Công an Nghệ An vừa “đột kích” vào khu vực khai thác đá trắng trái phép ở núi Phá Cụm, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bắt quả tang hàng chục đối tượng đang khai thác đá trắng trái phép, thu giữ nhiều máy móc, thiết bị khai thác hiện đại cùng 1.200 m3 đá trắng mà các đối tượng chưa kịp tẩu tán.
Đường vào mỏ đá trắng không mấy khó khăn, từ quốc lộ 48C (ngã ba Châu Lộc), rẽ vào tỉnh lộ 532 đi qua UBND xã Châu Lộc một đoạn là lên khu mỏ đá trắng Phá Cụm. Dọc đường vào, chúng tôi bắt gặp những chiếc xe “hổ vồ” chất đầy đá trở ra. Những xe vận chuyển khoáng sản quá tải trọng, nên con đường tỉnh lộ 532 là tuyến liên xã đã được rải nhựa nhưng đã bị hư hỏng nặng. Trên tuyến đường độc đạo vào mỏ có một cổng sắt khá lớn để kiểm soát ngăn không cho người lạ ra, vào công trường.
Tại đại công trường khai thác đá trắng lậu giữa “thanh thiên bạch nhật”, lúc lực lượng công an ập vào đã bắt quả tang 23 người đang có hành vi sử dụng các phương tiện, máy móc khai thác đá trái phép tại khu vực núi Phá Cụm. Lực lượng chức năng tạm giữ năm máy xúc đào, một xe ô-tô tải, sáu máy cắt đá (loại máy cắt dây), hai máy làm hơi, hai máy khoan đứng.
Tiến hành xác minh, cơ quan chức năng xác định đối tượng Trần Văn Bảy, trú tại xóm Minh Hợp, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp là người tổ chức việc khai thác khoáng sản trái phép tại địa điểm nêu trên. Số khoáng sản (đá hoa trắng) các loại bị khai thác trái phép có khối lượng 1.200 m3. Đây là một trong những vụ khai thác khoáng sản trái phép bị phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng nhất, thu được số lượng tang vật nhiều nhất ở tỉnh Nghệ An từ trước đến nay.
Quan sát cho thấy, khác với khai khác đá vật liệu xây dựng là moi hàm ếch, thì ở đây với các máy khai thác hiện đại, được thực hiện cắt ngọn từ trên xuống, cắt theo từng tầng, khoảng 3 – 5 m/tầng. Tại mặt bằng tầng vừa khai thác xong rộng cỡ như sân bóng mi-ni, những khối đá trắng tang vật cỡ 3 – 5 m3 chưa kịp tẩu tán nằm lăn lóc một góc đã được công an đánh số thứ tự.
Hiện toàn bộ khu vực khai thác trái phép này đang được lực lượng cơ động, Công an tỉnh Nghệ An canh phòng nghiêm ngặt. Bên cạnh công trường khai thác này, nằm dưới thấp là một dãy nhà lợp tôn, tường gạch kiên cố rộng hàng trăm mét vuông vừa làm nơi ăn, sinh hoạt, nghỉ ngơi của hàng chục công nhân, cũng là kho tập kết vật tư, xăng dầu phục vụ việc khai thác mỏ.
Nhìn vào hiện trường khu mỏ này, chúng tôi cứ ngỡ là mỏ được cấp phép, chứ không phải hoạt động khai thác lén lút, trái phép như thường thấy. Một thợ mỏ đá lâu năm, cho biết, căn cứ vào khai trường rộng lớn này cùng với lượng đá hàng trăm mét khối đã khai thác, chứng tỏ mỏ này đã khai thác trong thời gian khá lâu.
Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Hợp, vị trí khai thác đá trái phép trước đây là khu vực mỏ đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Thanh Thủy, có diện tích 6,99 ha và thời hạn cấp phép là 5 năm (đến ngày 6/3/2014). Tuy nhiên, sau khi được cấp phép, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra và có Kết luận số 128/KL-TTCP ngày 20/1/2010 về việc xử lý sau thanh tra việc quản lý và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ngày 19/3/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định đình chỉ 54 điểm mỏ đã được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó có mỏ của Công ty TNHH Thanh Thủy. Từ đó cho đến nay, cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa cấp phép mới cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào khai thác đá tại vị trí này.
