Chủ tịch nước thăm, làm việc với Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN) |
Cuối tuần qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm, kiểm tra công tác ứng trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
“Nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của lực lượng vũ trang
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, từ năm 1996 đến nay, Cục Cứu hộ – Cứu nạn đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó khắc phục 222 cơn bão, 63.574 sự cố, thiên tai, dịch bệnh; điều động trên 4,1 triệu lượt người cùng hơn 164.900 lượt phương tiện, cứu được 73.865 người. Trong đó, Quân đội tham gia trên 3,4 triệu lượt cán bộ, chiến sỹ (chiếm 83%) và 110.354 lượt phương tiện (chiếm 67%), cứu được 56.788 người (chiếm 77%)… Đặc biệt, Cục đã tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19; tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2/2023, được Tổng thống, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ những tấm gương đã dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đồng thời đánh giá cao và biểu dương những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong công tác phòng thủ dân sự, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian qua.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, sự cố, thiên tai, thảm họa luôn là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lịch sử dựng nước và giữ nước của đất nước ta luôn xác định phòng, chống sự cố, thiên tai là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, với nhiều khó khăn và phức tạp. Đảng, Nhà nước luôn xác định công tác ứng phó với sự cố, thảm họa, thiên tai do con người và thiên nhiên gây ra là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự phối hợp, hiệp đồng của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực của xã hội, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt.
Nhiệm vụ của lực lượng cứu hộ rất quan trọng, có thể gọi là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của lực lượng vũ trang. Với bộ máy gọn, quân số mỏng nhưng cán bộ, chiến sỹ Cục Cứu hộ – Cứu nạn đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí đổ máu, hy sinh để hoàn thành xuất sắc khối công việc lớn; được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. “Những nỗ lực, hy sinh của các đồng chí đã góp phần to lớn khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục các sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân”, Chủ tịch nước khẳng định.
Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”
Định hướng nhiệm vụ năm 2023 và những năm sắp tới, Chủ tịch nước cho biết, các dự báo đều lưu ý biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường, dịch bệnh ngày càng diễn ra bất thường, cực đoan…, đây là thách thức đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bởi vậy, Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới, Đảng ủy, Chỉ huy Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục phát huy thành tích đạt được, nỗ lực cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về phòng thủ dân sự, đặc biệt quán triệt tốt Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Cùng với đó, tham mưu kiện toàn hệ thống tổ chức, lực lượng phòng thủ dân sự các cấp bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh tổ chức lực lượng nòng cốt, lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, phải tập hợp được lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phòng ngừa, chủ động ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Chủ tịch nước cũng lưu ý nhiệm vụ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cho các lực lượng và toàn dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, các vùng, ngành, địa phương. Từ đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, góp phần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp thông tin kịp thời, chính xác trước và trong khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, giúp chính quyền và người dân chủ động trong phòng ngừa, ứng phó.
Chủ tịch nước đề nghị cần làm tốt việc tham mưu hướng dẫn xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp, chuẩn bị các biện pháp ứng phó, khắc phục phù hợp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự. Đặc biệt, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”, chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho các tình huống; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo. Nâng cao năng lực tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành của người chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn…
Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng đề nghị đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự, trong chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, dự báo thảm họa, thiên tai, hỗ trợ các nguồn lực tài chính, trang thiết bị, năng lực, kinh nghiệm trong ứng phó với sự cố, thảm họa, thiên tai và biến đổi khí hậu. Tích cực tham gia nghĩa vụ quốc tế, khẳng định chính sách đối ngoại, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Việt Nam.