Những kết quả nổi bật trong thực hiện chính sách, pháp luật, cải cách hành chính năm 2023

Cập nhật: 15/02/2024 09:21

Năm 2023 vừa qua là một năm đầy biến động như suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, nạn đói, chiến tranh… Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tương đối lớn trước những tác động này. May mắn thay, với sự nỗ lực và đoàn kết, không ngừng chung tay của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đất nước ta đã thành công vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng, ổn định nền kinh tế, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, không thể không kể đến hiệu quả trong xây dựng và triển khai những chính sách, pháp luật, cải cách hành chính của Nhà nước.

Ảnh minh họa.

Thứ nhất là cải cách thể chế

Cải cách thể chế được xác định là trọng tâm cải cách, một trong ba đột phá chiến lược để ổn định, phát triển quốc gia. Trong đó, công tác xây dựng và ban hành pháp luật là nội dung được ưu tiên hàng đầu. Trong năm 2023, Nhà nước ta đã ban hành 22888 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); 130 dự thảo; 4207 công văn; 394 tiêu chuẩn các loại.

Với sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo của Chính phủ cùng với quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương mà nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, kịp thời hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình rà soát lại các VBQPPL ở tất cả 22 lĩnh vực của Chính Phủ và Quốc hội, số lượng văn bản và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều và đa phần đều được nhắc tới trong các dự án luật, dự thảo.

Có thể thấy, chất lượng công tác xây dựng, ban hành VBQPPL ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, góp phần quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai là cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

Chính phủ đặc biệt quan tâm, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành đẩy mạnh cải cách TTHC, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định TTHC, các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc với cơ quan nhà nước.

Chính phủ đã ban hành và tổ chức thực hiện 19 Nghị quyết về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư; thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC, trong đó đặc biệt tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt TTHC, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu suất công việc, giảm thời gian xử lý văn bản. Tổ công tác cải cách TTHC (Tổ công tác) được Chính phủ thành lập để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách. Theo đó, Tổ công tác đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC và cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước. Tổ trưởng Tổ công tác đã làm việc trực tuyến với 03 bộ và 08 địa phương để đánh giá và định hướng nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy công tác cải cách TTHC.

Về phân cấp trong giải quyết TTHC: Thực hiện Quyết định 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2022 phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết TTHC (phân cấp 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực, dự kiến sửa đổi, bổ sung 232 văn bản để thực thi, gồm: 32 luật, 87 Nghị định, 08 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 05 Thông tư liên tịch, 97 Thông tư, 03 Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ), các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh thực thi phương án phân cấp được phê duyệt. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đến nay, các bộ, ngành đã triển khai sửa đổi 35 VBQPPL để thực thi phương án phân cấp 141 TTHC, đạt 20%; trong đó, có 03 bộ, ngành đã hoàn thành việc thực thi phương án phân cấp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Về rà soát, đơn giản hóa quy định TTHC và các điều kiện kinh doanh: Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, trong năm 2023, các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 30 VBQPPL để cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh. Bên cạnh đó, các bộ đã đơn giản hóa 528 TTHC/1.086 TTHC được giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư (đạt 49%); có 05 bộ, ngành đã hoàn thành thực thi 100% phương án đơn giản hóa TTHC, có 06 bộ đạt tỷ lệ trên 50%, còn lại các bộ, ngành đạt dưới 50%.

Về rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 – 2025: Trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thống kê, công bố và rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC nội bộ đã được công bố, tạo thuận lợi cho quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ. Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã công bố danh mục TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý. Theo đó, số lượng TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của 18 bộ, cơ quan ngang bộ được thống kê là 1.251 TTHC (581 TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và 670 TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan) và 2.232 TTHC nội bộ của 59 địa phương.

Về công bố, công khai TTHC: Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 22/12/2023, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 4.222 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, công khai, cập nhật danh mục và nội dung TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan, địa phương mình trên Cổng dịch vụ công quốc gia (CDVCQG) và các kênh thông tin khác theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu và thực hiện TTHC. Theo thống kê trên CDVCQG, tại thời điểm ngày 22/12/2023, cả nước có 6.348 TTHC, trong đó 3.827 TTHC thực hiện tại bộ, cơ quan Trung ương, 1.337 TTHC thực hiện tại địa phương và 1.708 TTHC ngành dọc tại địa phương.

