Pháp luật là công cụ để bảo đảm quyền tự do của con người không bị xâm phạm

Cập nhật: 12/08/2022 09:37

Từ lâu, pháp luật luôn là một phạm trù đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức và điều chỉnh các mối quan hệ trong đời sống kinh tế – xã hội, trên cả cơ sở lý luận và thực tiễn. Trải qua nhiều sự biến đổi không ngừng để đáp ứng những yêu cầu của từng thời kỳ nhất định, song pháp luật vẫn giữ những thuộc tính, đặc trưng vốn có của nó. Một trong số các đặc trưng đó có thể kể đến là việc pháp luật đóng vai trò như một công cụ để bảo đảm tự do của người này không xâm phạm tự do của người khác. Tại Việt Nam, pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm những quyền cơ bản của con người, được cụ thể hóa tại Điều 14 Chương II Hiến pháp năm 2013. Điều này đồng nghĩa với việc mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xã hội đều phải tôn trọng những quyền này để gìn giữ và bảo vệ công lý cũng như tính thượng tôn pháp luật của Nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang xây dựng.

Ảnh minh họa.

Khái quát chung

Quyền tự do là một trong số các quyền cơ bản của con người. Quyền con người là những quyền vốn có, không thể tách rời và bất khả xâm phạm của con người. Quyền tự do có thể xuất hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do về thân thể hay quyền tự do kinh doanh và buôn bán… Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những quyền cơ bản nói trên sẽ bị hạn chế nhằm bảo đảm vấn đề về an ninh trật tự cũng như lợi ích chung của toàn xã hội không bị đe dọa. Cụ thể tại Việt Nam, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Trên thế giới hiện nay, có nhiều công ước quốc tế cũng như nhiều luồng quan điểm nhận định sự tự do như một quyền không thể tách rời của con người. Martin Luther King Jr. trong bài phát biểu “I have a dream” (Tôi có một ước mơ) đã nêu rõ: “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được tạo hóa ban cho một số quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Sự tự do còn xuất hiện dày đặc trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 với 35 từ “tự do” dàn trải khắp từ Lời mở đầu tới Phụ đính 1 nằm ở cuối văn bản này. Chẳng hạn như quyền tự do về phẩm cách ở Điều 1 Tuyên ngôn trên nhận định: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái”, hay quyền tự do nói chung được quy định rõ ở Điều 3: “Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể”. Tại Việt Nam, trong bản Tuyên ngôn độc lập Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu với lời trích dẫn từ bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Có thể thấy, sự tự do là điều mà các quốc gia đang cố xây dựng, gìn giữ và phát huy thông việc ban hành và thực hiện các quy định, thể chế pháp luật về quyền con người.

Một điểm cần chú ý là tại một số nhà nước văn minh như nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang hướng tới, quyền tự do luôn đi đôi và song hành cùng với quyền bình đẳng, bác ái và tôn trọng lẫn nhau để đôi bên cùng có lợi. Xuyên suốt Chương II Hiến pháp năm 2013 và cả những chương còn lại, có thể thấy từ bình đẳng xuất hiện nhiều lần để thể hiện tính công bằng và trọng trách thực thi công lý của pháp luật. Điều 16 quy định:

“1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Khoản 1 nêu rõ về địa vị pháp lý của mọi người trước pháp luật là như nhau. Tiếp đó, khoản 2 cũng nghiêm cấm về hành vi phân biệt đối xử với bất cứ cá nhân, tổ chức nào trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội. Có thể thấy, pháp luật quy định cụ thể về những điều các thành viên trong xã hội được làm, phải làm và không được làm – ai cũng có quyền và lợi ích hợp pháp như nhau. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng cá nhân này sở hữu nhiều quyền hơn cá nhân kia, dẫn đến những tranh chấp và mâu thuẫn không đáng có. Việc mọi người bình đẳng trước pháp luật cũng là việc mọi người tôn trọng và tin tưởng vào hệ thống quy tắc xử sự chung này hay công cụ để bảo đảm những quyền cơ bản của họ không bị xâm phạm. Bên cạnh đó, đa phần các điều khoản trong Chương II về quyền công dân và quyền con người đều bắt đầu với cụm từ “mọi người” hoặc “công dân”. Điều này là để bảo đảm tính công bằng, tính đoàn kết cũng như hỗ trợ việc quy định cụ thể về đối tượng mà pháp luật điều chỉnh cũng như việc nhà nước cam đoan rằng sẽ không xâm phạm đến tự do của người này chỉ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kia do mọi người đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Vì vậy, người dân nếu muốn bảo vệ quyền cơ bản của chính mình thì cũng cần tuyệt đối không xâm phạm tới quyền cơ bản của người khác hay xã hội nói chung.

