để các vị đại biểu Quốc hội tham khảo”, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nêu rõ.
Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Trình bày Báo cáo thẩm tra tóm tắt về dự án Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn được nêu trong Tờ trình của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Việc ban hành Nghị quyết nhằm khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận số 87-KL/TW của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.
Về phạm vi các vụ án, vụ việc được thí điểm, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc áp dụng cơ chế thí điểm sẽ có tác động rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền tài sản. Do đó, phạm vi thí điểm giới hạn trong một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như dự thảo là phù hợp.
Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng, để làm rõ hơn căn cứ pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất, cần cân nhắc bổ sung thêm các tiêu chí khác như: tính chất tội phạm; phạm vi chương, mục cụ thể của Bộ luật Hình sự. Bởi vì, thực tế các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo thời gian qua đều là các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tập trung ở một số chương của Bộ luật Hình sự 2015.
Về nguyên tắc thực hiện thí điểm, Ủy ban Tư pháp tán thành với các nguyên tắc thực hiện thí điểm tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, việc áp dụng các chính sách thí điểm sẽ xung đột với nhiều quy định trong pháp luật hiện hành, cả về thẩm quyền và trình tự, thủ tục.
Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã thống nhất phương án quy định những nguyên tắc cơ bản như: tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nhất là việc vẫn bảo đảm quyền tự định đoạt về tài sản của người bị buộc tội. Tuân thủ nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự, trong đó, coi trọng vai trò của Tòa án trong quá trình tham gia vào việc xử lý tài sản ở giai đoạn trước xét xử. Bảo đảm kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo, quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại…
Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với 5 nhóm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự được quy định tại dự thảo Nghị quyết. “Đây là biện pháp chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ cho thấy, việc thí điểm các biện pháp này sẽ góp phần giải quyết cơ bản những vướng mắc, bất cập hiện nay”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.