Những hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ dữ liệu cá nhân

Cập nhật: 21/04/2023 08:38

Theo Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023 nêu rõ, có 05 hành vi bị nghiêm cấm trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, có 05 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng bao gồm:

– Xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân;

– Xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

– Cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan có thẩm quyền;

– Lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, những trường hợp nào vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, tại Điều 4, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định, Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân thì tùy theo mức độ mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định.

Ngoài ra, đối với việc xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu  tại Điều 17, Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định rõ, trong trường hợp khẩn cấp, cần xử lý ngay dữ liệu cá nhân có liên quan để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.

Việc công khai dữ liệu cá nhân sẽ theo quy định của luật.

Việc xử lý dữ liệu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật.

Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật; và phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

theo MINH QUÝ – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/nhung-hanh-vi-bi-nghiem-cam-trong-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-1681990304.html

Tin liên quan