Bà Thân Thị Vân xúc động bên hài cốt đồng đội trong lễ truy điệu tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). |
Kết quả, thêm 26 bộ hài cốt liệt sĩ được phát hiện tại khu vực nêu trên, 28 hài cốt được xác định là của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau đó, lễ truy điệu và an táng 28 hài cốt liệt sĩ được tỉnh Đồng Nai tổ chức trọng thể tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nhơn Trạch.
Suốt buổi lễ, chúng tôi chứng kiến bà Thân Thị Vân, nữ chiến sĩ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác xúc động, khóc nghẹn bên hài cốt các đồng đội: “Dù chưa xác định danh tính cụ thể từng người, nhưng việc tìm thấy, quy tập hài cốt các anh vào nghĩa trang cũng là niềm an ủi lớn. Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, nhưng tôi luôn day dứt vì chưa tìm thấy hài cốt của nhiều đồng đội hy sinh, họ còn nằm lại đâu đó tại những khu rừng ngập mặn huyện Nhơn Trạch”. Đó cũng là nỗi niềm lúc sinh thời của chồng bà, Đại tá Lê Bá Ước, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác…
Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho biết, Nhơn Trạch là vùng đệm để quân ta tiến công vào Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ cho nên nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh rất ác liệt. Sau hơn 47 năm từ ngày hòa bình, nhiều liệt sĩ hy sinh vẫn chưa tìm thấy được hài cốt. Riêng Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác có hơn 800 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, nay chỉ mới tìm thấy hài cốt của khoảng một nửa. “Quá trình chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi nằm xuống trên vùng sông nước Nhơn Trạch. Hình hài, xương thịt các anh đã hòa quyện cùng đất đá, cỏ cây, tình người Nhơn Trạch. Với trách nhiệm của mình, địa phương tiếp tục tổ chức tìm kiếm, đặc biệt chú trọng tại khu vực rừng ngập mặn, địa bàn đóng quân và diễn ra các trận đánh của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác”, đồng chí Lê Thành Mỹ nói.
Địa bàn huyện Long Thành và thành phố Long Khánh trong kháng chiến chống Mỹ cũng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Trong số cán bộ, chiến sĩ quân ta hy sinh, đến nay nhiều gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Bí thư Thành ủy Long Khánh Hồ Văn Nam chia sẻ, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức khảo sát, tìm kiếm, cất bốc được nhiều hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Khi tiếp nhận thông tin liên quan hài cốt liệt sĩ trên địa bàn, địa phương đều cử lực lượng nhanh chóng xác minh, tổ chức tìm kiếm. Thành phố Long Khánh luôn xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm thiêng liêng của thế hệ hôm nay đối với các liệt sĩ đã hy sinh để quê hương, đất nước có ngày hôm nay…
Những năm gần đây, tỉnh Đồng Nai đã tìm được nhiều mộ tập thể, hài cốt của bộ đội ta hy sinh trong kháng chiến. Từ những thông tin, di vật được tìm thấy, nhiều thân nhân, gia đình liệt sĩ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tìm đến tỉnh Đồng Nai xác định được hài cốt, danh tính người thân, điều mà hàng chục năm qua họ mòn mỏi chờ đợi.
Theo Ban Chỉ đạo Tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tỉnh Đồng Nai, chỉ riêng giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh đã khảo sát, tìm kiếm được chín mộ liệt sĩ tập thể với khoảng 280 hài cốt, 68 mộ lẻ và 11 vị trí có di vật liệt sĩ nhưng không có hài cốt. Tỉnh đón tiếp, gặp gỡ hơn 4.000 thân nhân đến yêu cầu xác minh danh sách và tìm mộ liệt sĩ; trực tiếp gặp gỡ, vận động hơn 340 nhân chứng cung cấp thông tin có liên quan danh sách liệt sĩ, vị trí mộ liệt sĩ; tiếp nhận, trả lời 896 đơn, thư tìm mộ liệt sĩ. Sau mỗi đợt tìm kiếm được mộ liệt sĩ, các cơ quan chức năng đã phối hợp chỉnh sửa 256 mộ bia đầy đủ thông tin; giải quyết di chuyển 503 hài cốt đưa về quê an táng…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho biết, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin của tỉnh cùng cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, góp phần bù đắp, xoa dịu phần nào nỗi đau cho thân nhân gia đình các liệt sĩ. Trong đó, khâu quan trọng được xác định là lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ để đẩy nhanh tiến độ tổ chức khảo sát, xác minh các thông tin mộ liệt sĩ, nhất là thông tin các khu mộ tập thể. Quá trình tổ chức tìm kiếm, chú trọng lựa chọn, tìm hiểu những nguồn thông tin tin cậy, xử lý từng vị trí, làm đến đâu, kết luận dứt điểm đến đó; đồng thời, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia tìm kiếm, thu thập và cung cấp thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính các liệt sĩ…