Ảnh minh họa.
Được biết, cơ quan hữu quan hiện đang vào cuộc bởi những vi phạm chính sách, pháp luật của người đứng đầu NXB Giáo dục Việt Nam là ông Nguyễn Đức Thái. Có một điều chắc chắn là, việc kỷ luật với mức cảnh cáo mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã phê chuẩn là một quyết định khiến lòng tin trở lại trong cộng đồng xã hội.
Ngay từ khi Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đi vào cuộc sống, với phương châm “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” mà mục đích của nó là chống độc quyền kinh doanh SGK, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh được lựa chọn những bộ sách, những cuốn SGK viết hay nhất, phù hợp nhất với việc dạy và học ở từng cơ sở giáo dục. Thực tế cho thấy năm đầu tiên triển khai chương trình, NXB Giáo dục Việt Nam đã thành lập bốn nhóm tác giả để biên soạn bốn bộ sách khác nhau, (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục). Bên cạnh đó có bộ SGK xã hội hóa Cánh Diều do NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
Năm 2020-2021, về việc lựa chọn SGK ở các địa phương, theo ý kiến ở nhiều cơ sở giáo dục trên toàn quốc là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 (năm học 2020-2021), các bậc phụ huynh học sinh vui mừng được tiếp cận 5 bộ SGK lớp 1 và về nguyên tắc, họ được lựa chọn lấy một bộ sách phù hợp. Đó có thể coi là một thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK.
Đến đầu năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh cả nước ngỡ ngàng, không hiểu vì lý do gì mà bỗng dưng hai bộ SGK cùng học để phát triển năng lực, vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục biến mất. Các cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh đã lựa chọn hai bộ sách trên vô cùng hoang mang và bức xúc. Một câu hỏi đặt ra là, hai bộ SGK bị NXB Giáo dục Việt Nam cho biến mất khỏi thị trường là do chất lượng sách, nội dung sách được biên soạn không đảm bảo Chương trình GDPT 2018 hay vì một lý do nội bộ nào khác trong NXB Giáo dục Việt Nam? Điều đáng lưu ý là, những người tham gia viết hai bộ sách trên lại là những chuyên gia kỳ cựu trong giáo dục GDPT, giáo dục tiểu học. Việc “hô biến” hai bộ sách này là vì sự phát triển của giáo dục nước nhà hay vì lợi ích của một nhóm người nào đó trong NXB Giáo dục Việt Nam do ông Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Đức Thái đứng đầu? Ông Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam đã dựa trên những tiêu chí nào để lựa chọn và loại bỏ những nhóm tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa, hay chỉ dựa vào nhóm cùng lợi ích với mình mà lựa chọn?
Đây là sự kiện hy hữu đáng buồn, gây ồn ào trong dư luận thời gian qua.
Điểm thứ hai, ngay trong hai năm học đầu tiên (2020-2021, 2021-2022), phụ huynh học sinh và các cơ sở giáo dục đã phát hiện và phản ánh về các lỗi trong một số SGK lớp 1, lớp 6. Trước dư luận xã hội và sự lên tiếng của công luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp chỉ đạo các NXB phải sửa chữa những lỗi mà công luận nêu. Trong khi một NXB khác đã kịp thời và công khai trên báo chí việc sửa chữa những lỗi mà công luận nêu thì NXB Giáo dục Việt Nam chỉ lẳng lặng sửa chữa một số lỗi theo kiểu đối phó, tượng trưng và kiên quyết không công khai trên báo chí.
Có thể nhắc tới những lỗi sai cụ thể gây ồn ào trong công luận trong thời gian dài như sau: SGK Tiếng Việt lớp 1 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P với tư cách là phụ âm đầu, không dạy học sinh cách viết hoa, đưa ngữ liệu văn học đang dạy ở lớp 8 theo Chương trình GDPT 2000 xuống dạy ở lớp 1 (truyện “Tôi đi học” của Thanh Tịnh) và vô số lỗi khác… Trong SGK Tiếng Việt lớp 2 có nhiều bài đọc, nhiều hình ảnh minh họa thiếu tính giáo dục, nhiều bài đưa ra những câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời vượt quá Chương trình, ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ tự nhiên của trẻ. SGK Ngữ văn 6 của Bộ Kết nối tri thức không bám sát Chương trình, dạy học sinh ở cấp Trung học cơ sở theo chủ điểm như dạy Tiếng Việt đối với học sinh tiểu học; ngữ liệu đưa vào SGK không phải là những tác phẩm tiêu biểu cho thể loại văn học cần giảng dạy (như bài thơ “Bắt nạt”); đưa thể loại văn học dạy ở các lớp trên xuống dạy ở lớp 6.
Đặc biệt, SGK Khoa học tự nhiên lớp 6 mắc những lỗi cơ bản về kiến thức cũng đã được các cơ quan ngôn luận chỉ ra. Đó là chưa kể đến những ồn ào liên quan đến SGK Giáo dục thể chất lớp 11 và lớp 12 của tác giả Nguyễn Thị Diệu Linh, thực chất là của ông Nguyễn Đăng Khôi, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban biên tập sách sinh học, có những sai sót trong quá trình biên soạn và in ấn xuất bản.
Những vấn đề trên đã được công luận và đại biểu Quốc hội nêu lên suốt nhiều tháng qua, nhưng đến nay vẫn chưa được NXB Giáo dục Việt Nam trả lời trước công luận. Chẳng lẽ, người đứng đầu NXB Giáo dục Việt Nam đã im lặng, “mũ ni che tai” coi thường dư luận theo kiểu “để lâu cứt trâu hóa bùn”, để học sinh cả nước phải học những cuốn SGK kém chất lượng, sai trầm trọng về kiến thức, hay sao?
Trong thời gian qua, công luận và các đại biểu Quốc hội cũng đã đặt ra những nghi vấn về thủ thuật kinh doanh SGK của NXB Giáo dục Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Đức Thái, chỉ riêng 2 doanh nghiệp trực thuộc NXB Giáo dục Việt Nam trong năm 2021 đã phải chi ra cả trăm tỉ đồng để “phát triển thị trường” SGK. Dư luận băn khoăn rằng, đó có phải là một trong những nguyên nhân làm đội giá SGK không?
Một vấn đề nữa liên quan đến chất lượng thẩm định SGK là việc NXB Giáo dục Việt Nam đã mời không ít lãnh đạo và thành viên các hội đồng quốc gia thẩm định SGK viết sách tham khảo, sách bài tập “ăn theo” SGK, thậm chí giúp NXB Giáo dục Việt Nam thẩm định nội bộ bản thảo SGK trước khi đưa ra hội đồng thẩm định quốc gia. Việc đưa cho người có chức vụ quyền hạn khi đang thi hành công vụ có liên quan tới thẩm định sản phẩm của NXB Giáo dục Việt Nam.
Thiết nghĩ, để đảm bảo có “học thật, thi thật, nhân tài thật” như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngoài việc đưa ra một quyết định kỷ luật với cá nhân ông Nguyễn Đức Thái, Bộ GD&ĐT cần xem xét tiêu chí lựa chọn các tổng chủ biên, chủ biên và tác giả SGK, nhằm thay thế những người, những ê kíp viết quyển nào sai quyển đó, thành lỗi hệ thống như công luận đã chỉ rõ, đồng thời kịp thời cho sửa chữa những lỗi về kiến thức, về ý nghĩa giáo dục, đặc biệt là những nội dung sai quy định của Chương trình GDPT 2018 mà Bộ GD&ĐT đã ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT.
theo SONG PHƯỢNG – Tạp chí Luật sư VN