Ngày 20/4/2018, UBND huyện Đan Phượng có Quyết định Số 1683/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Mở đường từ Quán Đoài Khê đến đường N12. Hình thức cải tạo, nâng cấp, mở rộng; tổng chiều dài 472,13 m; bề rộng TB mặt đường 9 – 10 m.
Tổng mức đầu tư dự kiến gần 15 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp trên 7,7 tỷ đồng; chi phí GPMB trên 4,5 tỷ đồng; chi phí dự phòng trên 1,3 tỷ đồng và các chi phí khác. Nguồn vốn từ ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án do UBND xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện năm 2018 – 2020.
Ngày 01/6/2018, UBND huyện Đan Phượng có Quyết định số 2445/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình Mở đường từ Quán Đoài Khê đến đường N12. Loại cấp công trình giao thông cấp IV. Tổng mức đầu tư được rút xuống còn gần 13 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp trên 6,1 tỷ đồng; chi phí GPMB được nâng lên trên 5,3 tỷ đồng; chi phí dự phòng được rút xuống còn 691 triệu đồng và các chi phí khác. Thời gian thực hiện 2018 – 2020.
Dự án xây dựng ngay cổng trường học nhưng không có biển cảnh báo an toàn. Ảnh: TQ |
Mặc dù chưa hề có quyết định thu hồi đất, chưa bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị thu hồi đất cho dự án, chưa giải phóng mặt bằng… nhưng ngày 02/01/2020, chủ đầu tư đã đăng tin mời thầu gói thầu số 3 – toàn bộ chi phí xây dựng dự án. Cùng ngày, UBND xã Đan Phượng có Quyết định số 04/QĐ-UBND về việc phê duyệt Hồ sơ mời thầu Gói thầu số 3.
Ngày 03/02/2020, chủ đầu tư – UBND xã Đan Phượng ban hành Quyết định số 26/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 3. Công ty CP xây dựng và Thương mại dịch vụ Bằng Linh (176 phố Tây Sơn, Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) là đơn vị trúng thầu. Giá trúng thầu gói thầu số 3 là trên 6,4 tỷ đồng. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, dự toán được duyệt trên 6,1 tỷ đồng! Thời gian thi công 150 ngày.
Sau khi trúng thầu, nhà thầu đã triển khai thi công dự án. Để có mặt bằng thi công, chủ đầu tư và nhà thầu đã “tự ý” thu hồi của Trạm y tế xã 108m2 đất, lấy của trường học 139,9m2 đất. Hậu quả, hai đơn vị này phải đập tường bao xây lùi vào trong cho đơn vị thi công tiến hành các hạng mục xây dựng.
Trước đó, mặc dù chưa được duyệt phương án đền bù, hỗ trợ, song chủ đầu tư đã bắt người dân di dời 43 ngôi mộ trong chỉ giới của dự án.
Có mặt tại công trường vào ngày 02/6/2020, chúng tôi thấy, nhà thầu đang thi công dự án song không có biển báo chỉ dẫn dự án; không có cảnh báo an toàn tại các điểm đang thi công mặc dù đây là hai cơ sở luôn tập trung đông người, trong đó có hàng trăm em học trung học cơ sở.
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng thừa nhận, việc chưa có quyết định thu hồi đất, chưa giải phóng được mặt bằng mà chủ đầu tư đã mời thầu, ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu triển khai thực hiện dự án là trái quy định. “Việc chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện dự án khi chưa có quyết định thu hồi đất, khi chưa được bàn giao mặt bằng cũng chỉ là tranh thủ thời gian” – ông Thông nói.
Liệu chất lượng công trình có được bảo đảm? Ảnh: TQ |
Cũng theo ông Thông, chi phí cho công tác GPMB là trên 5,3 tỷ đồng. Việc GPMB gồm hai phần, phần thuộc đất công gồm trường học, Trạm y tế không mất đồng nào về đền bù đất. Phần nữa liên quan đến 6 hộ dân (trên thực tế tài liệu của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện chỉ thể hiện 4 hộ, với diện tích đất thu hồi 831,8m2). Điều ngạc nhiên ở chỗ, chùa Đông Khê bị thu hồi tới 80,3m2 nhưng lại không có tên trong phương án đền bù?
Trao đổi với PV về việc chi phí GPMB cho dự án, ông Nguyễn Quý Mạnh, GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng cho biết, theo số liệu thống kê, áp giá, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho dự án (cả chi phí thực hiện GPMB) chỉ hết 852,3 triệu đồng. Thế nhưng, dự toán kinh phí cho công tác GPMB được duyệt là trên 5,3 tỷ đồng?
Cũng theo ông Mạnh, đến nay Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng mới có Thông báo và Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ GPMB gửi đến cho 04 hộ dân trong diện GPMB cho dự án, chưa chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.
Việc UBND xã Đan Phượng triển khai thực hiện dự án có đúng với trình tự pháp luật; số tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho dự án là bao nhiêu; các chủ thể có đất bị thu hồi cho dự án có được đền bù đúng quy định; việc đầu thầu các gói thầu có tuân thủ Luật Đấu thầu hay không? Câu hỏi này xin được chuyển đến Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh.
theoTrần Quý – thanhtra.com.vn