Nhìn nhận và đánh giá lại các vụ án hình sự buôn bán ‘sách giả’ dưới góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ

Cập nhật: 26/04/2023 10:14

Trong thời gian gần đây, tình trạng vi phạm bản quyền đối với sách ngày một phổ biến và phức tạp hơn. Qua đó, các cơ quan điều tra tại nhiều địa phương khác nhau trên cả nước đã quyết định khởi tố nhiều vụ án hình sự liên quan đến hành vi buôn bán “sách giả” về tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo khoản 3, Điều 192 của Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc trong cách hiểu và việc áp dụng giữa tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo khoản 3, Điều 192 của Bộ luật Hình sự 2015 và “xâm phạm quyền tác giả” theo Điều 225 của Bộ luật Hình sự 2015. Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, ý chí soạn thảo các quy định pháp luật của các nhà lập pháp, cũng như thông qua các bản án hình sự đã giải quyết trong thời gian gần đây, đứng dưới góc độ pháp luật về quyền tác giả, như được trình bày bên dưới đây, việc áp dụng tội “Xâm phạm quyền tác giả” theo Điều 225 của Bộ luật Hình sự 2015 trong trường hợp trên sẽ phù hợp và thuyết phục hơn, thay vì tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo khoản 3, Điều 192 của Bộ luật Hình sự 2015.

Ảnh minh họa.

Theo một số bài báo trực tuyến được đăng tải trong thời gian gần đây, các cơ quan điều tra tại nhiều địa phương trên cả nước đã quyết định khởi tố các chủ thể có hành vi buôn bán sách được in lậu, in trái phép về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo khoản 3, Điều 192 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 do Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 (Bộ luật Hình sự 2015).[1]

Theo pháp luật hình sự, một chủ thể bị khởi tố, truy tố chỉ khi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, bao gồm: Chủ thể, chủ quan, khách thể và khách quan của tội phạm, cụ thể như sau:

  1. Mặt chủ thể và chủ quan của tội phạm

Trong cấu thành của tội phạm của tội “Buôn bán hàng giả” và tội “Xâm phạm quyền tác giả” có sự tương đồng về chủ thể tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm.

Theo đó, chủ thể tội phạm của các tội này phải thỏa mãn các điều kiện về năng lực hành vi hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời tội phạm phải thực hiện hành vi trên đây với lỗi cố ý, tức người phạm tội đã nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

  1. Mặt khách thể của tội phạm

Bộ luật Hình sự 2015 xác định tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” thuộc nhóm “các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại” tại Mục 1, Chương XVIII của Bộ luật Hình sự 2015.

Trong khi đó, khác với tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, Bộ luật Hình sự 2015 xác định tội “Xâm phạm quyền tác giả” thuộc nhóm “tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” đối với quyền sở hữu trí tuệ tại Mục 3, Chương XVIII của Bộ luật Hình sự 2015.

III. Mặt khách quan tội phạm

Nhằm phân biệt rõ ràng giữa mặt khách quan của hai tội danh “Buôn bán hàng giả” theo Điều 192 của Bộ luật Hình sự 2015 và tội “Xâm phạm quyền tác giả” theo Điều 225 của Bộ luật Hình sự 2015, chúng ta cần phải làm rõ và phân biệt được đối tượng và khái niệm “hàng giả” và “hàng hóa xâm phạm quyền tác giả” khác nhau như thế nào theo quy định pháp luật.

  1. Hàng giả

Điều 192 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng, hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, người đó sẽ bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 và các văn bản hướng dẫn chưa có bất kỳ quy định, giải thích, dẫn chiếu áp dụng quy định về “hàng giả”, “hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả”. Do vậy, để có thể nhận định và áp dụng phù hợp, các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng, dẫn chiếu quy định tương tự pháp luật chuyên ngành.

Khái niệm “hàng giả” hiện đang được quy định chính thức tại khoản 7, Điều 3 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 98), trong đó bao gồm:

“a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

  1. b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
  2. c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33, Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34, Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
  3. d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

  1. e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả”.

