Nguy cơ tái diễn ùn tắc đăng kiểm tại hàng loạt địa phương

Cập nhật: 20/10/2023 08:21

Thời gian qua, hàng loạt trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động, hơn 800 đăng kiểm viên bị khởi tố, bỏ việc và cho dù thời điểm hiện tại, lực lượng đã được bổ sung nhưng vẫn thiếu hụt rất lớn. Do đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cảnh báo, nếu không có các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, nguy cơ tái diễn ùn tắc đăng kiểm xe cơ giới chắc chắn sẽ xảy ra tại hàng loạt địa phương dịp cuối năm nay và đầu tháng 7/2024.

Kiểm định phương tiện tại một trung tâm đăng kiểm.

Kiểm định phương tiện tại một trung tâm đăng kiểm.

Chiều 19/10, Cục Đăng kiểm Việt Nam họp với các địa phương, đơn vị liên quan nhằm đánh giá tình hình hoạt động kiểm định phương tiện, đề xuất các giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc kiểm định những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024…

Gần một nửa địa phương trong diện “báo động đỏ”

Theo đánh giá của Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng, sau gần 5 tháng triển khai Nghị định 30/2023/NĐ-CP, công tác kiểm định xe cơ giới cơ bản ổn định, không còn tình trạng ùn tắc, đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, cả nước có 271/288 (chiếm khoảng 95%) trung tâm đăng kiểm (với số dây chuyền đã được đầu tư là 510/536 dây chuyền, chiếm 95,15%) nhưng thực tế mới có 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động, chiếm 81,16%.

Thời gian vừa qua, Cục đã rà soát, nghiên cứu, đánh giá số liệu cụ thể nhu cầu kiểm định xe của người dân ở các tỉnh, thành phố cũng như khả năng đáp ứng ở từng trung tâm đăng kiểm. Qua đó cho thấy, trong thời gian tới, nếu không chuẩn bị tốt, tình trạng ùn tắc có thể tiếp tục xảy ra.

Ngoài ra, khoảng 700 đăng kiểm viên tại các trung tâm đã bị khởi tố. Với những đăng kiểm viên này, thời gian tới, khi vụ án được đưa ra xét xử, có bản án do vi phạm quy định liên quan lĩnh vực kiểm định thì Cục sẽ buộc phải thu hồi chứng chỉ (theo khoản 16, Điều 1, Nghị định số 30/2023/NĐ-CP).

“Với 300 đăng kiểm viên bị khởi tố được tại ngoại đang được phép tham gia hỗ trợ kiểm định tại 81 đơn vị đăng kiểm ở 31 địa phương, khi đưa ra xét xử, sẽ có 21 trung tâm tại 9 địa phương bị dừng hoạt động (Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hưng Yên, Nghệ An và Thái Nguyên); một số tỉnh, thành phố không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An”, Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng cho biết.

Chưa kể, theo quy định tại khoản 10, Điều 1, Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, trường hợp trung tâm có từ hai đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong ba tháng. Như vậy, 69 trung tâm tại 24 tỉnh, thành phố buộc phải tạm dừng hoạt động và sẽ ùn tắc phương tiện đến kiểm định nếu không có phương án chủ động sắp xếp.

Thời gian vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã rà soát, nghiên cứu, đánh giá số liệu cụ thể nhu cầu kiểm định xe của người dân ở các tỉnh, thành phố cũng như khả năng đáp ứng ở từng trung tâm đăng kiểm. Qua đó cho thấy, trong thời gian tới, nếu không chuẩn bị tốt, tình trạng ùn tắc có thể tiếp tục xảy ra.

Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An cho biết, cả nước hiện có 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động, vẫn còn 17 trung tâm và 103 dây chuyền dừng hoạt động, công suất phục vụ số phương tiện đến kiểm định trung bình đạt tối thiểu 626.400 phương tiện/tháng.

Trong khi đó, lượng phương tiện kiểm định tháng cao nhất thời gian tới (tháng 7/2024) là hơn 503 nghìn. Với năng lực kiểm định hiện có, về lý thuyết, hệ thống đăng kiểm hoàn toàn đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp trên cả nước.

