‘Những nút thắt’ của vụ đấu giá khu dân cư Hòa Lân (Bình Dương): Ai tạo thêm ‘nút thắt’ đẩy vụ kiện về ‘điểm xuất phát’?

Cập nhật: 09/07/2021 07:07

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại TP Hồ Chí Minh dựa trên 11 vấn đề, cùng với văn bản của một tạp chí điện tử đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm để làm cơ sở ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ kiện Hòa Lân…

VKSND cấp cao TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm

Quay trở lại vụ việc mà Báo TNVN đã đăng tải loạt bài: “Những nút thắt”của vụ bán đấu giá khu dân cư Hòa Lân (Bình Dương). Dự án KDC Hòa Lân khi Cty Thiên Phú làm chủ đầu tư từng có thời gian “đắp chiếu” gần 15 năm và tạo ra số dư nợ đối với ngân hàng của nhà nước hơn 1.100 tỷ đồng. Do không có nguồn thu để trả nợ cho Agribank Chợ Lớn nên Cty Thiên Phú phải tìm đến giải pháp tháo gỡ “nút thắt” là ký Biên bản thỏa thuận giao tài sản để Agribank Chợ Lớn xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Ngày 17/6/2015, Agribank Chợ Lớn đã ký Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 10/2015/ĐGNSG với Cty cổ phần dịch vụ bán đấu giá Nam Sài Gòn (Cty Nam Sài Gòn).

Ngày 17/6/2015, Agribank Chợ Lớn đã ký Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 10/2015/ĐGNSG với Cty Nam Sài Gòn. Phải qua 13 lần tổ chức bán đấu giá, 2 năm sau, vào ngày 25/5/2017, vụ bán đấu giá mới có kết quả với người trúng đấu giá là Cty Kim Oanh, mức giá 1.353 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm là 390 tỷ đồng.

Với kết quả trên, những tưởng Dự án KDC Hòa Lân sẽ thoát ra khỏi thời kỳ khó khăn với chủ đầu tư mới là Cty Kim Oanh, nhưng chính Cty Thiên Phú lại tạo ra những “nút thắt” mới làm Dự án tiếp tục chững lại. Từ khiếu nại của phía Cty Thiên Phú, ngày 24/12/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp có kết luận số 62/KL-TTR, sau đó tái khẳng định bằng văn bản số 91/BC-BTP, gửi Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: “Việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá của Cty Nam Sài Gòn không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; Hợp đồng chuyển nhượng đã được các bên ký kết; việc hủy hay tiếp tục thực hiện hợp đồng thuộc trách nhiệm của bên có tài sản là Agribank Chợ Lớn”.

Do có nhiều khó khăn khách quan và chủ quan chính đáng, chính Agribank Chợ Lớn đã đồng ý giãn thời hạn thanh toán tiền mua tài sản trúng đấu giá cho Cty Kim Oanh để tạo điều kiện cho Cty này triển khai dự án. Sau đó, Cty Kim Oanh đã hoàn tất thanh toán tổng số tiền gốc mua tài sản đấu giá là 1.353 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả là hơn 97 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Cty Thiên Phú vẫn tiếp tục gây khó khăn cho Cty Kim Oanh, Cty Thiên Phú làm đơn khởi kiện ra TAND Quận 7 TP. Hồ Chí Minh (TAND Quận 7). Sau đó, TAND quận 7 đã thụ lý vụ án và ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT, cấm dịch chuyển quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) thuộc Dự án Hòa Lân.

Sau gần hai năm với hàng chục phiên xử, ngày 12/11/2020, TAND Quận 7 đã đưa ra phán quyết: Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đòi hủy kết quả bán đấu giá dự án Hòa Lân; Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đòi tuyên Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vô hiệu… Ngay sau khi tuyên án, TAND Quận 7 đã gỡ “phong tỏa” với dự án Hòa Lân.

Sau đó, Thiên Phú kháng cáo, bà Phạm Thị Hường và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (là những người được TAND Quận 7 đưa vào vụ kiện với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vì đã nhận chuyển nhượng vốn góp từ các thành viên góp vốn của Thiên Phú) cũng kháng cáo.

Trong quá trình TAND TP. Hồ Chí Minh thụ lý vụ án theo trình tự phúc thẩm, Cty Thiên Phú rút toàn bộ kháng cáo, bà Phạm Thị Hường và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu cũng rút đơn kháng cáo. Do đó, ngày 24/3/2021, TAND TP Hồ Chí Minh đã ban hành bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT với nội dung đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Thiên Phú, bà Phạm Thị Hường và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu liên quan đến kết quả đấu giá dự án khu dân cư Hòa Lân.

Ngay sau đó, Kim Oanh đã làm thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư. Ngày 11/12/2020, UBND tỉnh Bình Dương đã có Văn bản số 6057/UBND-KT giao Sở Xây dựng xem xét việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án sang Cty Kim Oanh. Đến ngày 18/12/2020, các bên chính thức bàn giao trên thực địa dự án cho Kim Oanh Group. Sự kiện này tưởng chừng chính thức khép lại vụ kiện Hòa Lân được dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi nhiều năm nay.

