Ảnh minh họa. |
Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT (TT 012) quy định, khiếu nại trong TTHS là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thủ tục quy định của Bộ luật TTHS 2015 đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Về chủ thể có quyền khiếu nại, Bộ luật TTHS 2015 đã mở rộng chủ thể được quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng với cá nhân so với Bộ luật TTHS 2003 như: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; người chứng kiến; người phiên dịch, người dịch thuật; người bào chữa; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
Cũng theo Luật sư Hiếu, cá nhân là chủ thể có quyền khiếu nại được hiểu là người có quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài, người có năng lực hành vi tố tụng hoặc người không có hoặc hạn chế năng lực hành vi tố tụng thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện hợp pháp của mình. Cơ quan, tổ chức là chủ thể của quyền khiếu nại có thể là bất kỳ cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc tổ chức nghề nghiệp.
Đặc biệt, tại Bộ luật TTHS 2015 đã có quy định mới về quyền được thông báo về nội dung khiếu nại cho người bị khiếu nại. Cụ thể, ngoài các quy định về bảo vệ quyền của người khiếu nại, pháp luật cũng đã đảm bảo cho người bị khiếu nại được biết bản thân đang bị khiếu nại về vấn đề, nội dung gì, để trước hết họ tự nhìn nhận, xem xét lại hành vi, quyết định của mình.
Trường hợp nhận thấy hành vi, quyết định đang bị khiếu nại của mình là trái pháp luật thì kịp thời có biện pháp khắc phục bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người khiếu nại mà không cần phải thông qua trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại.
Mặt khác, sau khi tự đánh giá lại hành vi, quyết định của mình và cho rằng đúng quy định, không vi phạm, không trái pháp luật thì người bị khiếu nại cũng có thể chủ động áp dụng các biện pháp như giải trình, cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan… cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, góp phần rút ngắn thời gian xác minh giải quyết khiếu nại.
Về thẩm quyền, thời hạn giải quyết khiếu nại trong hoạt động TTHS được quy định cụ thể từ Điều 474 đến Điều 477 trong Bộ luật TTHS 2015 theo các nhóm cụ thể như: thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam; thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với điều tra viên, cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng cơ quan điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra…
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại lần hai.