Tuy nhiên, danh mục được liệt kê trên đây hiện không còn quy định và liệt kê hàng giả bao gồm hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ hay hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Trên thực tế, trước khi có Nghị định 98, theo dòng chảy pháp luật trải qua gần 20 năm đến trước ngày 15/10/2020, các văn bản quy phạm pháp luật trước đây[2] đều quy định và liệt kê “hàng giả” bao gồm “hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ”. Trên thực tế, trong khoảng thời gian này, nhiều bản án hình sự đã được tuyên người phạm tội đối với tội danh “sản xuất, buôn bán hàng giả”.  Nguyên nhân dẫn đến trước hết một phần do các quy định pháp luật quy định trùng lắp, mâu thuẫn, cũng như sự tương đồng về hành vi phạm tội nên đã dẫn đến hành sự nhầm lẫn, khó phân biệt và định tội danh. Bởi lẽ đó, chúng ta có thể nhìn nhận và hiểu được lý do vì sao lại có cách hiểu “hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ” được xem là “hàng giả”.

Đến khi Nghị định 98 được ban hành thay thế cho Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ (Nghị định 185), Nghị định 98 đã không còn quy định về việc “hàng giả” bao gồm “hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ theo Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ”. Theo dự thảo góp ý điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 185, lý do về việc loại bỏ này nhằm tránh gây nhầm lẫn đối với quy định về hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ, bảo đảm thống nhất với các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự 2015.[3]

Do đó, chúng ta có cơ sở để hiểu được ý chí của nhà lập pháp khi xây dựng và ban hành Nghị Định 98 rằng trong trường hợp hàng hóa là hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ theo quy định của Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 do Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, như được sửa đổi, bổ sung tại từng thời điểm (Luật Sở hữu trí tuệ), các cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và các tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật hình sự để giải quyết, xử lý hành vi xâm phạm.

  1. Hàng giả mạo sở hữu trí tuệ và Sản phẩm xâm phạm quyền tác giả

Một trong những “hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ” bao gồm “hàng hóa sao chép lậu”, được quy định là các bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.[4]

Thêm vào đó, khi xét đến “hành vi xâm phạm quyền tác giả” theo pháp luật sở hữu trí tuệ, những sản phẩm khi có một trong các yếu tố xâm phạm thuộc trường hợp như: (a) “bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép”, hoặc (b) “phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép” đều sẽ được xem là “hàng hóa sao chép lậu” theo Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ, và cũng được xem là “sản phẩm xâm phạm quyền tác giả” theo khoản 1, Điều 7 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ (Nghị định 105).

Do vậy, trong trường hợp bất kỳ người nào có hành vi sao chép tác phẩm mà không được chấp thuận của chủ thể quyền tác giả nhằm tạo ra hàng hóa xâm phạm quyền tác giả hay tạo ra bản sao tác phẩm một cách trái phép, các hàng hóa này đều sẽ được xem là (a) “hàng hóa sao chép lậu” thuộc nhóm “hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ” theo khoản 4, Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ, và cũng là (b) “sản phẩm xâm phạm quyền tác giả” theo khoản 1, Điều 7 của Nghị định 105.

  1. Hành vi xâm phạm quyền tác giả

(a) Pháp luật hình sự

Điều 225 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội xâm phạm quyền tác giả là việc người không được phép của chủ thể quyền tác giả mà đã cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm (a) sao chép tác phẩm và (b) phân phối bản sao tác phẩm đến công chúng, người này sẽ bị xử lý về mặt hình sự. Theo đó, trong trường hợp bất kỳ người nào thực hiện những hành vi trên, nếu đủ cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý về mặt hình sự.

Tuy nhiên, pháp luật hình sự chưa có bất kỳ quy định nào làm rõ, giải thích về các hành vi xâm phạm trên và yếu tố xâm phạm hình thành nên hành vi xâm phạm quyền tác giả.  Do vậy, các vấn đề này, về nguyên tắc, sẽ được căn cứ, dẫn chiếu, và dựa theo pháp luật chuyên ngành sở hữu trí tuệ.

(b) Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, hoặc một số quy bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.[5] Trong đó, quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả trong đó bao gồm[6] (a) quyền thực hiện hành vi sao chép[7] trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào (trừ một số trường hợp ngoại trừ theo luật định) và (b) hành vi phân phối đến công chúng thông qua việc bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình.