Một ví dụ điển hình có thể kể đến là quyền tự do ngôn luận được quy định trong các văn bản pháp luật quan trọng tại nhiều nước trên thế giới nói chung và nước Việt Nam nói riêng. Tại nước ta, khoản 2 Điều 13 Luật Báo chí năm 2016 có nêu: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”. Tuy nhiên, một số nhà báo lại lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận này để tuyên truyền chống lại Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiệm trọng cũng tới lợi ích của Nhà nước. Một trường hợp có thể kể đến là bà Phạm Thị Đoan Trang, một blogger, người từng làm việc cho nhiều tờ báo mới đây đã bị tuyên phạt 09 năm tù do tội xuyên tạc, bóp méo đường lối chính sách của Đảng, phỉ báng, xúc phạm chính quyền.

Trong tương lai, quyền tự do có thể phát triển hoặc phát sinh thêm về khía cạnh nội hàm do cách nhận thức của người dân về các quyền cơ bản của họ và định hướng của Chính phủ và Nhà nước. Quyền tự do có thể bao hàm nhiều quyền hơn bởi chính quyền và người dân nhận ra tính cấp thiết với thời cuộc trong việc nâng một số quyền lên thành quyền không thể tách rời để cải thiện đời sống xã hội. Hoặc trong một số trường hợp, số lượng quyền con người có thể tinh giản do tầm quan trọng hoặc tính thiết yếu của một số quyền đã có dấu hiệu giảm bớt. Vì vậy, pháp luật luôn cần được cập nhật để phát triển gắn liền với thực tiễn cũng như đạt được hiệu quả cao trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

Pháp luật là công cụ để bảo đảm tự do của người này không xâm phạm tự do của người khác

Nguồn gốc của pháp luật

Một trong những hướng tiếp cận chủ đạo trong việc trả lời câu hỏi này là trước tiên ta cần phải nghiên cứu pháp luật từ khía cạnh nguồn gốc của nó để thấy rõ được vai trò của phạm trù này. Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, pháp luật xuất hiện cùng thời điểm với sự ra đời của nhà nước. Xã hội loài người đã từng chứng kiến một khoảng thời gian không có nhà nước và pháp luật, gọi là cộng sản nguyên thủy. Ở đó, con người sử dụng phong tục, tập quán, tín điều tôn giáo, đạo đức… làm chuẩn mực ứng xử và cơ sở kinh tế dựa trên chế độ công hữu. Thông qua ba lần phân công lao động xã hội, nền kinh tế tự cung tự cấp chuyển sang nền kinh tế hàng hóa và tư hữu ra đời thay thế cho sở hữu chung. Từ đó, xã hội bắt đầu chứng kiến sự phân chia giai cấp, sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc, dẫn tới xung đột giữa các giai cấp đối lập. Chế độ cộng sản nguyên thủy tan rã dẫn đến sự xuất hiện của nhà nước cùng với sự ra đời của pháp luật – một công cụ hiệu quả trong việc quản lý và tổ chức xã hội của nhà nước cũng như bảo đảm các quyền cơ bản của các cá nhân trong xã hội. Pháp luật ra đời với sứ mệnh làm cho “những giai cấp có quyền lợi đối lập nhau đó không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội”(1). Muốn các giai cấp đối kháng này không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau thì cần bảo đảm rằng quyền lợi và lợi ích hợp pháp của giai cấp này không xâm phạm tới quyền lợi và lợi ích hợp của giai cấp kia.

Trên cơ sở thực tiễn, điều này thường được thực hiện thông qua việc đầu tiên, nhà nước cần phải công nhận quyền cơ bản của con người và công dân trong các văn bản quy phạm pháp luật hay các văn bản pháp luật mang giá trị pháp lý cao nhất. Một trong số các quyền cơ bản này là quyền tự do. Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định tại Điều 3 Chương 1 rằng: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…”

Tiếp đến, do quyền tự do có thể trải rộng ở nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau, nên các văn bản pháp luật này cần nêu rõ và quy định cụ thể về quyền tự do ở từng lĩnh vực. Chẳng hạn như Điều 25 Chương 2 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định cụ thể về quyền tự do ngôn luận như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cụ thể trong việc thực hiện các quyền này, người dân cần tham khảo các luật liên quan – trong trường hợp này, có thể là Luật Báo chí năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018.

