Tư vấn, môi giới bất động sản cho khách hàng tại Hà Nội. (Ảnh TUẤN MINH) |
Đang có nhu cầu mua nhà, anh Nguyễn Thế Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tìm kiếm rất nhiều hội, nhóm BĐS trên mạng xã hội. Không khó để anh tìm kiếm được thông tin về những căn nhà đúng các tiêu chí mà gia đình anh mong muốn. Thế nhưng, khi đến xem nhà, anh Hưng thấy công trình hoàn toàn khác so với mô tả trên mạng. Sau khi tìm hiểu, anh Hưng mới biết đây là chiêu trò dụ khách của đội “cò” BĐS. Thậm chí, sau đó, số điện thoại của anh bị lưu vào tệp dữ liệu khách hàng và người môi giới liên tục gọi điện để giới thiệu những ngôi nhà khác, gây không ít phiền toái, khó chịu.
Anh Lê Dũng, một nhân viên môi giới BĐS chia sẻ, chiêu trò các đối tượng “cò” hay sử dụng là gây sức ép. Cụ thể, khi người mua gặp chủ nhà, những người này sẽ cho người quen đến đóng giả khách mua để xin đặt cọc, mục đích là khiến khách mua nóng lòng chốt giá căn nhà. Người mua khi đã ưng căn nhà thì dễ bị phân tâm, hơn nữa khi có người mua tranh thì tâm lý dễ xao động mà xuống tiền cọc sớm. “Cũng do việc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng bây giờ khá tiện lợi, cho nên khách chuyển tiền và làm hợp đồng đặt cọc rất nhanh chóng. Nhưng về nhà mới thấy “hớ” thì đã quá muộn”, anh Dũng cho hay.
Thực tế, đây là chiêu trò đầu tiên, cũng là nhẹ nhàng nhất của giới “cò” BĐS . Bởi đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường BĐS bị “đóng băng” trong thời gian dài. Hàng trăm nghìn người mất việc… đã góp phần đẩy mạnh hơn những chiêu trò để “bẫy” những nhà đầu tư BĐS thiếu kinh nghiệm trên thị trường. Dễ thấy nhất là tình trạng dồn dập thông tin “cắt lỗ” căn hộ vì dịch Covid-19, “cần tiền bán gấp”…
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, phần nhiều những căn nhà đăng bán giá rẻ nêu trên đều đang vướng phải vấn đề pháp lý như: Chưa hoàn thiện sổ đỏ, nhà đất đang thuộc diện tranh chấp hoặc nằm trong khu vực có kế hoạch giải tỏa… chứ ít có BĐS nào “bán lỗ” vì lý do dịch bệnh như quảng cáo. Bên cạnh hình thức rao bán cắt lỗ, tình trạng rao bán đất ngân hàng thanh lý cũng là chiêu thức mà các môi giới sử dụng từ lâu, nhưng thời gian qua vẫn không ít người “mắc bẫy”.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Nguyễn Văn Đính, từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covd-19, nhưng thị trường BĐS vẫn chứng kiến không ít đợt “sốt” giá đất nền tại các địa phương. Cùng với đó, cứ mỗi khi một khu vực có thông tin giá đất rục rịch tăng thì chỉ sau một đêm, hàng chục sàn, trung tâm môi giới BĐS mọc lên. Điều đặc biệt, các sàn hay trung tâm môi giới BĐS này đều hoạt động “ngoài luồng” tức không bảo đảm các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, môi giới.
Không chỉ lừa đảo bằng hình thức thông tin “ảo” để sập bẫy nhà đầu tư vào các dự án không đủ điều kiện, một bộ phận môi giới BĐS còn bị sa đà vào những hành vi chưa chuẩn mực như có hành vi găm đất, thổi giá tạo sốt ảo gây lũng đoạn thị trường, nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng, làm ảnh hưởng uy tín các chủ đầu tư chân chính.
Trước thực trạng này, nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động môi giới BĐS, ngày 28/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS với một số nội dung như: “Không có chứng chỉ hành nghề, không có quy chế hoạt động sàn giao dịch, thu các loại phí kinh doanh dịch vụ mà pháp luật không quy định, rao bán BĐS không đủ điều kiện, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ hồ sơ, thông tin về BĐS”…
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, để hướng đến dịch vụ môi giới BĐS chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS, cùng với các quy định xử phạt, cần quy hoạch lại hoạt động môi giới BĐS và đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước với các quy định rõ ràng, minh bạch trong việc cấp thẻ hành nghề môi giới và đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới BĐS, có chế tài xử lý vi phạm mạnh hơn đối với hành vi môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.