Do vậy, trong trường hợp bất kỳ tổ chức, cá nhân nào xâm phạm đến quyền tài sản, các tổ chức, cá nhân này đều được xem là bên có hành vi xâm phạm quyền tác giả theo pháp luật sở hữu trí tuệ.[8] Tùy theo từng hành vi, mức độ xâm phạm, hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.[9] Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.[10]

Thêm vào đó, hành vi bị xem xét[11] được xem “hành vi xâm phạm quyền tác giả” theo Điều 28 của Luật Sở hữu trí tuệ phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Đối tượng bị xem xét[12] thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ;

– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam;

– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét. Trong đó, yếu tố xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng, trong đó có bao gồm:[13] Bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép hoặc tác phẩm phái sinh[14] được tạo ra một cách trái phép. Theo đó, sản phẩm có yếu tố xâm phạm thuộc một trong các dạng nêu trên đây cũng sẽ được xem là “sản phẩm xâm phạm quyền tác giả”.[15]

Do đó, trong trường hợp các chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm thỏa mãn, hội đủ các điều kiện nêu trên, thì hành vi xâm phạm này được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điều 28 của Luật Sở hữu trí tuệ.

(c) Dự thảo sửa đổi nghị định hướng dẫn về quyền tác giả đang được lấy ý kiến

Hiện tại, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang phối hợp lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, tổ chức nhằm sửa đổi, thay thế nghị định hướng dẫn về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả nhằm phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ vừa được sửa đổi, bổ sung năm 2022 (đã có hiệu lực 01/01/2023). Theo dự thảo hiện tại,[16] yếu tố xâm phạm quyền tác giả (sửa đổi, bổ sung Điều 7 của Nghị định 105) được dự kiến mở rộng thành nhiều dạng khác nhau và giải thích rõ đối với từng hành vi xâm phạm quyền tác giả, [17] trong đó quy định:

“1. Yếu tố xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

Xâm phạm quyền công bố tác phẩm: công bố tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu quyền tác giả; chiếm đoạt quyền tác giả;

Xâm phạm quyền sao chép tác phẩm: nhân bản, tạo bản sao tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật; sao chép phần tác phẩm, trích đoạn, lắp ghép mà không được phép của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 25 và Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

Xâm phạm quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng: Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao hữu hình tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có yếu tố xâm phạm quy định tại khoản này bị coi là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền tác giả;

  1. Để xác định một bản sao hoặc tác phẩm có phải là yếu tố xâm phạm quyền tác giả hay không, cần so sánh bản sao hoặc tác phẩm đó với bản gốc tác phẩm hoặc tác phẩm gốc. Bản sao tác phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm trong các trường hợp sau đây:
  2. a) Bản sao là bản sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm đang được bảo hộ của người khác;
  3. b) Tác phẩm (phần tác phẩm) là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm đang được bảo hộ của người khác;

c)…

  1. Sản phẩm có yếu tố xâm phạm quy định tại điểm g, khoản 1, Điều này bị coi là hàng hoá sao chép lậu theo quy định tại Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ”.

Dựa theo quy định dự thảo nêu trên, hành vi xâm phạm quyền tác giả, sản phẩm có yếu tố xâm phạm quyền tác giả đã được quy định khá chi tiết và cụ thể hơn.

Thông qua các văn bản quy phạm pháp luật đã và đang được sửa đổi, chúng ta có thể hiểu được rằng ý định, cách hiểu của các nhà lập pháp trong quá trình sửa đổi Nghị định 185 (đã phân tích tại phần trên) và hiện tại là Nghị định 105 đều có khuynh hướng xử lý theo các quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với các hành vi sao chép tác phẩm hay phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, thay vì xử lý theo các quy định về “sản xuất, buôn bán hàng giả”.

  1. Thực tiễn xét xử thông qua một số vụ án tiêu biểu và điển hình trong thời gian gần đây

Trong thời gian gần đây (2019-2022), một số bản án hình sự cũng đã được Tòa án có thẩm quyền tuyên liên quan đến tội phạm về hàng giả và tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể như sau:

  1. Vụ án thứ nhất: Bản án hình sự sơ thẩm số 104/2022/HS-ST ngày 19/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội liên quan đến tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 225 của Bộ luật Hình sự 2015[18].

Theo Bản án hình sự này, Hội đồng xét xử đã nhận định Đào Công L. đã phân phối (bán trái phép) bản sao video bài giảng thuộc sở hữu của Công ty TNHH Đ. cho 1279 người trên mạng xã hội, mà không được xin phép của chủ thể quyền liên quan là Công ty TNHH Đ. hoặc không có được sự ủy quyền của Công ty Cổ phần đào tạo trực tuyến U. (là bên được Công ty TNHH Đ. cấp phép độc quyền bán bài giảng). Do đó, Hội đồng xét xử đã quyết định hành vi của Đào Công L. đã phạm vào tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”, tội danh và hình phạt theo quy định của điểm c, khoản 2, Điều 225, Bộ luật Hình sự 2015.