Về vận hành CDVCQG: Các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tiến độ rà soát, cấu trúc lại quy trình TTHC để tích hợp vào CDVCQG; tăng cường kết nối, thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 22/12/2023, đã có 4.549 TTHC cung cấp trực tuyến trên CDVCQG (2.604 thủ tục của người dân, 2.414 thủ tục của doanh nghiệp), trong đó có nhiều dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: Cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước (thực hiện tại cấp tỉnh); Đăng ký tạm trú; Đăng ký thường trú; Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận,… Theo thống kê, đến ngày 22/12/2023 đã có trên 273 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có hơn 33 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua CDVCQG.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tiếp tục có chuyển biến tích cực trên cơ sở thực hiện có hiệu quả Nghị định 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2021. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông thuộc phạm vi quản lý; quan tâm, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, phần mềm ứng dụng và thường xuyên tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp để nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhiều nơi đã ứng dụng quét mã vạch (QR Code) để tra cứu các nội dung, thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết TTHC trên các thiết bị điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa tiếp tục được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện, tuy nhiên, kết quả chưa cao. Theo dữ liệu trên CDVCQG, đến ngày 22/12/2023, tại các địa phương, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử chỉ đạt khoảng 44,41%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt khoảng 38,75%; trong khi đó, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa chỉ đạt khoảng 9,55%.

Thứ ba là cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP năm 2023 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 50-KL/TW năm 2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2023/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành, thay thế Quyết định 34/2007/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành.

Đến nay đã có 20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 13 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. Đây là những kết quả bước đầu, giúp cho các bộ, ngành, địa phương có thêm cơ sở pháp lý trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức gắn với sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 117/NQ-CP năm 2023 về kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 616/CĐ-TTg năm 2023 về việc rà soát, hoàn thiện các quy hoạch để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030 và Công điện 972/CĐ-TTg năm 2023 về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

Thứ tư là cải cách chế độ công vụ

Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số VBQPPL liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Trong 10 tháng đầu năm 2023, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành 05 Nghị định và 01 Quyết định. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, đang tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 115/2020/NĐCP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức nhằm đổi mới một số vấn đề về công vụ, công chức.

Đến nay, đã có 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với CSDLQG về CBCCVC; trong đó có 67 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ 100% dữ liệu, 11 bộ, ngành, địa phương đồng bộ trên 90% dữ liệu. Tổng số dữ liệu được đồng bộ đạt hơn 2,2 triệu/hơn 2,3 triệu dữ liệu CBCCVC của các bộ, ngành, địa phương vào CSDL CBCCVC (đạt tỷ lệ 95,3%, tăng 14.435 dữ liệu so với tháng 9/2023); trong đó dữ liệu của bộ, ngành là 186.716 hồ sơ và dữ liệu của địa phương là 2.013.780 hồ sơ. Như vậy, Bộ Nội vụ là một trong 03 bộ đã hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với CDVCQG.

Thứ năm là cải cách tài chính công

Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP về chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 110/2023/QH15 của Quốc hôi. Theo đó, Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%.

Chưa dừng lại ở đó, Chính phủ đã ban hành 08 Nghị định, Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 16 Thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, theo đó, đã góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2023: Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/11/2023 là 449.506,6 tỷ đồng, đạt 56,98% kế hoạch (788.935,5 tỷ đồng). Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH là 58.902 tỷ đồng (đạt 45,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Ước tính thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 là 579.848,8 tỷ đồng, đạt 73,5% kế hoạch (đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch và đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH là 72.686 tỷ đồng (đạt 56,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Ngoài ra, một số đơn vị đạt kết quả tích cực, có khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân như Ngân hàng Nhà nước (94,74%), Bộ Giao thông vận tải (86,08%), Bộ Quốc phòng (85,05%), Quảng Ngãi (98,94%), Long An (94,78%), Đồng Tháp (91,68%), Cà Mau (90,49%)…

Cho đến nay, Bộ Tài chính đã và đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, đẩy mạnh triển khai kết nối dữ liệu vào Kho CSDLQG về tài sản công, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công.

Thứ sáu là xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay về dữ liệu đã được ban hành đủ các khía cạnh về tổ chức, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu tương đồng với xu hướng chung của thế giới. Đó là Luật Giao dịch Điện tử năm 2023, Nghị định 47/2020/NĐ-CP về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Nghị định 13/2023/NĐ-CP về  bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trong 07 CSDLQG đã được đưa vào vận hành, khai thác sử dụng chung thì có tới 05 CSDLQG (dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử, CBCCVC) đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia mang lại những giá trị đo lường được, cảm nhận được.

Tỷ lệ các bộ, tỉnh đã xác định danh mục CSDL đạt 63%. Số CSDL chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương được thiết lập tăng trưởng 38,5% so với năm 2022, từ 1.280 CSDL lên 2.077 CSDL. Việc công bố kế hoạch và danh mục dữ liệu mở tăng mạnh từ 9% lên 50% so với 2022.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia đã có những chuyển biến rõ rệt, tạo ra những giá trị cụ thể thực tế (như: thuận lợi, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí khi xử lý TTHC, dịch vụ công trực tuyến). Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với hệ thống của 103 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; 10 CSDL và 15 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu. Trung bình hằng ngày có khoảng 1,78 triệu giao dịch thực hiện thông qua nền tảng; Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi đưa vào sử dụng đến nay là hơn 1,65 tỷ giao dịch.

