Nhà máy giấy Lee & Man từng bị người dân quanh vùng phản ứng vì gây ô nhiễm
Công khai số liệu quan trắc và tham vấn chuyên gia
Từ các phân tích về báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, UBND TP Cần Thơ đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang cẩn trọng, cân nhắc việc cấp chủ trương đầu tư dự án Nâng công suất Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam từ 420 nghìn tấn giấy/năm lên 1,1 triệu tấn giấy/năm.
Cụ thể, công văn của UBND TP Cần Thơ nêu rõ: Nên chăng cấp chủ trương đầu tư cho dự án nâng công suất theo lộ trình tăng dần, bởi với hoạt động sản xuất của dự án, lưu lượng xả thải sẽ tăng vọt từ 20 nghìn mét khối/ngày đêm lên 55 nghìn mét khối/ngày đêm. Những năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngọt chảy về ĐBSCL mùa khô năm 2019 – 2020 thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm. Nếu phải tiếp nhận lưu lượng nước xả thải lớn của nhà máy và nếu xảy ra sự cố về môi trường liên quan đến việc xử lý nước thải thì toàn bộ người dân ĐBSCL đều có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Tương tự, UBND tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh cũng đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét công khai số liệu quan trắc môi trường của dự án và khu vực xung quanh để cộng đồng dân cư cùng biết, cùng hiểu và cùng giám sát; tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường với ý kiến của ít nhất là 10 chuyên gia theo quy định tại Thông tư số 25/2919/TT-BTNMT.
Đã từng bị từ chối
Trong khi Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang cân nhắc việc chấp thuận cho Nhà máy Giấy Lee & Man nâng công suất thì ngày 20.7.2020, UBND tỉnh Sóc Trăng đã gửi Công văn số 1191/UBND-KT thẳng thắn hồi đáp: “Với trách nhiệm của cơ quan hành chính quản lý nhà nước tại địa phương, UBND tỉnh Sóc Trăng không đồng thuận với việc mở rộng quy mô công suất của dự án”.
Theo quy hoạch ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025, khu vực Tây Nam Bộ được quy hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy và bột giấy là 330 nghìn tấn/năm và giấy là 420 nghìn tấn/năm, do đó việc mở rộng công suất chưa phù hợp với quy hoạch. Khi nâng công suất, dự án nhập 1,32 triệu tấn giấy phế liệu/năm, như vậy sẽ làm tăng nhập khẩu giấy phế liệu.
Dựa trên bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, UBND tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra thêm nhiều ý kiến đóng góp và phản biện. Đây là cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trong tình huống xấu nhất, nếu sự cố xảy ra sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân và dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo tính toán, nếu hệ thống xử lý nước thải vận hành thuận lợi thì mỗi ngày sông Hậu sẽ phải tiếp nhận gần 50 nghìn mét khối nước thải từ nhà máy, trong trường hợp phát sinh sự cố hoặc bể chứa nước thải của nhà máy bị rò rỉ nước thải sẽ tràn trực tiếp xuống sông Hậu. Ước tính, nếu bị rò rỉ nước thải chưa qua xử lý trong 24 giờ sẽ ảnh hưởng đến 600ha rừng ngập mặn và trên 4.000ha đất nuôi trồng thủy hải sản.
Về không khí và chất thải rắn, lượng tro bay hơn 17 nghìn tấn/tháng, lượng tro xỉ khoảng 3,8 nghìn tấn/tháng mà chủ dự án chưa đánh giá, dự báo việc phát tán tro bụi tới các vùng lân cận cũng chưa cụ thể việc lưu chứa và xử lý lượng tro xỉ. Khi tăng năng suất, nhà máy phải tăng công suất nhiệt điện than dẫn đến việc phát thải các hạt bụi, khí thải độc hại khác vào không khí. Việc tăng sự phơi nhiễm các vi hạt này sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp cho cộng đồng dân cư sinh sống trong những vùng lân cận.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, sau khi nhận được ý kiến phản hồi từ UBND các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và TP Cần Thơ, Sở đang tiến hành tổng hợp các ý kiến và trình lên UBND tỉnh Hậu Giang để xem xét, quyết định.
Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam vận hành năm 2017 và trong quá trình vận hành bị người dân địa phương nhiều lần phản ứng về vấn đề môi trường. Năm 2019, tỉnh Hậu Giang đã đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cho nhà máy nâng công suất từ 420 nghìn tấn/năm lên 1,42 triệu tấn/năm, tuy nhiên Bộ đã bác đề xuất này.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho rằng, ngành sản xuất giấy cần được kiểm soát chặt chẽ về môi trường. Ở trường hợp này, Hậu Giang đề xuất nâng công suất của nhà máy gấp hơn ba lần công suất cũ, vì vậy càng phải được xem xét cẩn trọng, chặt chẽ hơn. Một trong những điều kiện mà Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu địa phương, doanh nghiệp hoàn thiện trong hồ sơ đề xuất nâng công suất là phải lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là cộng đồng dân cư sống quanh khu vực nhà máy này.