Đây là một bản án hình sự đã được giải quyết liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả. Theo đó, hành vi sao chép bài giảng online để phân phối mà không phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ giải quyết theo các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, thay vì quy định về hàng giả.

  1. Vụ án thứ hai: Bản án hình sự sơ thẩm số 09/2019/HS-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh ngày 14/3/2019 liên quan đến tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.[19]

Bùi Thị Đ. đã thuê Công ty T. và Công ty Y. thực hiện một số hoạt động gia công linh kiện, in ấn để lắp ráp tạo ra thành phẩm là sản phẩm bút và thước kẻ mang dấu hiệu xâm phạm đến nhãn hiệu thuộc sở hữu của Công ty T.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, hành vi gia công, tàng trữ để bán hàng hóa trên là hành vi không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu, nên được xem là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã bảo hộ theo khoản 1, Điều 129 của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam nhận định hàng hóa bút, thước kẻ được xem là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ theo khoản 2, Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Viện Kiểm sát ban đầu đã truy tố Bùi Thị Đ. về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo điểm a, khoản 3, Điều 192 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, khi luận tội, Viện Kiểm sát đã thay đổi tội danh truy tố do Viện Kiểm sát đã căn cứ vào văn bản của Viện Khoa học hình sự giải thích kết luận giám định và được ghi nhận rằng, phần trăm chỉ tiêu chất lượng của bút và thước kẻ do Bùi Thị Đ. sản xuất so với các thông số, chỉ tiêu tại tiêu chuẩn cơ sở (của Công ty T. cung cấp) đều đạt thấp nhất là 72,5%, cao nhất là 100%. Các chỉ tiêu này đều cao hơn chỉ tiêu quy định tại hàng giả theo Nghị định 185 đang quy định hàng giả là hàng hóa có chất lượng đạt 70% trở xuống. Chính vì vậy, Viện Kiểm sát thay đổi tội danh từ “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo điểm a, khoản 3, Điều 192 của Bộ luật Hình sự sang tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo khoản 2, Điều 226 của Bộ luật Hình sự.

Theo đó, Hội Đồng xét xử cũng đã dựa trên văn bản của Viện Khoa học hình sự và kết hợp với điểm b, khoản 8, Điều 3 của Nghị định 185 quy định về hàng giả là hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa để quyết định rằng Bùi Thị Đ. xâm phạm “quyền sở hữu công nghiệp” theo khoản 2, Điều 226 của Bộ luật Hình sự.

Đây được xem là một bản án mà tác giả xem là tiêu biểu và điển hình trong thời gian gần đây mà Tòa án đã áp dụng cả quy định về hàng giả và quy định về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để nhận định, xem xét và quyết định đối với vụ án. Theo đó, việc phân định “hàng giả” hay “hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ” trên thực tế sẽ được phân định dựa trên định mức trên hoặc dưới 70% so với chỉ tiêu chất lượng hoặc quy chuẩn đã đăng ký, công bố áp dụng để đánh giá. Trong trường hợp hàng hóa được giám định hình sự vượt định mức 70% chỉ tiêu chất lượng hoặc quy chuẩn đã đăng ký, công bố áp dụng để đánh giá, hành vi của người phạm tội sẽ được quyết định là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

  1. Vụ án thứ ba: Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2022/HS-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh ngày 25/3/2022 liên quan đến tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp[20].

Chen Jin M. đã nhập và phân phối các hàng hóa bút mang dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu của Công ty Thiên Long và Công ty T., và dao cạo râu, lưỡi dao cạo râu mang dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu của Gillette, Bic, và Croma.

Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhận định hành vi mua bán, lưu thông, tàng trữ các sản phẩm trên không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu, là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ theo khoản 1, Điều 129 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự:

– Các hàng hóa là bút gắn nhãn hiệu của Công ty T. được thu giữ được kết luận là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nhưng do Công ty T. không cung cấp tiêu chuẩn chất lượng của các hàng hóa tương ứng nên cơ quan giám định không có cơ sở để kết luận về chỉ tiêu chất lượng.