CSDLQG về dân cư kết nối với 15 bộ, ngành; 63/63 địa phương; 04 doanh nghiệp; Tiếp nhận khoảng 1.35 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin, đồng bộ thông tin công dân, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC, giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.

CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp: Tháng 12/2023, lưu 1.697.908 doanh nghiệp (khoảng 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động) và 203.966 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; lưu trữ thông tin đăng ký của khoảng 2,4 triệu hộ kinh doanh, trong đó: 260.844 hộ kinh doanh được chuẩn hóa dữ liệu, lưu trữ 30.046 hợp tác xã và đơn vị trực thuộc; Kết nối với 13 bộ, ngành và 63/63 địa phương với khoảng 41 triệu giao dịch. CSDL đã giúp rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh từ 08 thủ tục/16 ngày xuống chỉ còn 03 thủ tục/06 ngày.

CSDLQG về bảo hiểm: Tháng 12/2023, quản lý khoảng 32 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm; 17,1 triệu người tham gia BHXH; 88,9 triệu người tham gia BHYT; đã xác thực hơn 93,7 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDLQG về bảo hiểm với CSDLQG về dân cư, trong đó: khoảng 84,7 triệu người; Kết nối, chia sẻ dữ liệu với 09 bộ, ngành và một số kết nối, chia sẻ dữ liệu có phạm vi quốc gia. Việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip đã giúp giảm từ 10 phút đến vài giờ còn khoảng 10 giây.

CSDLQG về hộ tịch điện tử toàn quốc: Hoàn thành triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với hơn 50 nghìn người dùng. Tính đến tháng 11/2023, hệ thống đã có 48.042.352 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó: 9.597.237 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định (có 5.340.151 trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang các cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT), 12.342.532 dữ liệu kết hôn, 10.533.628 dữ liệu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, 8.248.312 dữ liệu khai tử, 293.019 trường hợp nhận cha mẹ con, 20.579 trường hợp đăng ký giám hộ, 16.644 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi, 889.423 dữ liệu cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

CSDLQG về đất đai: Tại Trung ương đã xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng 04 khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý gồm: CSDL về thống kê, kiểm kê đất đai; CSDL về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; CSDL về giá đất; CSDL về điều tra, đánh giá đất đai; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai. CSDL này giúp cung cấp số liệu chính xác nhanh chóng và kịp thời theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và các bộ, ngành; Các giao dịch về đất đai được quản lý, kiểm soát công khai, minh bạch về đối tượng, nghĩa vụ tài chính đi kèm.

CSDLQG về tài chính góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý tài chính của Bộ Tài chính, Chính phủ, đảm bảo tính chính xác, kịp thời của công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia thông qua việc sử dụng một nguồn thông tin, dữ liệu trung thực tin cậy về dữ liệu tài chính công.

CSDLQG về CBCCVC giúp tiết kiệm thời gian trong việc tổng hợp, thống kê, báo cáo tổng hợp, phân tích đội ngũ CBCCVCC, người lao động, tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm và các nội dung khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Thứ bảy là Chính phủ và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp thường xuyên đối thoại, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của người dân, cộng đồng doanh nghiệp

Điều này cho thấy quyết tâm xây dựng một nền hành chính năng động, trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước các cấp. Các công cụ theo dõi, đánh giá cải cách hành chính, như Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công, giáo dục công… được triển khai thực hiện, qua đó thể hiện rõ nét tinh thần xây dựng một nền hành chính dân chủ, phục vụ, hướng tới lợi ích của người dân và xã hội.

Công tác đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết TTHC trong Công an nhân dân (CAND) trong năm 2023 cũng được triển khai thực hiện đổi mới hơn cả về quy mô và đối tượng, hình thức khảo sát, nhằm đánh giá được một cách toàn diện trên cả 04 cấp, từ Trung ương đến cấp xã đối với các nhóm TTHC, với số lượng và tần suất giải quyết lớn, với sự tham gia điều tra xã hội học của người dân, tổ chức. Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND năm 2023 cho thấy, mức độ hài lòng chung về sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND đạt 97,71%. 

Có thể thấy, công cuộc xây dựng, triển khai những chính sách, pháp luật và cải cách hành chính diễn ra khá thành công, toàn diện, tạo đồng lực rất lớn cho sự ổn định và phát triển của Nhà nước và nhân dân. Bước sang năm 2024 hứa hẹn sẽ đem đến những tín hiệu tích cực, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

theo LUẬT SƯ ĐIỆP NĂNG BÌNH

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/nhung-ket-qua-noi-bat-trong-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-cai-cach-hanh-chinh-nam-2023-1707670470.html

Tin liên quan