Nhận diện các sai sót trong quyết định giám đốc thẩm đối với các vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc

Cập nhật: 26/11/2023 19:29

Tội “Đánh bạc” quy định tại Điều 321, tội “Tổ chức đánh bạc” tại Điều 322, Bộ luật Hình sự, đây là hai tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng, thực tiễn giải quyết các vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc trong thời gian qua vẫn còn tồn tại các sai sót dẫn đến vụ án bị hủy, qua nghiên cứu quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (HĐTPTANDTC) trong những năm qua nhận thấy một số sai sót trong các vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc bị hủy.

Ảnh minh họa.

Cụ thể bao gồm:

Thứ nhất: Không căn cứ vào số tiền các bị cáo sử dụng đánh bạc cùng đồng phạm trong từng lần vào mục đích đánh bạc để quyết định hình phạt

Theo quy định tại Điều 321, Bộ luật Hình sự tội “Đánh bạc” thì căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đó là số tiền các bị cáo sử dụng vào mục đích đánh bạc theo đó điều xác định số tiền để làm căn cứ định tội và định khung hình phạt, từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thuộc khoản 1 và trên 50.000.000 đồng thuộc khoản 2 và nếu số tiền đánh bạc dưới 5.000.000 đồng thì xác định tiền án, tiền sự để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự. Như vậy, khi quyết định hình hình phạt việc căn cứ vào nhân thân và số tiền các bị cáo sử dụng vào mục đích đánh bạc là rất quan trọng nhưng trong thực tiễn có nhiều trường hợp Tòa án không căn cứ vào hai vấn đề này dẫn đến vụ án bị hủy.

Ví dụ: Tại Quyết định số: 03/2021/HS – GĐT ngày 22/01/2021 của HĐTPTANDTC đối với các bị cáo Nguyễn Thế Đông, Dương Minh Thư, Nguyễn Văn Ngọc, Chử Ngọc Nam và Trần Văn Thiện bị Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án về tội “Đánh bạc” theo điểm b, khoản 2, Điều 321, Bộ luật Hình sự. Quyết định giám đốc thẩm nhận định:

Các bị cáo Nguyễn Thế Đông, Dương Minh Thư, Nguyễn Văn Ngọc, Chử Ngọc Nam và Trần Văn Thiện có hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điểm r (người phạm tội tự thú) và điểm s (người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải) khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự và có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm g (phạm tội 02 lần trở lên) khoản 1, Điều 52, Bộ luật Hình sự. Các bị cáo tham gia đánh bạc với số tiền bị thu giữ trên chiếu bạc rất lớn, hành vi phạm tội của các bị cáo ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào số tiền các bị cáo đã sử dụng trong các lần để đánh bạc mà không xem xét số tiền các bị cáo bị quy kết tham gia đánh bạc cùng đồng phạm trong từng lần nêu trên là đánh giá chưa đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của các bị cáo này. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm cho các bị cáo Nguyễn Thế Đông, Dương Minh Thư, Nguyễn Văn Ngọc và Chử Ngọc Nam được hưởng án treo là không đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của HĐTPTANDTC.

Thứ hai: Không căn cứ nhân thân bị cáo để quyết định hình phạt

Như đã phân tích ở trên đối với tội “Đánh bạc” ngoài định lượng số tiền 5.000.000 đồng trở lên làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự thì đối với hành vi đánh bạc dưới 5.000.000 đồng thì căn cứ vào tiền án, tiền sự của người đánh bạc để xử lý trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt. Tuy nhiên, thực tiễn có vụ án không đánh bạc không căn cứ vào tiền án, tiền sự của bị cáo để quyết định hình phạt.

Ví dụ: Quyết định giám đốc thẩm số: 01/2018/HS-GĐT Ngày 14 tháng 3 năm 2018 Ngày 24/5/2015, đối với bị cáo Đinh Văn Đoàn phạm tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự. Nhận định của Quyết định:

Đinh Văn Đoán đánh bạc với số tiền dưới 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, trước đó ngày 15/4/2014, Đinh Văn Đoán đã bị Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình xử phạt 01 năm tù về tội “Đánh bạc” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm. Bị cáo phạm tội lần này đang trong thời gian thử thách. Theo quy định tại khoản 3, Điều 7; Điều 321, Bộ luật Hình sự năm 2015 và Điều 3, Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của HĐTPTANDTC, thì Đinh Văn Đoán không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi đánh bạc trái phép ngày 24/5/2015.

Thứ ba: Bỏ lọt người phạm tội.

Điểm chung của các vụ án đánh bạc bị hủy trong trường hợp này là các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đủ để chứng minh ngoài bị cáo, còn có một hoặc nhiều người khác cùng tham gia thực hiện hành vi đánh bạc nhưng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm và phúc thẩm không phát hiện ra hoặc phát hiện nhưng không đề cập, truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng này.

