Phấn đấu không để chậm, tồn đọng văn bản

Cập nhật: 09/12/2020 14:07

Đó là một trong những nhiệm vụ, phương hướng năm 2021 của Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác pháp chế năm 2020 diễn ra vào ngày 9/12.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TH

Báo cáo tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết, năm 2020, Vụ Pháp chế đã tích cực, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành.

Công tác xây dựng thể chế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khi xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu cao về chất lượng như: xây dựng Dự án Luật Thanh tra sửa đổi; Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại; quyết định của Thủ tướng quy định danh mục bí mật Nhà nước trong ngành Thanh tra…

Công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2020 được thực hiện một cách đồng bộ, quy mô, chất lượng, có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc xây dựng Dự án Luật Thanh tra sửa đổi.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, rà soát, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục đạt kết quả tốt. Nội dung công tác pháp chế thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Vụ thống nhất, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, phù hợp với năng lực, sở trường của từng công chức. Tập thể chi bộ, công chức  trong Vụ luôn đoàn kết, cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và luôn chấp hành tốt chế độ, nội quy làm việc của cơ quan.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại một số hạn chế như: Một số hoạt động chưa được triển khai đồng đều như hoạt động tổ chức đoàn kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật chưa được triển khai; hoạt động in, ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền chưa thực hiện đúng tiến độ; một số văn bản góp ý còn chưa được đầu tư sâu về chất lượng.

Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Tuấn, nguyên nhân của những tồn tại trên là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Vụ không tổ chức được các đoàn kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về thanh tra tại một số bộ, ngành, địa địa phương như kế hoạch dư kiến; kinh phí phân bổ cho hoạt động triển khai Đề án 861 chưa được cơ quan có thẩm quyền bổ sung, phân bổ nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền theo nội dung của Đề án.

Bên cạnh đó, Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định về kiểm soát tài sản thi nhập được ban hành vào tháng 12/2020 nên việc xây dựng tài liệu truyên truyền của Đề án còn chậm; hội nghị tập huấn pháp luật về  phòng, chống tham nhũng cho các cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng chưa được triển khai.

Công việc của Vụ với phạm vi rộng, chuyên môn đa dạng, phức tạp không chỉ trong phạm vi quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ mà còn giao thoa giữa các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau; nhiều nhiệm vụ phát sinh đột xuất, yêu cầu gấp về tiến độ, công chức Vụ gặp khó khăn về thời gian trong xử lý, tham mưu, nhất là các yêu cầu góp ý  vào dự thảo văn bản luật xin ý kiến của thành viên Chính phủ hoặc góp ý  chuyên sâu theo đề nghị của các bộ, ngành.

Tại hội nghị, các công chức, viên chức đã tập trung đóng góp ý kiến nhằm đưa ra những biện pháp khắc phục khó khăn, tồn tại và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Theo đó, về phương hướng, năm 2021 các công chức cho rằng, cần tích cực, chủ động, đổi mới toàn diện các mặt công tác pháp chế theo hướng bảo đảm chất lượng, tiến độ và có trọng tâm, trọng điểm. Phấn đấu không để chậm văn bản, tồn đọng công việc và khắc phục những tồn tại hiện nay.

Thường xuyên đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, tổ chức công việc, phát huy trách nhiệm của lãnh đạo vụ, lãnh đạo phòng và nêu cao tinh thần trách nhiệm của công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ; tăng cường sử dụng phần mềm Voffce trong chỉ đạo, điều hành công việc hàng ngày, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ điện tử, đảm bảo tính nhanh gọn, hiệu quả, tiết kiệm trong xử lý công việc.

Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp với các cục, vụ, đơn vị trong cơ quan; tích cực tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, tập trung vào công tác xây dựng thể chế, tiếp tục chủ trì nghiên cứu xây dựng Dự án Luật Thanh tra sửa đổi để trình Chính phủ vào tháng 6/2021 và trình Quốc hội vào tháng 10/2021; hoàn thiện hồ sơ Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; theo dõi đôn đốc và hướng dẫn các cục, vụ đơn, vị, bộ, ngành xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan.

Triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Thanh tra Chính phủ năm 2021 sau khi được phê duyệt. Tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khuôn khổ Đề án 861 theo kế hoạch đề ra.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong hệ thống văn bản quy định pháp luật; kịp thời hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để phục vụ cho việc nghiên cứu và áp dụng pháp luật…

theo Thái Hải – Báo Thanh tra

Tin liên quan