Trong một số trường hợp và điều khoản cụ thể, pháp luật không chỉ quy định về việc sử dụng pháp luật, nghĩa là sử dụng những quyền mà pháp luật cho phép mà còn quy định thêm về việc tuân thủ pháp luật, nghĩa là không làm những điều mà pháp luật nghiêm cấm. Ví dụ như Điều 24 trong Hiến pháp về quyền tự do tín ngưỡng đã nhấn mạnh:

“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Trong đó, ta có thể thấy khoản 1 quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng của từng cá nhân, tổ chức. Thông qua khoản 1, mọi cá nhân, tổ chức có thể hiểu rõ hơn về những quyền vốn có của mình – điều này sẽ giúp họ nhận thức được khi nào những quyền cơ bản này bị xâm phạm. Khoản 2 nhấn mạnh về việc nhà nước công nhận và bảo vệ quyền tự do của mỗi người trong lĩnh vực về tín ngưỡng và tôn giáo. Nhờ việc công nhận những quyền này, nhà nước nhận thức rõ đây là những quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và sẽ có những giải pháp cụ thể để bảo đảm những quyền này được định hướng và phát triển phù hợp với lợi ích chung của toàn xã hội. Cuối cùng, khoản 3 nghiêm cấm các hành vi xâm phạm quyền tự do hoặc lợi dụng trong tín ngưỡng. Nhà nước khẳng định sẽ đưa ra những chế tài xử phạt thích đáng để ngăn chặn việc những quyền cơ bản này bị xâm phạm. Pháp luật bảo đảm tự do của người này không xâm phạm tự do của người khác bởi vì ngoài việc quy định cụ thể phạm vi của những quyền được phép sử dụng, pháp luật còn “khoanh vùng” rõ những việc bị nghiêm cấm tuyệt đối.

Tính xã hội của pháp luật

Có thể nói, việc pháp luật ngăn chặn tình trạng tự do của người này xâm phạm tự do của người khác là những tiền đề quan trọng để điều hòa các mâu thuẫn vốn có giữa các giai cấp đối lập. Pháp luật được thể hiện dưới hình thức là những yêu cầu ứng xử tối thiểu cho phép các thành viên trong xã hội sử dụng những quyền vốn có của họ nhưng vẫn đủ tính răn đe để lợi ích của các cá nhân không bị va chạm dẫn đến xung đột không thể điều hòa được. Chẳng hạn như khoản 2, 3, 4 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ:

“2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Có thể thấy, khoản 2 đã thể hiện những yêu cầu tối cơ bản để bảo đảm yếu tố chức năng và khía cạnh hiệu quả của một mối quan hệ dân sự nhưng ở khoản 4 đã yêu cầu cụ thể tính nghiêm chỉnh, nghiêm cấm hành vi xâm phạm quyền và lợi ích của người khác. Khoản 3 nêu rõ cách thức thực hiện và thay đổi các mối quan hệ dân sự nhằm bảo đảm không bên nào bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp. Điều này chứng tỏ pháp luật là cầu nối trung gian giữa cá nhân, pháp nhân này với cá nhân, pháp nhân khác, điều tiết hai bên hoạt động trong phạm vi và quyền hạn mà pháp luật quy định cũng như không để xảy ra ảnh hưởng tiêu cực tới bên còn lại.

Bảo vệ quyền tự do và quyền con người trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Một trong số biểu hiện cụ thể có thể kể đến tại nước ta là quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là “văn bản do các chủ thể có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục, hình thức do pháp luật quy định, trong đó có chứa đựng các quy tắc xử sự chung để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội”(2). Các văn bản này có giá trị hiệu lực pháp lý cao nhất, đồng nghĩa với việc những văn bản còn lại phải phù hợp và không được xung đột với những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Hình thức và ngôn ngữ được dùng phải đơn giản, dễ hiểu, chính xác và phổ thông. Vì vậy, chỉ cần nhìn vào các văn bản quy phạm pháp luật của một nước và cách chúng được ban hành là có thể phần nào hiểu thêm được về mức độ mà quốc gia đó tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Tại Việt Nam, những thông tin này được quy định rõ tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 với phạm vi điều chỉnh bao gồm nhiều thể loại văn bản khác nhau trong các lĩnh vực cụ thể. Tại điểm a khoản 1 Điều 15 Chương 2, “Quốc hội ban hành luật để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp phải do luật định; việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình phạt” hoặc tại điểm c khoản 2, “ban hành nghị quyết để quy định tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân”.