Tuy nhiên, do việc phân bố mật độ các trung tâm không đồng đều, dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa cho nên dự báo khi các phương tiện tự động gia hạn kiểm định theo chu kỳ mới, cùng với lượng phương tiện tạm dừng hoạt động trước đây thực hiện kiểm định trở lại, sẽ khiến tình trạng ùn tắc có nguy cơ tái diễn trầm trọng tại 11 địa phương, gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế và Trà Vinh.

Rà soát các trường hợp, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định, cả nước có 31 tỉnh, thành phố nguy cơ bị ùn tắc kiểm định gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Hòa Bình,…

Trong đó, một số tỉnh không còn trung tâm đăng kiểm để hoạt động như Bắc Kạn, Hòa Bình và Thái Bình.

Nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định tại 31 địa phương nêu trên thậm chí có thể lan ra nhiều nơi khác do phương tiện ở các địa phương bị ùn tắc di chuyển đến địa phương không bị ùn tắc để kiểm định, đơn cử tại một số địa phương như: Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái,… thời gian vừa qua.

Kiến nghị “nới” một số điều kiện

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, mặc dù Cục liên tục tổ chức các đợt đánh giá, tổ chức tập huấn nghiệp vụ (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, đánh giá ngoài giờ vào buổi tối) cho học viên mới, nhưng năm nay, cả hệ thống chỉ bổ sung được khoảng 300 đăng kiểm viên mới.

Từ tháng 5/2024 tới đây, mới có thể có thêm đăng kiểm viên mới khác (mỗi tháng dự kiến có thêm khoảng 50 học viên đủ điều kiện), đến hết năm 2024 và đầu năm 2025 mới có khoảng 650 đăng kiểm viên mới được công nhận, chưa đủ bù đắp số lượng thiếu hụt thời gian qua (khoảng 700 người).

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn nhận, với số lượng lớn đăng kiểm viên sai phạm bị đưa ra xét xử thời gian tới, sẽ có nhiều địa phương không thể đáp ứng nhu cầu, trong khi việc đào tạo bổ sung lực lượng đòi hỏi phải có thời gian do tính chất đặc thù của lĩnh vực đăng kiểm.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn nhận, với số lượng lớn đăng kiểm viên sai phạm bị đưa ra xét xử thời gian tới, sẽ có nhiều địa phương không thể đáp ứng nhu cầu, trong khi việc đào tạo bổ sung lực lượng đòi hỏi phải có thời gian do tính chất đặc thù của lĩnh vực đăng kiểm.

“Do đó, để hạn chế thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội và giúp các đăng kiểm viên mắc lỗi nhẹ có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, lấy công chuộc tội, tiếp tục phục vụ cho lĩnh vực đăng kiểm, đồng thời, để tháo gỡ khó khăn về nguồn thu cho các trung tâm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép các trung tâm có từ hai đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên phải tạm đình chỉ trong thời gian ba tháng được tiếp tục hoạt động kiểm định lại ngay (nếu đánh giá đạt yêu cầu). Bên cạnh đó, cho phép Cục chưa thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và cho phép các đăng kiểm viên được hưởng án treo tiếp tục làm việc, không bị nghiêm cấm hành nghề”, ông Nguyễn Tô An kiến nghị.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nêu quan điểm, giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới chưa được điều chỉnh trong suốt 10 năm qua, lại phát sinh thêm chi phí kiểm định, hiệu chỉnh cần thiết.

Các trung tâm đang chịu tác động của việc giảm sản lượng do chính sách miễn giảm kiểm định lần đầu, giãn chu kỳ kiểm định và tự động áp dụng chu kỳ kiểm định mới cho một số nhóm đối tượng phương tiện nên hầu hết các trung tâm đều gặp khó khăn về tài chính.

Vì vậy, Hiệp hội cũng như các địa phương, đơn vị đều thống nhất kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định cho phép Bộ Giao thông vận tải ban hành giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành theo hình thức giá tối đa. Trên cơ sở đó, Bộ sớm ban hành thông tư điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành.

Tin liên quan