– Các hàng hóa là dao cạo râu gắn nhãn hiệu của Gillette, Bic, Croma được kết luận là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Do tính chất bảo mật tiêu chuẩn chất lượng nên Gillette, Bic, Croma đã không cung cấp, theo đó cơ quan giám định không có cơ sở để kết luận về chỉ tiêu chất lượng.

– Các hàng hóa là bút gắn nhãn hiệu của Công ty Thiên Long đều là hàng giả mạo nhãn hiệu.  Chất lượng hàng hóa giả mạo từng loại so với tiêu chuẩn chất lượng của Công ty Thiên Long cung cấp đều đạt yêu cầu, một số chỉ tiêu khác đạt từ 83,3% đến 93,3%.

Dựa trên quan điểm của Cục Sở hữu trí tuệ và kết luận giám định hình sự, Hội đồng xét xử đã nhận định, quyết định Chen Jin M. về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo điểm đ, khoản 2, Điều 226 của Bộ luật Hình sự 2015.

Bản án thứ ba này cũng khá tương tự với Bản án số 2 trên đây và cũng được tác giả xem là tiêu biểu và điển hình khi các cơ quan điều tra, cơ quan giám định hình sự đều đánh giá chỉ tiêu chất lượng nhằm xác định “hàng giả”.  Điều đặc biệt và lưu ý đã được rút ra trong bản án này là trong trường hợp (a) hàng hóa đã vượt mức 70% so với chỉ tiêu chất lượng hoặc quy chuẩn đã đăng ký, công bố áp dụng để đánh giá, thì sẽ khẳng định luôn là hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, và (b) trong trường hợp hàng hóa không có tiêu chuẩn chất lượng hoặc các chỉ tiêu, tiêu chuẩn chất lượng không được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ/nhà sản xuất/bên bị xâm phạm cung cấp, các cơ quan có thẩm quyền cũng không thể kết luận hoặc Tòa án sẽ không quyết định đây là hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, mà phải kết luận là hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

  1. Kết luận

Hiện tại, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành và ý chí của các nhà lập pháp khi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định pháp luật đều tách bạch và quy định chế tài riêng biệt đối với những hành vi nào là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi nào là hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, cũng như quy định hàng giả sẽ không bao gồm hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, thông qua một số bản án hình sự đã được giải quyết trong thời gian gần đây, chúng ta cũng có thể hiểu hơn khuynh hướng, cách thức giám định, giải quyết, vận dụng, và quyết định của các các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, và Tòa án trong việc giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý được rằng hiện cũng chưa có bất kỳ một quy định nào hướng dẫn cụ thể về trình tự giải quyết, đánh giá, hướng giám định, cách thức phân định và áp dụng khi giải quyết giữa tội phạm về “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” hay tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, kể cả cũng chưa có bất kỳ quy định nào về quy trình, hướng giải quyết, cách thức áp dụng định mức 70% so với chỉ tiêu chất lượng hoặc quy chuẩn đã đăng ký, công bố áp dụng để đánh giá và quyết định tại các bản án hình sự liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nêu trên.

