Ảnh minh họa.
Tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về việc nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình tại phiên tòa, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Pháp lệnh gồm 4 chương, 48 điều quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2022.
Theo Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, Pháp lệnh này không quy định các hành vi mới, mà chỉ quy định cụ thể hơn việc xử phạt, các hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt đối với những hành vi không được phép thực hiện, hành vi bị coi là cản trở hoạt động tố tụng đã được quy định trong các đạo luật tố tụng.
Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 153 Luật Tố tụng hành chính về Nội quy phiên tòa đều quy định: “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”.
Theo Luật Báo chí, nhà báo có quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho rằng, nhà báo có quyền như vậy nhưng những người khác cũng có quyền mà quyền rất thiêng liêng đã được Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật ghi nhận. Đó là quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh,…
Do vậy, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước có quy định hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cũng cho biết thêm, việc ghi hình, ghi âm là hành vi bị nghiêm cấm, nên phát trực tiếp (Livestream) thì mức độ xử phạt lỗi lớn hơn. Việc phát tán lên mạng các hình ảnh mà người dân không đồng ý thì càng không được.
Ví dụ như trong một vụ án ly hôn, nếu nhà báo không xin phép khi tác nghiệp, sau đó người dân biết bản thân bị quay phim, chụp hình lên báo thì có thể khiếu nại. Khi đó nhà báo hoàn toàn chịu trách nhiệm với việc làm đó.
Tòa án nhân dân Tối cao đã tính đến việc sẽ phải trình xây dựng những quy phạm về cách tác nghiệp của nhà báo tại phiên toà; sắp tới sẽ phải có hướng dẫn về nhà báo xin phép ghi âm, ghi hình.
theo PHƯƠNG NGUYỄN – Tạp chí luật sư VN