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, một tờ tạp chí điện tử có văn bản số 78/2021/CV-KTCKVN, ngày 20/4/2021 cho rằng việc bán đấu giá tài sản là QSDĐ tại Dự án Hòa Lân của Cty Thiên Phú, trong đó đơn vị trúng đấu giá là Cty Kim Oanh có sự giúp sức của Agribank Chợ Lớn và Cty Nam Sài Gòn là có vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trong đến lợi ích nhà nước, đề nghị xem xét lại hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm theo khoản 2 Điều 326 BLTTDS năm 2015.

Đồng thời, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh căn cứ vào hồ sơ vụ tranh chấp đã chỉ ra 11 vấn đề có cơ sở để kháng nghị giám đốc thẩm, trong đó liên quan đến Cty Kim Oanh, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng Agribank Chợ Lớn vi phạm trong việc cho Cty Kim Oanh chậm thanh toán và có hành vi vi phạm nguyên tắc khách quan, độc lập, công khai, minh bạch, công bằng quy định trong Luật Đấu giá.

Do đó, ngày 22/6/2021, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 174/QĐKNGĐT-KDTM, về việc Bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24/3/2021 của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh với ba nội dung sau: Thứ nhất, kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 99/KDTM-ST, ngày 12/11/2020 của TAND Q.7, TP Hồ Chí Minh và bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT, ngày 24/3/2021 của TAND TP Hồ Chí Minh; Thứ hai, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án nêu trên, để giải quyết lại; Thứ ba, tạm đình chỉ thi hành án đối với 2 bản án này cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Cty Kim Oanh đề nghị hủy quyết định kháng nghị

Cho rằng việc Viện KSND cấp cao tại TP.HCM ra Quyết định 174 ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của mình nên Cty đã gửi văn bản, đề nghị Viện KSND cấp cao tại TP.HCM rút kháng nghị nêu trên. Nội dung văn bản gửi Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, Cty Kim Oanh nêu:

Thứ nhất, việc VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng Agribank Chợ Lớn vi phạm trong việc cho Cty Kim Oanh chậm thanh toán và có hành vi vi phạm nguyên tắc khách quan, độc lập, công khai, minh bạch, công bằng quy định trong Luật Đấu giá, vấn đề này, Thanh tra Bộ Tư pháp có kết luận số 62/KL-TTR về việc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc đấu giá tài sản đối với Cty Nam Sài Gòn. Sau đó, Agribank Việt Nam đã có văn bản số 2568/NHNo-PC gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo về việc bán đấu giá tài sản Dự án Hòa Lân, có nội dung: “Cty Kim Oanh đã thanh toán đủ tiền mua tài sản đấu giá. Việc tòa thụ lý vụ kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá dự án Hòa Lân, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với dự án Hòa Lân là đi ngược với tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị số 32/CT-TTg, ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 06/CT-NHNN, ngày 20/7/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên trúng đấu giá là Cty Kim Oanh cũng như quá trình thu hồi nợ xấu của Agribank”.

Thứ hai, VKSND cấp cao tại TP.HCM nhận định cuộc đấu giá vi phạm một số nguyên tắc trong Luật Đấu giá. Về vấn đề này Cty Kim Oanh cho rằng, nhận định của VKSND cấp cao không chính xác. Tại thời điểm tổ chức đấu giá áp dụng Nghị định 17/2010/NĐ-CP về đấu giá tài sản chứ không áp dụng Luật Đấu giá có hiệu lực ngày 1/7/2017. Vì vậy, không thể nói cuộc đấu giá trên vi phạm một số nguyên tắc của Luật Đấu giá.

Thứ ba, VKSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng, một số sai phạm diễn ra trước khi tổ chức cuộc đấu giá nên cần thiết phải hủy kết quả đấu giá, hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản để giải quyết lại nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Về vấn đề này, Cty Kim Oanh cho rằng, VKSND cấp cao tại TP.HCM đi ngược lại Điều 4, Nghị định 10/2017/NĐ-CP.

Thứ tư, VKSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị tạm đình chỉ thi hành với bản án đã có hiệu lực pháp luật. Cty Kim Oanh cho rằng, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bên có tài sản bán đấu giá là Agribank đã bàn giao tài sản cho bên trúng đấu giá là Cty Kim Oanh. Sau khi có phán quyết của tòa phúc thẩm, đã được các bên tự nguyện thi hành xong không còn gì để thi hành án. Thế nhưng, trong quyết định 174 vẫn nêu, tạm đình chỉ bản án cho đến khi có Quyết định của Giám đốc thẩm gửi Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Dầu Một để thi hành?

Ông Nguyễn Đức Phúc, Tổng Giám đốc Cty Kim Oanh cho rằng: Những đề nghị bất hợp lý như trên đã đẩy Cty Kim Oanh tiếp tục “chôn” hàng nghìn tỷ đồng vào dự án mà không thể triển khai./.

theo Lê Hải – Báo tiếng nói Việt Nam

http://baotnvn.vn/tin-tuc/Phap-luat/13525/Nhung-nut-that-cua-vu-dau-gia-khu-dan-cu-Hoa-Lan-Binh-Duong-Ai-tao-them-nut-that-day-vu-kien-ve-diem-xuat-phat

Tin liên quan