Sau khi bị đình chỉ, huyện Quỳ Hợp xác định đây là điểm mỏ có nguy cơ khai thác trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương. Cũng theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Hợp và UBND xã Châu Lộc, tại đây vẫn xảy ra khai thác trái phép và hầu như năm nào địa phương cũng kiểm tra xử phạt hành chính các đối tượng liên quan. Nhưng xem ra việc xử phạt chưa thật nghiêm minh, chưa xử lý rốt ráo, dứt điểm để làm gương cho những đối tượng khác…
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Hợp, ngày 18/6, đoàn liên ngành của UBND huyện đã vào điểm mỏ kiểm tra ghi nhận 20 m3 đá khối và 100 m3 đá hộc đã khai thác từ trước và một máy xúc, một lán trại xây gạch bao quanh. Đoàn liên ngành đã yêu cầu dừng các hoạt động khai thác đá trái phép, đưa toàn bộ máy móc ra khỏi hiện trường.
Đoàn cũng giao nhiệm vụ cho UBND xã Châu Lộc giám sát hoạt động khai thác đá trái phép tại đây. Tại thời điểm đó, đoàn liên ngành lập biên bản để xử lý đối tượng Lê Hùng Cường, thì hôm sau (19/6), xóm của Cường bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 nên chưa kịp hoàn thiện hồ sơ.
Chủ tịch UBND xã Châu Lộc, Vy Văn Hùng cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, chính quyền địa phương và người dân đã phát hiện có một số đối tượng nhiều lần đưa máy móc vào khai thác đá trái phép tại núi đá Phá Cụm, xóm Kèn. Xã đã mời đối tượng lên xử phạt và yêu cầu đưa máy móc ra khỏi khu vực khai thác. Chủ tịch xã Châu Lộc còn cho biết, sau mỗi lần kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là những trường hợp khai thác vượt thẩm quyền, xã đều gửi các báo cáo lên cấp trên để có hướng chỉ đạo.
Khi được hỏi, ông Trần Văn Bảy khai thác đá từ thời điểm nào? UBND xã biết và có xử lý hay không? Chủ tịch UBND xã Châu Lộc nhớ lại: Ông Bảy vào khai thác từ khoảng tháng 2/2021; chúng tôi xử lý vào hôm 29/3/2021, xử phạt 4 triệu đồng về hành vi “khai thác trái phép”, sau đó chúng tôi đã báo lên huyện. Ngày 18/6 đoàn của huyện xuống xử lý thì ngày 19/6, xóm của đối tượng khai thác đá bị phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19.
Hoạt động khai thác đá có thể diễn ra trong thời gian bị phong tỏa, khó quản lý. Cùng thời điểm đó, chính quyền địa phương tập trung công việc chỉ đạo khu cách ly tập trung ở Trường tiểu học xã, không đi đâu được. Chủ tịch xã Châu Lộc Vi Văn Hùng cũng nhận trách nhiệm về công tác giám sát theo biên bản làm việc ngày 18/6 của đoàn liên ngành huyện Quỳ Hợp.
Theo lý giải của Chủ tịch UBND xã Châu Lộc cũng như báo cáo của UBND huyện Quỳ Hợp, thì việc khai thác đá trái phép của ông Trần Văn Bảy ở núi Phá Củng đã được cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng các đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để hoạt động khai thác đá trái phép.
Nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu những lý giải này có phù hợp với hiện trường vụ khai thác trái phép khoáng sản hay chưa? Bởi, trong một thời gian ngắn, làm sao tại hiện trường có nhà ở cho công nhân được xây dựng hàng trăm mét vuông một cách kiên cố. Công trường khai thác đá hàng nghìn mét vuông, việc khai thác đá được phân tầng rất quy mô với nhiều máy móc hiện đại và đặc biệt là có khoảng 1.200 m3 đá trắng tang vật được khai thác…?
Trong báo cáo vụ việc gửi lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Tùng cho rằng, nguyên nhân để xảy ra vụ việc khai thác đá trắng trái phép nêu trên là do lực lượng kiểm tra mỏng, quản lý nhiều mỏ khoáng sản, địa bàn phức tạp; lại xảy ra lúc một số địa phương trong huyện (trong đó có xã Châu Lộc) phải cách ly để phòng, chống dịch Covid-19. Báo cáo cũng cho rằng, hoạt động khai thác trái phép của một số đối tượng khá tinh vi, phức tạp, thường cử người theo dõi, dùng ô-tô tải trọng lớn chặn đường, khóa cổng không cho đoàn công tác vào mỏ hay tháo ắc-quy làm chết máy, tẩu tán tang vật, phương tiện, bỏ trốn khỏi khu vực mỏ để chống chế khi có đoàn đến kiểm tra…
Dù nguyên nhân nào thì mỏ đá trắng đã bị khai thác một cách “vô tư” với quy mô lớn giữa thanh thiên bạch nhật là một câu hỏi lớn dành cho chính quyền và cơ quan chức năng các cấp về sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên mỏ đá trắng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Rất cần cơ quan chức năng ở tỉnh Nghệ An điều tra làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc.
Ngày 23/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Trần Văn Bảy về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự.