Quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công (Tiếp theo và hết) (*)

Cập nhật: 13/06/2022 09:10

Bài 2: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân những tháng cuối năm

Các đơn vị thi công đường ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh MAI LUẬN)

 

Trong cùng một điều kiện, bên cạnh một số địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, lại có không ít địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao nhờ có nhiều mô hình hay và cách làm tốt. Đây là những cách làm cần được phổ biến, nhân rộng để các ngành, các địa phương trong cả nước học tập, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế của đất nước.

Nhờ thực hiện những giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo triển khai công tác giải ngân, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Bắc Kạn từ chỗ thấp nhất cả nước (ba tháng đầu năm 2022 chỉ đạt hơn 4%) đến nay đã lên hơn 16%, cao hơn cùng kỳ năm 2021, gần bằng bình quân chung cả nước. Các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc cũng có tốc độ giải ngân cao, đạt hơn 21%, cao hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước.

Coi kết quả giải ngân là tiêu chí thi đua

Những ngày qua, chủ đầu tư dự án trọng điểm xây dựng đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể nối sang huyện Na Hang (Tuyên Quang) và các nhà thầu thi công tranh thủ từng giờ nắng, sẵn sàng tăng ca làm đêm để đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường, vì nếu mưa to kéo dài, toàn bộ hoạt động thi công sẽ phải tạm dừng. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc Kạn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, dù đầu tháng 4/2022 các nhà thầu mới bắt đầu thi công, nhưng đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân của dự án đã đạt hơn 15%. Đến nay, Ban Quản lý dự án đã hoàn thành việc lập biểu tiến độ chi tiết dự án, trong đó rõ từng mốc thời gian của từng phần việc. Đây sẽ là căn cứ để đôn đốc, xử lý trách nhiệm nếu cán bộ, nhà thầu không quyết liệt đáp ứng nhiệm vụ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn Trần Công Hòa cho biết, lập biểu chi tiết tiến độ các dự án là một trong những cách làm mới mà Bắc Kạn triển khai trong hai tháng qua nhằm “thúc” tiến độ giải ngân các dự án. Khắc phục tình trạng cấp ủy “khoán” công tác giải ngân vốn đầu tư công cho UBND các cấp, Tỉnh ủy Bắc Kạn yêu cầu Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy phải kiểm điểm về việc giải ngân vốn đầu tư công tại các kỳ họp định kỳ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu, có lộ trình từng việc cụ thể. Người đứng đầu cấp ủy các cấp phải có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân. Cùng với đó, từ tháng 4/2022, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã yêu cầu thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa phương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện chỉ đạo về công tác giải ngân. Nhờ đó, đến hết ngày 31/5, tỷ lệ giải ngân của Bắc Kạn đạt hơn 16%. Con số này thể hiện nỗ lực rất lớn của tỉnh bởi trước đó khoảng hơn một tháng, tỷ lệ giải ngân của tỉnh chỉ hơn 4%, thấp nhất cả nước.

Tính đến ngày 31/5, Nghệ An đã giải ngân được hơn 2.696 tỷ đồng, đạt 28,71% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước đã giải ngân đạt 29,91%. Một số dự án lớn có tỷ lệ giải ngân cao như: Đường ven biển từ huyện Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến thị xã Cửa Lò (Nghệ An) giải ngân đạt hơn 82% kế hoạch; Đường Mường Xén-Ta Đo-Khe Kiền giải ngân đạt 40,5%… Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, từ đầu năm 2022, tỉnh đã thành lập ngay Tổ công tác của tỉnh về lĩnh vực đầu tư công và ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc tiến độ các dự án theo từng lĩnh vực. Sáu tháng qua, Tổ công tác và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã làm việc tại sáu huyện: Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Tương Dương, Kỳ Sơn và Anh Sơn để chỉ đạo và đôn đốc công tác giải ngân. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, hằng tháng báo cáo tiến độ thực hiện và cam kết giải ngân tháng tiếp theo. Cứ 10 ngày/lần, tổng hợp kết quả giải ngân để thông báo đến từng giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị nhằm đôn đốc, chỉ đạo kịp thời.

