Quốc hội sẽ chất vấn nhiệm kỳ, bàn thí điểm sử dụng đất quốc phòng kết hợp xây dựng kinh tế

Cập nhật: 02/11/2020 09:03

Trong đợt họp tập trung, Quốc hội sẽ bàn dự thảo nghị quyết thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; chất vấn nhiệm kỳ; phê chuẩn miễn nhiệm, bổ nhiệm 4 nhân sự thành viên Chính phủ.

Toàn cảnh kỳ họp 10 tại hội trường Quốc hội. Ảnh: TN

Sáng ngày 2/11, kỳ họp 10 bước vào đợt họp tập trung tại nhà Quốc hội. Đợt họp này kéo dài đến ngày 17/11 để quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong đó, Quốc hội sẽ bàn dự thảo nghị quyết thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; phê chuẩn miễn nhiệm, bổ nhiệm 4 bộ trưởng, trưởng ngành, cũng như chất vấn tổng kết nhiệm kỳ.

Theo chương trình kỳ họp 10, đợt họp tập trung, nhiều nội dung quan trọng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Cảnh báo nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ sắp chạm ngưỡng

Sáng 2/11, các đại biểu thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021….

Các nội dung trên tiếp tục được thảo luận ở hội trường trong 3 ngày từ 3-5/11 và được phát thanh truyền hình trực tiếp.

Báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội cho thấy, năm nay thu ngân sách ước đạt 1.323,1 nghìn tỉ đồng, hụt 189,2 nghìn tỉ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Nhiều khoản thu không đạt dự toán như thu từ thuế, phí, lệ phí, thu từ dầu thô.

Tổng chi ngân sách ước thực hiện là 1.686,2 nghìn tỉ đồng, giảm 60,89 nghìn tỉ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán. Bội chi ngân sách ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán.

Theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh.

“Nhiều khả năng bội chi ngân sách sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỉ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi ngân sách vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỉ đồng), bằng 5,59%GDP”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết.

Đặc biệt, các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, tuy dự ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn, nhưng Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách.

“Đó là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia”, Uỷ ban Tài chính Ngân sách cảnh báo.

Đáng chú ý, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, thẩm tra và thảo luận về dự thảo nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Phê chuẩn miễn nhiệm, bổ nhiệm 4 Bộ trưởng, trưởng ngành

Trong đợt họp tập trung này, Quốc hội sẽ bàn công tác nhân sự. Theo đó, đầu giờ chiều ngày 2/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh.

Sau đó, Quốc hội thảo luận tại đoàn về vấn đề này. Chiều ngày 3/11, Quốc hội sẽ bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Đến ngày 11/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng.

Kết quả phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với các ông Lê Minh Hưng, Chu Ngọc Anh sẽ được công bố vào chiều cùng ngày.

Ngày 12/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự một số thành viên Chính phủ.

Theo dự kiến, người được giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Người được giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế là ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Quốc hội còn tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán TAND Tối cao.

Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự một số thành viên Chính phủ, nhân sự Thẩm phán TAND Tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín và công bố kết quả vào sáng ngày 13/11.

Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp trả lời chất vấn

Nội dung đáng chú ý nữa, là Quốc hội dành 2,5 ngày để tiếp hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Trước khi tiến hành chất vấn, sáng ngày 6/11, các đại biểu sẽ nghe: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Chánh án TAND Tối cao trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan. Nội dung quan trọng này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Với đặc điểm là kỳ chất vấn năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ không chọn một số vị Bộ trưởng, trưởng ngành để chất vấn trực tiếp như các kỳ họp khác mà đại biểu chất vấn vấn đề thuộc lĩnh vực nào thì các vị phụ trách chính lĩnh vực đó sẽ trả lời.

Kỳ họp này, thời gian dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội là từ 9h đến 11h15 (giải lao từ 9h30-9h50).

theo Hương Giang – Báo Thanh tra

Tin liên quan