NGÀY LÀM VIỆC THỨ 14, KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021

Cập nhật: 12/11/2020 09:50

Quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021. Ảnh: QUANG KHÁNH

Ngày 11-11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua việc bổ sung nội dung vào kỳ họp thứ 10, với 88,8% số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành.

QH cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 với 89,21% số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành.

Nghị quyết nêu rõ: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, bầu cử QH khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp; là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 theo Nghị quyết của Ðảng, QH. Mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 là: Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế…

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ: Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đối với đồng chí Chu Ngọc Anh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với đồng chí Lê Minh Hưng.

Sau đó, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Ðề cập dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) và một số đại biểu đồng tình với việc phải sửa Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mặc dù dự thảo luật này được sửa đổi bổ sung, song còn những vấn đề cần phải điều chỉnh. Trong đó, việc lập mạng lưới quy hoạch giao thông phải bảo đảm phù hợp phương án giao thông vận tải dài hạn; Nhà nước phải định hướng cho thị trường giao thông vận tải phát triển, cạnh tranh lành mạnh; hoạt động vận tải phải đưa vào quy hoạch chặt chẽ. Hơn nữa, việc hướng dẫn tổ chức giao thông rất quan trọng, song trong dự thảo Luật này lại chưa đề cập. Do vậy, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định, hướng dẫn tổ chức giao thông bảo đảm chặt chẽ, nên để Bộ Giao thông vận tải quy định thống nhất trong toàn quốc.

Ðề cập Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, một số đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật này có điểm mới là quy định giao cho lực lượng công an giao thông một số quyền hạn nhất định. Bên cạnh đó, hiện nay, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, xe kinh doanh vận tải, tình trạng xe dù, bến cóc xuất hiện, gây lộn xộn, bát nháo trong thị trường vận tải; các vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc ngày càng diễn biến phức tạp… Do vậy, Luật cần bổ sung thiết chế quản lý bảo đảm an toàn giao thông, như: quy định xử phạt nguội; công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt các vi phạm trật tự an toàn giao thông…

Biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam

Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH đã tiến hành công tác nhân sự. Sau khi nghe Báo cáo kết quả thảo luận ở Ðoàn, nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH về đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đối với đồng chí Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với đồng chí Lê Minh Hưng, QH đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với hai thành viên Chính phủ nêu trên bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, thay mặt QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ của đồng chí Chu Ngọc Anh và đồng chí Lê Minh Hưng trong nhiệm kỳ qua. Tin tưởng rằng, hai đồng chí sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mới theo phân công.

Liên quan công tác nhân sự, trong phiên làm việc tại hội trường, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự đối với các chức vụ: Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, đồng chí Huỳnh Thành Ðạt, Giám đốc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được giới thiệu giữ chức Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; đồng chí Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế được giới thiệu giữ chức Bộ trưởng Y tế; đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giới thiệu giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chiều cùng ngày, QH biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam với 456 đại biểu tán thành (chiếm 94,61% tổng số đại biểu QH).

theo PV – Báo nhân dân điện tử

Tin liên quan