Liên quan tới giai đoạn lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong quá trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được cụ thể hóa tại Điều 31 đến Điều 33 Mục 1 Chương III. Khoản 1 Điều 31 quy định rõ: “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng hằng năm trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng… bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Yêu cầu đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức cần phải dựa trên các căn cứ như: “Yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh” (điểm c khoản 2 Điều 32). Cuối cùng, về việc kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội, Luật này cũng quy định “phải căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…”.

Trong lĩnh vực hình sự, các hành vi xâm phạm quyền tự do của người khác ở mức độ nguy hiểm cho xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (một ví dụ điển hình là vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố về tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể như sau:

“1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Trong dân sự, hành vi xâm phạm tự do của người khác gây thiệt hại đều sẽ phải bồi thường cả về vật chất và tinh thần. Quan điểm này đã được khái quát chung tại Điều 13 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” và được trình bày cụ thể trong từng lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội xuyên suốt Bộ luật này. Chẳng hạn, liên quan tới thiệt hại do vi phạm nghĩa, khoản 1 Điều 361 Mục 4 Bộ luật này có nêu rõ:

“1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể”.

Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước đang có những biện pháp cụ thể và chi tiết nhằm tôn trọng và bảo đảm quyền tự do chính đáng của các cá nhân cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bồi thường khi những quyền này bị vi phạm.

Trong hành chính, nước ta cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật, trong đó bao gồm các chế tài xử phạt hành chính. Điểm a khoản 2 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nêu rõ việc quản lý, sử dụng và quy định danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong quá trình phát hiện vi phạm hành chính phải bảo đảm “Tôn trọng quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức”. Luật này cũng phân ra các biện pháp và mức phạt cụ thể, kèm theo đó là việc liệt kê các đối tượng mà các mức phạt này được áp dụng. Chẳng hạn như khoản 1 Điều 94 Luật này quy định: “Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”. Có thể nói, với cách thức trình bày chi tiết, đầy đủ và dễ hiểu như trên, pháp luật dễ dàng tiếp cận gần hơn với đời sống thường nhật, qua đó nâng cao hơn ý thức của người dân về quyền con người cũng như giúp cơ quan nhà nước bước đầu xử lý các tội danh liên quan tới xâm phạm quyền con người.

Có thể thấy, việc các quyền con người xuất hiện nhiều lần trong lý do và mục đích ban hành các luật và nghị định hoặc trong giai đầu đầu – giai đoạn nền tảng khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật khác chứng tỏ đây là một tín hiệu tốt cho hệ thống pháp luật Việt Nam. Chỉ khi Nhà nước Việt Nam đặt quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng như những quyền cơ bản của con người lên vị trí hàng đầu hay nói cách khác, là thực hiện quyết liệt trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì pháp luật mới có thể giúp củng cố và bảo vệ những quyền này một cách triệt để cũng như ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm bất hợp pháp.

Tài liệu tham khảo:

1. Nhà pháp luật Việt – Pháp, Nhập môn luật học, Jean-Claude Ricci, Nxb Văn hóa – Thông tin, H.200 b2.

2. Montesquieu, Tinh thần pháp luật, Người dịch: Hoàng Thanh Đạm, NXB. Giáo dục, H. 1996.

3. Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật (Tái bản lần thứ tư, có sửa đổi, bổ sung), NXB. Tư pháp, 2020.

4. Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, 1948.

5. Ph. Ăng – ghen, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, NXB. Sự thật, Hà Nội, 1972.

6. Hiến pháp năm 2013.

7. Bộ luật Dân sự năm 2015.

8. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

9. Bộ luật Hình sự năm 2015.

10. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

theo NGUYỄN KHÁNH AN – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/phap-luat-la-cong-cu-de-bao-dam-quyen-tu-do-cua-con-nguoi-khong-bi-xam-pham1660258742.html

Tin liên quan