Phải “ngấm” ngay từ khâu soạn thảo

Cập nhật: 16/10/2024 14:02

Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ đề nghị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới để thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành (Luật 69).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật 69, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đáp ứng những yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật nước ta…

Với tính chất là một dự luật “hết sức quan trọng, có nhiều nội dung khó, mới và phức tạp”, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật. Trong đó, phải có phương án tiếp thu vào từng điều, khoản cụ thể, nhất là những quan điểm, vấn đề mới; những nội dung không tiếp thu cần giải trình đầy đủ, thuyết phục và cần khẳng định các quy định của dự thảo Luật có bảo đảm xử lý các vấn đề vướng mắc, bất cập để trình Quốc hội trước ngày 15.10.2024.

Dù “luôn sẵn sàng” phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thể chế cho doanh nghiệp, người dân, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, “trường hợp không kịp tiếp thu, giải trình hoặc chưa bảo đảm đủ điều kiện thì Chính phủ đề xuất thời điểm báo cáo Quốc hội phù hợp, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng”.

Phải yêu cầu dứt khoát như thế là bởi, dự luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 38 còn “ngổn ngang” rất nhiều vấn đề. Dự luật được đánh giá là chưa thể hiện được đầy đủ, nhất quán, thậm chí có một số nội dung “chưa thể hiện đúng hoặc chưa thể hiện hết” tư tưởng, quan điểm mới của Trung ương tại Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, một trong những tư tưởng chính là, Nhà nước không can thiệp hành chính, trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp; vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, là vốn của doanh nghiệp; xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp đối với doanh nghiệp nhà nước… Vì vậy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước là một yêu cầu rất quan trọng được đặt ra đối với dự luật lần này.

Tuy nhiên, các điều khoản cụ thể của dự luật cho thấy, dù đã phân cấp, phân quyền nhưng chưa được bao nhiêu, chưa tháo gỡ được triệt để những vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp nhà nước. Đơn cử như quy định tại Điều 25, hoạt động đầu tư vốn nhà nước của doanh nghiệp phải tuân thủ trình tự, thủ tục, thẩm quyền về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Luật này; phải đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, bảo toàn, phát triển và hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp; phải bảo đảm theo cơ chế thị trường, linh hoạt, cạnh tranh bình đẳng, công bằng, công khai theo quy định của pháp luật; phải chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định đầu tư vốn của doanh nghiệp; phải phù hợp với chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Nói cách khác, rất nhiều việc “phải” bảo đảm, nhưng việc gì cũng phải đi xin ý kiến. Như phân tích của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, “việc gì nằm ngoài kế hoạch, thẩm quyền phê duyệt mà đang rất có lợi là không dám làm, mất hết thời cơ, mất hết tính linh hoạt… Mở Điều 25 thì thấy không thoát được dù đã phân cấp”.

Từ nội dung cụ thể nêu trên cho thấy, tinh thần đổi mới, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ dường như vẫn chưa thực sự “ngấm” vào cơ quan soạn thảo dù nhiều vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vừa qua chính là do “việc gì cũng phải xin ý kiến” này.

Tất nhiên, từng đồng vốn của Nhà nước dù trong bất kỳ lĩnh vực, hoạt động nào cũng đều phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Phải “ngấm” tư tưởng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ ngay từ khâu soạn thảo dự luật quan trọng này không phải để buông lỏng quản lý, giám sát mà là để thiết kế được những quy định vừa tạo sự chủ động, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước vừa có cơ chế quản lý chặt chẽ – quản những việc cần thiết phải quản để tránh lạm dụng, làm thất thoát tài sản nhà nước, gắn trách nhiệm của đơn vị, người đại diện vốn nhà nước, tăng cường tính công khai, minh bạch về thực trạng tài chính, hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước để bảo đảm việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước và của Nhân dân đối với vốn của Nhà nước.

Tin liên quan