Trên thực tế, Tòa án nhân dân Tối cao hiện đã có Công văn số 17/TANDTC-PC ngày 09/3/2021 về việc tổng kết thực tiễn thi hành quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm để Tòa án nhân dân Tối cao ban hành một nghị quyết hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Qua đó, tác giả hy vọng sẽ có một nghị quyết của Tòa án nhân dân Tối cao trong tương lai sẽ quy định rõ ràng, cụ thể, và chi tiết hơn nhằm thống nhất đường lối, quy trình, cách thức áp dụng điều khoản, thực hiện công việc giám định, và truy tố tội danh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, cách thức phân định, phân biệt, xác định, và áp dụng khi giải quyết giữa tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả và tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm tránh/hạn chế việc xử lý có cách hiểu hoặc quy định chưa chính xác trong tố tụng hình sự khi giải quyết các vụ án có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Do vậy, quay trở lại tình huống đối với một số vụ án hình sự liên quan đến việc sản xuất, mua bán “sách giả” như đã nêu tại phần đầu của bài viết, trên cơ sở quy định pháp luật như đã lập luận, phân tích trên đây, cũng như thực tiễn xét xử thông qua một số bản án hình sự đã được tuyên, có cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền và Tòa án quyết định người phạm tội trong trường hợp trên về tội “Xâm phạm quyền tác giả” theo Điều 225 của Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền và Tòa án còn phân vân trong việc đánh giá và quyết định giữa tội về hàng giả và tội xâm phạm quyền tác giả, các cơ quan có thẩm quyền và Tòa án có thể xem xét thực tiễn xét xử tại các bản án hình sự nêu trên như một tiền lệ đã xét xử, giải quyết. Theo đó, trong trường hợp (a) sản phẩm sách của nhà xuất bản được xuất bản không có/không dựa trên bất kỳ tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nào để xuất bản tại thời điểm phát hiện hành vi xâm phạm và/hoặc tại thời điểm thực hiện giám định, hoặc (b) nếu có tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng áp dụng xuất bản với sản phẩm sách của các nhà xuất bản tại thời điểm phát hiện hành vi xâm phạm, mà việc giám định hình sự kết luận rằng chất lượng của sản phẩm sách vi phạm này đã vượt mức 70% so với chỉ tiêu chất lượng hoặc quy chuẩn đã đăng ký, công bố áp dụng để đánh giá, thì các cơ quan có thẩm quyền phải kết luận và Tòa án phải nhận định, đánh giá, và quyết định người phạm tội đối với tội “Xâm phạm quyền tác giả” theo Điều 225 của Bộ luật Hình sự 2015, thay vì tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192 của Bộ luật Hình sự 2015.

[1]https://www.vietnamplus.vn/vu-san-xuat-buon-ban-sach-gia-truy-to-36-bi-can/836227.vnp

https://nld.com.vn/phap-luat/vu-sach-gia-cuc-khung-khoi-to-them-22-bi-can-20220407185931267.htm

https://vnews.gov.vn/news/khoi-to-bat-tam-giam-3-doi-tuong-san-xuat-hon-100-tan-sach-gia-65956.htm

https://www.congluan.vn/khoi-to-nhieu-chu-nha-sach-tai-bac-giang-buon-ban-sach-gia-post238234.html

[2] Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27/04/2000 của Bộ Công An, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài Chính, Bộ Thương mại.

Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008 của Chính Phủ.

Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính Phủ.

[3] Xem Khoản 1.4, Điều 4, Mục IV.1 của Tờ trình của Bộ Công thương, Tài liệu phục vụ cuộc họp Tư vấn thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 8/10/2018 tại đường dẫn https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=2431

[4] Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:

“Điều 213. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ

1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.[…]

4. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan”.

[5] Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ.

[6] Điều 20.1 Luật Sở hữu trí tuệ.

[7] Điều 4.10 Luật Sở hữu trí tuệ: “Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.

[8] Điều 28.2 Luật Sở hữu trí tuệ.

[9] Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ.

[10] Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ.

[11] Điều 3.6 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định ”Hành vi bị xem xét” là hành vi bị nghi ngờ là hành vi xâm phạm và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận có phải là hành vi xâm phạm hay không”.

[12] Điều 3.7 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định “Đối tượng bị xem xét” là đối tượng bị nghi ngờ và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm hay không”.

[13] Điều 7.1 Luật Sở hữu trí tuệ.

[14] Điều 4.8 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác”.

[15] Điều 7.1 Nghị định 105/2006/NĐ-CP.

[16] Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, xem: https://vibonline.com.vn/du_thao/du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-mot-dieu-va-bien-phap-thi-hanh-luat-huu-tri-tue-ve-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan

[17] Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, Xem: https://vibonline.com.vn/wp-content/uploads/2022/10/DT2-Nghi-dinh-thay-the-ND222018.pdf

[18] Xem: https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1028736t1cvn/chi-tiet-ban-an

[19] Xem: https://amilawfirm.com/wp-content/uploads/2019/07/S%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-h%C3%A0ng-h%C3%B3a-%C4%91%E1%BA%A1t-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-70-tr%E1%BB%9F-l%C3%AAn-n%C3%AAn-truy-t%E1%BB%91.pdf

[20] Xem: https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta970346t1cvn/chi-tiet-ban-an

theo Luật sư HUỲNH THANH THỊNH

Công ty Luật TNHH Herman, Henry & Dominic (Ezlaw) – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/nhin-nhan-va-danh-gia-lai-cac-vu-an-hinh-su-buon-ban-sach-gia-duoi-goc-do-phap-luat-so-huu-tri-tue-1682347919.html

Tin liên quan