Ví dụ: Quyết định giám đốc thẩm số: 30/2021/HS-GĐT ngày 24/6 năm 2021 đối với các bị cáo Võ Sỹ Quyết, Phạm Văn Tính, Nguyễn Văn Giang, Lê Văn Linh, Nguyễn Trung Thành về tội “Đánh bạc” theo khoản 1, Điều 321, Bộ luật Hình sự, nhận định:

Về tội “Tổ chức đánh bạc”: Bị cáo Lê Sỹ Thắng đã chia tài khoản tổng thành các tài khoản nhỏ, cùng với bị cáo Võ Sỹ Quyết quản lý và giao cho các bị cáo khác để thực hiện việc cá cược. Quá trình điều tra đã chứng minh được, có nhiều trận bóng con bạc cá cược với số tiền trên 20.000.000 đồng tại tài khoản mình được giao. Như vậy, việc các bị cáo Thắng, Quyết nhận tài khoản tổng về giao lại cho người khác thực hiện hành vi cá cược bóng đá trên mạng với số tiền cá cược trong cùng một trận trên 20.000.000 đồng đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tổ chức đánh bạc” theo Điều 322, Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng không truy tố, xét xử các bị cáo Lê Sỹ Thắng và Võ Sỹ Quyết về tội “Tổ chức đánh bạc” là bỏ lọt hành vi phạm tội.

Thứ tư: Xác định không đúng khung phạt

Đặc điểm chung của các vụ án đánh bạc có sai sót nghiêm trọng trong việc xác định tình tiết định khung hình phạt là: Thực chất hành vi phạm tội của bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khung hình phạt nặng hơn, nhưng do cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đánh giá không chính xác, thiếu toàn diện các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án; đánh giá không đúng tính chất của hành vi phạm tội; thiếu sót trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, dẫn đến đánh giá các tình tiết khách quan không chính xác, không đảm bảo toàn diện, nên đã kết án các bị cáo ở khung hình phạt nhẹ hơn, khiến việc giải quyết vụ án không triệt để, không đúng quy định của pháp luật, quyết định của Tòa án về mức độ trách nhiệm hình sự.

Đối với tội “Đánh bạc” thì ngoài việc xác định tình tiết phạm tội chuyên nghiệp và số tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc thì đối với tình tiết Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội được hướng dẫn tại Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018 về áp dụng điểm c, khoản 2, Điều 321 và điểm c khoản 2, Điều 322 của Bộ luật Hình sự do TAND Tối cao ban hành có quy định như sau:

“Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 321 và điểm c, khoản 2, Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc).

Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber…. để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa…) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự”.

Ví dụ: Quyết định giám đốc thẩm số: 33/2021/HS-GĐT Ngày 24/6/2021 đối với các bị cáo Nguyễn Đậu Hoàng Giang, Đỗ Tuấn, Đặng Hoài Phương, Hồ Trí Cường, Nguyễn Kim Điền, Trần Thanh Dũng, Nguyễn Duy Hải, Đào Minh Phú, Nguyễn Chí về tội “Đánh bạc” theo quy định tại khoản 1, Điều 321, Bộ luật Hình sự, nhận định:

Trong vụ án này, tổng số tiền các bị cáo dùng để đánh bạc là trên 50.000.000 đồng; đồng thời, các bị cáo đã sử dụng tài khoản trên nền tảng Internet để thực hiện việc đánh bạc (cá độ bóng đá). Do đó, cần áp dụng các điểm b; c, khoản 2, Điều 321, Bộ luật Hình sự để xử lý các bị cáo. Việc cấp sơ thẩm truy tố, xét xử các bị cáo theo khoản 1, Điều 321, Bộ luật Hình sự là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Thứ năm: Áp dụng không đúng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Sai sót phổ biến trong các vụ án đánh bạc khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đó là bị cáo nộp tiền thu lợi bất chính nhưng xác định là tình tiết quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51, áp dụng tình tiết tự thú không đúng, sử dụng tình tiết định tội và tình tiết định khung hình phạt.

Ví dụ: Quyết định giám đốc thẩm số: 21/2020/HS-GĐT ngày 10 tháng 12 năm 2020 đối với các bị cáo Trương Minh Quang, Tôn Thất Có và Lê Ngọc Quang về các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc”; kết án Hồ Đắc Thanh về tội “Đánh bạc” theo quy định tại Điều 321 và Điều 322, Bộ luật Hình sự năm 2015, nhận định:

– Áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các bị cáo Tôn Thất Có, Lê Ngọc Quang và Hồ Đắc Thanh (ngoài ra, còn áp dụng đối với một số bị 09 cáo khác nhưng không có kháng cáo, kháng nghị) là không đúng vì việc các bị cáo nộp tiền thu lợi bất chính chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015.

– Áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự thú” theo quy định tại điểm r, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các bị cáo Trương Minh Quang, Tôn Thất Có, Lê Ngọc Quang và Hồ Đắc Thanh là không đúng pháp luật. Bởi lẽ, các bị cáo này đều bị bắt theo Lệnh bắt khẩn cấp về hành vi sử dụng mạng Internet để đánh bạc. Hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc của các bị cáo là một chuỗi hành vi được thực hiện đan xen, không phải độc lập, việc các bị cáo khai báo về hành vi đánh bạc chỉ là tình tiết thành khẩn khai báo, không phải trường hợp tự thú.

Từ thực tiễn công tác, qua các quyết định giám đốc của HĐTPTANDTC về các vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc có thể nhận thấy đa số các vụ án sai sót là các vụ án bị cáo sử dụng mạng Internet, điện thoại thông minh để thực hiện hành vi phạm tội, vì vậy việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật và tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới hình thức nêu trên là cần thiết.

theo TRẦN VĂN HÙNG

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 4 – Báo Đại biểu nhân dân

https://lsvn.vn/nhan-dien-cac-sai-sot-trong-quyet-dinh-giam-doc-tham-doi-voi-cac-vu-an-danh-bac-to-chuc-danh-bac-1701015168.html

Tin liên quan

Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cập nhật: 10/11/2024 11:24