Đại diện Sở Tài chính Vĩnh Phúc cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến hết ngày 31/5 đạt 1.911 tỷ đồng trong tổng kế hoạch vốn 9.110 tỷ đồng được giao, đạt 21%, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Một số dự án trọng điểm được giải ngân ở mức cao như: Dự án xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc với tỉnh Phú Thọ, trong 5 tháng đầu năm giải ngân được 113,537 tỷ đồng, đạt 92%; Dự án khu trung tâm văn hóa thể thao huyện Lập Thạch, 5 tháng đầu năm giải ngân được 47,5 tỷ đồng, đạt 50%. Kinh nghiệm của Vĩnh Phúc là coi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là chỉ tiêu “cứng” để Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các sở, ngành, huyện, thành phố. UBND tỉnh giao chỉ tiêu, yêu cầu UBND cấp huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng với các chủ đầu tư và rút ngắn các quy trình, thủ tục đầu tư để sớm triển khai thi công các dự án. Tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở cấp tỉnh và chỉ đạo thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn cấp huyện; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công của các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Tính đến ngày 20/5, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa đạt 3.640 tỷ đồng, bằng 34,2% kế hoạch vốn được giao; được Bộ Tài chính xếp thứ tám toàn quốc về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. UBND tỉnh lập Tổ công tác đặc biệt hằng tháng đối thoại với doanh nghiệp để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022, làm cơ sở để chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án; giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm giải phóng mặt bằng đúng tiến độ cam kết với chủ đầu tư.

Theo dõi, đôn đốc tiến độ hằng tuần

Tuy đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn đạt thấp so với tổng kế hoạch vốn được giao, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong nửa cuối năm 2022, các địa phương thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm giải ngân toàn bộ vốn đã phân bổ. UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các chủ đầu tư đến ngày 30/6 phải xong các thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp, giải ngân vốn đối với các dự án triển khai thi công trong đầu tháng 7/2022. Trước ngày 25 hằng tháng, các chủ đầu tư phải báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện. Tỉnh đưa một số công trình, dự án vào diện giám sát đặc biệt để theo dõi, đôn đốc hằng tuần. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát lại các dự án trọng điểm, yêu cầu các chủ đầu tư tập trung triển khai và cam kết thực hiện giải ngân chi tiết đến từng dự án. Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các dự án tích cực đôn đốc nhà thầu huy động máy móc, nhân công để triển khai hợp đồng theo tiến độ, nhà thầu nào chậm tiến độ sẽ bị xử phạt theo quy định của hợp đồng. Tập trung thực hiện nghiệm thu khối lượng theo tiến độ hợp đồng và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán.

Hiện, tỉnh Nghệ An có 80 dự án mới và 18 dự án chuyển tiếp có gói thầu mới với lượng vốn chiếm khoảng 48%. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính khi giải quyết hồ sơ thủ tục các dự án đầu tư công. Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bởi đây là nút thắt quan trọng trong triển khai thực hiện các dự án; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu; kiên quyết xử lý, thay thế các chủ đầu tư, các nhà thầu không đủ năng lực làm chậm tiến độ giải ngân. Tỉnh sẽ tiến hành số hóa, cập nhật tiến độ các công trình dự án để tiện kiểm tra, giám sát, nhắc nhở…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa cho biết, UBND tỉnh phân công các lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo tiến độ thực hiện của các dự án lớn, trọng điểm; thường xuyên làm việc với các chủ đầu tư để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; giao chỉ tiêu giải phóng mặt bằng cho từng dự án và yêu cầu UBND tỉnh cấp huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng, cam kết về tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đối với từng dự án. Tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn; tiếp tục thực hiện nghiêm việc cắt giảm, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục, từ giai đoạn chuẩn bị đến thực hiện dự án và kết thúc xây dựng công trình đưa vào khai thác, sử dụng.

——————————

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 12/6/2022.

theo NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ – Báo nhân dân điện tử

Tin liên quan